Giai đoạn thị trường chứng khoán đang vào nhịp hồi phục hiện nay, việc bám sát sự vận động của dòng tiền và tập trung vào các mã cổ phiếu được dòng tiền chú ý là yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư. Trong đó, nhóm cổ phiếu bán lẻ bao gồm MWG của Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động, PNJ của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận hay FRT của FPT Retail… nên được ưu tiên trong danh mục đầu tư.
Cổ phiếu bán lẻ cho thấy sức hút khá lớn trong thời gian gần đây |
Trên thực tế, cổ phiếu bán lẻ đã cho thấy sức hút khá lớn trong thời gian gần đây. Phiên 19/8, với lực cầu gia tăng mạnh ngay từ đầu phiên, cổ phiếu PNJ đã tăng kịch biên độ, gia nhập trở lại câu lạc bộ 3 chữ số ở mức giá 104.900 đồng/cp. So với thời điểm đầu năm, cổ phiếu PNJ đang cao hơn khoảng 23%. Hiện, giá trị vốn hoá thị trường của doanh nghiệp đạt 35.095 tỷ đồng, tương đương 1,41 tỷ USD.
Trước đó, trong phiên 16/8, cổ phiếu MWG đã gây ấn tượng với cú bứt phá ấn tượng lên 69.000 đồng/cp, mức giá cao nhất trong vòng gần 2 năm kể từ tháng 9/2022. Giá trị vốn hóa thị trường cũng theo đó vượt 100.000 tỷ đồng, tăng hơn 60% từ đầu năm và chỉ còn kém khoảng 12% so với mức đỉnh cao từng đạt được hồi giữa tháng 4/2022.
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, cổ phiếu FRT liên tục vượt đỉnh. Đây cũng là cổ phiếu được quỹ ngoại Dragon Capital liên tục gia tăng sở hữu, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu của quỹ này tại FPT Retail lên hơn 12% vốn điều lệ.
Sự quan tâm của nhà đầu tư đến nhóm cổ phiếu bán lẻ diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2/2024 của các doanh nghiệp bán lẻ, tiêu dùng đa phần đều ghi nhận mức tăng trưởng tích cực cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ.
Quý 2/2024, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động báo lãi ròng 1.172 tỷ đồng, tăng gấp 67,3 lần so với cùng kỳ. Qua đó, đưa lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên mức 2.074 tỷ đồng, gấp 53,6 lần cùng kỳ năm trước.
Một ông lớn khác trong ngành bán lẻ cũng ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng trong quý II vừa qua là FPT Retail với lợi nhuận sau thuế cải thiện lên mức 48,4 tỷ đồng, cách xa so với khoản lỗ 214,7 tỷ đồng của quý 2/2023, đánh dấu mức lãi cao nhất trong 6 quý gần đây. Bán niên, FPT Retail ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 18.281 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế đạt 109,1 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 212,6 tỷ đồng.
Tương tự, Digiworld (DGW) báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2024 khởi sắc với lợi nhuận sau thuế tăng 7,5% lên mức 89,3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Digiworld có 9.993 tỷ đồng doanh thu thuần và gần 182 tỷ đồng lãi ròng, tăng lần lượt 17% và 12% so với nửa đầu năm trước.
Hay như Công ty CP Tập đoàn Masan (MSN) ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 120% lên mức 946 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tăng vọt lên mức 503 tỷ đồng, tăng 378,6% và cao hơn con số 419 tỷ đồng của cả năm 2023. Sau 6 tháng đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của Masan đạt 1.425 tỷ đồng, tăng 64% và lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 607 tỷ đồng, tăng 90%.
Với lĩnh vực trang sức, Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận đạt hơn 9.519 tỷ đồng doanh thu thuần và 429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý 2, lần lượt tăng 43% và 27% so với quý cùng kỳ. Sau 2 quý đầu năm 2024, PNJ ghi nhận doanh thu thuần 22.113 tỷ đồng, tăng hơn 34,3% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 7,4%, lên mức 1.167 tỷ đồng.
Mặc dù một số doanh nghiệp vẫn chưa thể đạt được kết quả kinh doanh như thời kỳ hoàng kim trong quá khứ nhưng sự khởi sắc trong nửa đầu năm nay cũng đem đến những tín hiệu lạc quan cho cổ đông...
VDSC nói gì về hai "ông lớn" hàng tiêu dùng thiết yếu Vinamilk và Masan? Về triển vọng trong nửa cuối năm, VDSC nhận định các ông lớn ngành hàng thiết yếu như Vinamilk hay Masan đang ở một vị ... |
Apple ra quyết định mới, cổ phiếu MWG đứng trước cơ hội lớn Theo SSI, mảng ICT của MWG dự kiến sẽ hưởng lợi trực tiếp từ việc Apple yêu cầu các nhà bán lẻ ủy quyền tại ... |
Những "siêu cổ phiếu" dưới góc nhìn của Chứng khoán Mirae Asset Mirae Asset khuyến nghị 28 cổ phiếu thuộc nhóm super gồm nhiều cái tên hot như MWG, HAG, HPG, HSG, CTD... |
Nguyên Nam