Cụ thể, năm 2021 đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam cả về chất và lượng. Số lượng tài khoản mở mới trong 11 tháng đầu năm lên tới 1,3 triệu tài khoản - nhiều hơn con số của cả 4 năm liền trước cộng lại. Nhờ đó, thanh khoản trung bình của VN-Indexcũng đã vượt mốc 1 tỷ USD/ phiên trong quý 4 này.
Thị trường chứng khoán đã trở nên gần gũi hơn với các nhà đầu tư, mang đến nhiều cơ hội đa dạng hóa danh mục tài sản và sinh lời bền vững.
Thực tế đã chứng minh thị trường chứng khoán luôn có mức sinh lời vượt trội so với các kênh đầu tư khác và cao hơn đáng kể con số tăng trưởng GDP trung bình hàng năm. Mặc dù Covid-19 đã làm môi trường kinh doanh toàn cầu thay đổi, nhưng trong điều kiện đó, những doanh nghiệp xây dựng và duy trì được lợi thế cạnh tranh và am hiểu nhu cầu khách hàng tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán chính là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp như vậy với mức sinh lời đạt hơn 15%/năm - vượt xa lãi suất huy động của ngân hàng.
Sang năm 2022, IPAAM đánh giá động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đến từ kế hoạch giải ngân đầu tư công và gói kích thích tăng trưởng kinh tế Chính phủ vừa trình Quốc hội trong quý IV/2021 vừa qua. GDP của Việt Nam dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm 2022, tỷ giá hối đoái USD/VND dự báo ổn định trên nền tảng dự trữ ngoại hối vượt 100 tỷ USD.
Bên cạnh các con số tăng trưởng tích cực nêu trên, yếu tố lãi suất FED (Hoa Kỳ) có thể ảnh hưởng đến dòng vốn luân chuyển giữa các kênh đầu tư toàn cầu.
Trong kịch bản cơ bản, IPAAM dự báo FED có thể tăng lãi suất trong năm 2022 lên mức 0,75%. Quỹ đánh giá mức tăng nhẹ này của lãi suất điều hành sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đà tăng trưởng của thị trường chứng khoán toàn cầu cũng như của VN-Index, nhờ vào các gói kích thích tài khóa sẽ được giải ngân trong năm sau.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 được dự báo tiếp tục tăng trưởng ở mức 23% - tương đương với việc kỳ vọng thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này sẽ tăng trưởng ở mức hai con số.
Kết hợp với mặt bằng định giá hợp lý hiện tại, IPAAM cho rằng, mức 1.700 điểm của VN-Index là mốc có thể đạt được trong năm 2022. Định giá của VN-Index có thể ổn định ở mức P/E từ 15 đến 18 lần, cao hơn con số P/E trung bình 14,8 lần trong quá khứ. Cơ hội sẽ tập trung ở các nhóm ngành bất động sản, điện, ngân hàng, bán lẻ và công nghệ.
Phiên cuối tuần qua, thị trường hồi phục và lấy lại gần như toàn bộ số điểm đã mất trong phiên trước đó. Đáng chú ý là sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechips (những cổ phiếu nhận được sự chú ý đặc biệt của mọi nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán và mang tính dẫn dắt thị trường); trong đó, nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Theo CTCP khoán Sài Gòn (SHS), thanh khoản trong tuần qua gia tăng so với tuần trước đó và tiếp tục cao hơn mức trung bình 20 tuần cho thấy, bên mua và bên bán vẫn đang có sự giằng co quyết liệt tại vùng giá hiện tại.
Trên góc nhìn kỹ thuật, VN-Index đã kiểm tra thành công hai ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn và trung hạn lần lượt quanh 1.470 điểm và 1.450 điểm trong tuần qua để có phiên cuối tuần hồi phục khá tốt.
Theo đó SHS đánh giá, xu hướng tăng của thị trường vẫn chưa thay đổi và khả năng để VN-Index hướng đến ngưỡng 1.500 điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2021 là vẫn có thể xảy ra.
SHS thống kê, trong giai đoạn 2011 - 2020, chỉ có 2 lần vào 2012 và 2018 chỉ số VN-Index giảm điểm trong tuần giao dịch cuối cùng của năm.
Bảo Bảo
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam