Suốt 30 năm qua, có lẽ lần "bắt tay" với Be Group là sự kiện gây tiếng vang nhất của Deutsche Bank tại Việt Nam. |
Những tuần gần đây, thị trường tài chính thế giới chao đảo trước hàng loạt biến cố bất ngờ, khó lường, và rất hiếm có, đã gây ra sự đổ vỡ theo dây chuyền tại một số nhà băng có truyền thống lâu đời ở châu Âu và Mỹ.
Châm ngòi cho cơn hoảng loạn của nhà đầu tư là sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (Mỹ) khi bị khách hàng ồ ạt rút tiền, và tiếp đó là ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ - Credit Suisse lâm vào khủng hoảng và bị ngân hàng đối thủ UBS thâu tóm. Chưa dừng lại ở đó, tâm lý thị trường càng thêm căng thẳng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất vào ngày 22/3.
Trong khi cuộc thương thảo giữa Credit Suisse và USB còn chưa ngã ngũ để có thể trấn an các nhà đầu tư, thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục hứng chịu thêm "cú giáng" mạnh khi giá cổ phiếu của Deutsche Bank niêm yết tại Mỹ bỗng chốc lao dốc "không phanh", giữa bối cảnh giá hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) của ngân hàng này tăng "phi mã".
Bên cạnh đó, lo ngại trước động thái đi ngược quy tắc xử lý quyền lợi cho các chủ nợ của Credit Suisse với việc ghi bút toán giảm toàn bộ 17,4 tỷ USD trái phiếu cấp AT1, cũng trong phiên giao dịch cuối tuần trước, trái phiếu bổ sung cấp AT1 của Deutsche Bank bị nhà đầu tư liên tục bán tháo.
Đà lao dốc của cổ phiếu kéo vốn hoá thị trường của Deutsche Bank giảm mạnh xuống còn khoảng 19 tỷ USD. So với thời điểm đầu tháng 2, thị giá cổ phiếu của nhà băng lớn nhất nước Đức đã “bốc hơi” hơn 30%.
Mặc dù đến nay, những sự kiện trên chưa tác động rõ ràng đến thị trường tài chính Việt Nam, tuy nhiên, đó vẫn là hồi chuông cảnh báo về một tương lai không hề dễ dàng đối với toàn bộ chủ thể tham gia thị trường.
Đặc biệt, khi chúng ta cũng đang ở giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường tài chính, chứng khoán sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Hiện, đồng loạt các yếu tố tác động đến thị trường đều trở nên tiêu cực, như tình hình thanh khoản "phập phồng" của ngân hàng; tỷ giá tăng mạnh; các sự vụ vi phạm pháp luật nghiêm trọng ở một số doanh nghiệp bất động sản...
Chính vì vậy, việc Deutsche Bank đang trở thành mối lo ngại mới, thậm chí được coi là "cú đấm bồi" cho nền tài chính toàn cầu đã thu hút sự quan tâm rất lớn của giới đầu tư trong nước.
Deutsche Bank là một trong số thành viên của tập đoàn tư nhân lớn hàng đầu tại Đức, bắt đầu hoạt động ở Việt Nam từ năm 1992, thế nhưng đến nay, Deutsche Bank vẫn là thương hiệu còn lạ lẫm với nhiều người.
Mới đây, trong tháng 3 này, Deutsche Bank đã tài trợ 15 triệu USD cho Pepperl+Fuchs - nhà sản xuất cảm biến công nghiệp "đồng hương", xây dựng nhà máy sản xuất bền vững tại Việt Nam. Nhà máy sẽ là nơi tập trung dây chuyền sản xuất thiết bị cảm biến công nghiệp phục vụ cho các công nghệ tự động hóa nhà máy, bao gồm bộ cảm biến, thiết bị truyền tín hiệu và vật liệu lắp ráp bảng mạch in, từ đó giúp cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của công ty tại thị trường Việt Nam.
Khoản vay đó chỉ là một trong nhiều bản hợp đồng chất lượng của Deutsche Bank trong hoạt động đầu tư tài chính tại Việt Nam. Suốt 30 năm qua, có lẽ lần "bắt tay" với Be Group là sự kiện gây tiếng vang nhất của Deutsche Bank.
Cụ thể, hồi tháng 9/2022, thông tin về Deutsche Bank xuất hiện tràn ngập các mặt báo, trong vai trò là ngân hàng cấp vốn cho Be Group - đơn vị sở hữu và phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ Be - với trị giá 100 triệu USD nhằm mở rộng và nâng cao 3 dịch vụ cốt lõi là gọi xe trực tuyến, giao đồ ăn và ngân hàng số Cake by VPBank.
Ngoài ra, nguồn vốn này sẽ được Be Group sử dụng để lấn sang các thị trường và dịch vụ mới.
Deutsche Bank tiếp sức cho Be Group trong cuộc đua "đốt tiền" kéo khách của các hãng xe công nghệ. |
Trên thị trường gọi xe công nghệ Việt, Be Group là doanh nghiệp nội địa hiếm hoi có thể trở thành đối trọng với hai đối thủ đang dẫn đầu về thị phần là Grab (Singapore) và Gojek (Indonesia). Startup công nghệ này thành lập vào tháng 12/2018, bắt đầu xuất hiện ở TP.HCM và Hà Nội với hai dịch vụ vận chuyển chính là beBike (dịch vụ đặt xe 2 bánh) và beCar (dịch vụ đặt xe 4 bánh).
Nhiều năm qua, không chỉ Be Group, đối thủ cạnh tranh của họ cũng lâm vào trạng thái "khánh kiệt" khi dốc sức vào cuộc chạy đua "đốt tiền" để giành giật lấy thị phần xe công nghệ.
Bởi vậy, dòng vốn tài chính bổ sung từ Deutsche Bank sẽ là động lực giảm tải cho Be Group khỏi những sức ép tài chính đang khá "căng", và giúp họ có vốn để mở rộng sang các thị trường khác, điển hình như việc phát triển nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ trong nước.
Theo số liệu tài chính riêng lẻ của Be Group, hết năm 2021, doanh nghiệp vẫn chưa tìm ra lời giải cho bài toán có lãi, tương tự như Grab và Gojek. Khi đó, Be Group đang "cõng" khoản lỗ lũy kế gần 2.500 tỷ đồng, là hệ quả dồn tích của các năm về trước. Chỉ riêng năm 2019, Be Group đã lỗ trên 1.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu của Be Group khá phập phù, tăng giảm đan xen từ 300 đến 500 tỷ đồng mỗi năm. Nhìn chung, doanh thu của Be Group nhỉnh hơn so với Gojek trên thị trường Việt Nam, song còn cách rất xa kết quả Grab đang đạt được.
Tuy nhiên, dù vượt trội về doanh thu, tình trạng kinh doanh của Grab cũng chẳng khá khẩm hơn khi chưa thể tạo ra lợi nhuận, vẫn miệt mài "gánh" lỗ với con số nghìn tỷ đồng/năm. Xét cùng thời điểm chốt năm 2021, Grab ghi nhận khoản lỗ lũy kế hơn 4.300 tỷ đồng; còn với Gojek cũng đã hơn 4.000 tỷ đồng.
Trở lại với Be Group, về sức khỏe tài chính, thời điểm 31/12/2021, tổng nợ phải trả của ứng dụng gọi xe này ở mức 882 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu âm 373 tỷ đồng. Thông thường, hồ sơ năng lực không tốt sẽ khiến Be Group gặp trở ngại lớn về hạn mức tín dụng, khó lòng thuyết phục các nhà băng.
Sang đến giai đoạn 2022 - 2023, giới phân tích kỳ vọng bức tranh kinh doanh của Be Group sẽ sáng màu hơn. Theo chia sẻ từ doanh nghiệp, trong nửa đầu 2022, doanh thu của họ ở thị trường trọng điểm là TP.HCM đã tăng lên gấp đối so với cùng kỳ năm trước. Song hành với đó, Be Group khẳng định bắt đầu có lãi từ quý III trở đi, tuy nhiên con số thực tế là bao nhiêu thì đến nay chưa được công khai.
Bên cạnh dòng vốn tín dụng 100 tỷ USD chảy từ Deutsche Bank như đề cập phía trên, mới đây, Be Group còn đạt được thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty taxi điện GSM của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Những chiếc taxi điện của VinFast sẽ được điều khiển bởi tài xế Be Group, sẵn sàng lăn bánh trên mọi nẻo đường từ tháng 4 tới. |
GSM được vị Chủ tịch Tập đoàn Vingroup sáng lập với vốn điều lệ là 3.000 tỷ đồng, trong đó ông Vượng nắm giữ 95% tỷ lệ cổ phần. Mục đích của việc đầu tư trực tiếp vào Be Group, theo GSM, là để hỗ trợ đối tác hướng đến mục tiêu trở thành nền tảng tiêu dùng đa dịch vụ, cũng như cung cấp dịch vụ vận chuyển công nghệ số một Việt Nam.
Ngoài ra, thông qua các đối tác tài chính, GSM sẽ hỗ trợ tài xế của Be Group chuyển đổi từ xe chạy xăng sang xe điện một cách thuận tiện và dễ dàng nhất. Với chi phí vận hành tiết kiệm và trải nghiệm “không tiếng ồn, không khói xăng”, ô tô điện và xe máy điện sẽ giúp Be Group và các tài xế nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu hiệu quả kinh doanh.
Trong giai đoạn đầu, GSM sẽ phối hợp với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cung cấp các chính sách ưu đãi độc quyền cho tài xế của Be Group để thuê hoặc mua ô tô, xe máy điện VinFast thông qua GSM với chi phí hấp dẫn.
Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ taxi công nghệ, GSM và Be Group cũng sẽ hợp tác chia sẻ nền tảng gọi xe. Thông qua ứng dụng của Be Group, khách hàng gọi xe có thể lựa chọn dịch vụ taxi điện của GSM, bên cạnh các dịch vụ beCar và beTaxi hiện có.
Chứng khoán Mỹ đảo chiều ngoạn mục, vấn đề Deutsche Bank không đáng lo? Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 24/3 dao động mạnh khi chỉ số ban đầu đi xuống mức thấp trong bối ... |
Nỗi sợ mới mang tên Deutsche Bank! Động thái bán tháo cổ phiếu Deutsche Bank diễn ra trong bối cảnh chỉ vài ngày sau thương vụ thâu tóm khẩn cấp Credit Suisse ... |
Nỗi sợ hãi về việc số tiền của trái chủ có thể biến mất bất kỳ lúc nào nếu ngân hàng gặp rắc rối về ... |
Vân Oanh