Chuyện không mới: Gỗ Trường Thành lại thoát lỗ nhờ mảng kinh doanh phụ

06/05/2025 - 12:33
(Bankviet.com) Doanh nghiệp sản xuất gỗ gần 30 năm tuổi thoát lỗ hai quý liên tiếp nhờ khoản lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh chính, trong bối cảnh doanh thu lao dốc.
Cáo bạch tài chính

Chuyện không mới: Gỗ Trường Thành lại thoát lỗ nhờ mảng kinh doanh phụ

Thu Hà 05/05/2025 16:47

Doanh nghiệp sản xuất gỗ gần 30 năm tuổi thoát lỗ hai quý liên tiếp nhờ khoản lợi nhuận ngoài hoạt động kinh doanh chính, trong bối cảnh doanh thu lao dốc.

Thoát lỗ ngoạn mục

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 179 tỷ đồng, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2024. Diễn biến này cho thấy sự suy giảm rõ rệt trong hoạt động kinh doanh cốt lõi, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước vẫn trầm lắng sau Tết Nguyên Đán, còn thị trường xuất khẩu chưa hồi phục do ảnh hưởng từ các chính sách thuế quan chưa rõ ràng tại Mỹ.

Trường Thành
Thay vì cải thiện từ hoạt động sản xuất – kinh doanh chính, kết quả dương trong hai quý gần đây của Gỗ Trường Thành lại đến từ các khoản bất thường

Doanh thu sụt giảm kéo theo lợi nhuận gộp giảm mạnh 68%, chỉ còn hơn 13 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp mỏng đi đáng kể, phản ánh chi phí đầu vào đang gây sức ép lên hiệu quả sản xuất. Dù chi phí tài chính và chi phí bán hàng có giảm lần lượt 27% và 30%, TTF vẫn lỗ thuần hơn 52 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.

Trong bối cảnh hoạt động cốt lõi thua lỗ, một điểm sáng hiếm hoi là khoản lợi nhuận khác gần 54 tỷ đồng – gấp hơn 600 lần so với cùng kỳ – giúp công ty xoay chuyển kết quả kinh doanh, ghi nhận lợi nhuận ròng gần 4 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 8% so với quý I/2024. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn đang lỗ lũy kế gần 3.242 tỷ đồng.

TTF không thuyết minh chi tiết về khoản lợi nhuận khác gần 54 tỷ đồng trong báo cáo quý, nhưng nhiều khả năng đến từ các quyết định cơ cấu lại bộ máy và danh mục đầu tư trong quý vừa qua. Hồi tháng 3/2025, doanh nghiệp đã công bố việc chấm dứt hoạt động chi nhánh tại Bàu Bàng (Bình Dương) và giải thể công ty con tại Bình Định – Công ty CP Central Wood.

Chi nhánh tại Bàu Bàng nằm trên thửa đất số 204, tờ bản đồ số 37, thuộc thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Việc đóng cửa được lý giải nhằm dồn lực cho sản xuất sản phẩm gỗ chống cháy tại nhà máy TTF Bình Dương – một phân khúc được đánh giá có giá trị gia tăng cao và phù hợp với xu thế tiêu dùng mới.

Đồng thời, việc dừng dự án nhà máy sản xuất ván và đồ gỗ tại Bình Định, cùng quyết định thoái toàn bộ vốn khỏi Central Wood – công ty con mà TTF sở hữu 51% vốn – cũng là một phần của chiến lược tái cơ cấu tổng thể nhằm cắt giảm các khoản đầu tư kém hiệu quả và tập trung nguồn lực.

Đáng chú ý, tình trạng thoát lỗ nhờ các khoản thu nhập không đến từ hoạt động cốt lõi đã không còn xa lạ với TTF. Trước đó, trong quý IV/2024, Gỗ Trường Thành cũng báo lãi tới 39 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu thuần giảm gần 37% và lợi nhuận gộp chỉ còn hơn 6 tỷ đồng, giảm tới 93% so với cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp rơi xuống mức cực thấp 2,2%.

Thay vì cải thiện từ hoạt động sản xuất – kinh doanh chính, kết quả dương trong quý cuối năm 2024 của TTF đến từ khoản doanh thu tài chính tăng vọt gần 18 lần, lên 81 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi từ chứng khoán và thanh lý đầu tư. Cùng với đó là khoản lợi nhuận khác 6,6 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lỗ gần 78 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Việc hai quý liên tiếp phải dựa vào nguồn thu nhập không ổn định để thoát lỗ cho thấy mô hình kinh doanh của TTF hiện vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi các yếu tố như đầu tư tài chính, thanh lý tài sản hoặc giải thể doanh nghiệp con sẽ không thể nào mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Bức tranh tài chính: Dòng tiền cải thiện, nợ vay tăng nhẹ

Tính đến ngày 31/03/2025, tổng tài sản của Gỗ Trường Thành đạt gần 2.800 tỷ đồng, gần như đi ngang so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền ngắn hạn tăng mạnh 84%, lên gần 223 tỷ đồng – tín hiệu cho thấy dòng tiền đang được cải thiện sau giai đoạn thiếu hụt thanh khoản.

Tuy nhiên, các khoản phải thu ngắn hạn lại giảm 14% xuống gần 745 tỷ đồng, trong khi hàng tồn kho tăng nhẹ 4%, đạt hơn 352 tỷ đồng. Điều này có thể phản ánh sức tiêu thụ chậm, đồng thời cho thấy doanh nghiệp đang chủ động kiểm soát hàng tồn nhằm tránh rủi ro tài chính trong giai đoạn thị trường chưa ổn định.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả dao động nhẹ quanh mức gần 2.400 tỷ đồng, trong đó nợ vay tài chính tăng 6% lên hơn 521 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản người mua trả trước ngắn hạn giảm mạnh 19% xuống còn 173 tỷ đồng, thể hiện áp lực dòng tiền tạm thời từ phía khách hàng.

Trước tình hình kinh doanh thụt lùi trong quý đầu năm 2025, TTF đã có những định hướng cụ thể cho phần còn lại của năm 2025. Doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Đông và châu Úc, đồng thời tăng cường đầu tư vào thiết kế sản phẩm độc quyền và nghiên cứu phát triển để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Bên cạnh đó, việc chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định và điều chỉnh kế hoạch sản xuất được xem là các bước đi thiết thực nhằm ứng phó với biến động kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, nếu không cải thiện được hiệu quả hoạt động cốt lõi, đặc biệt là doanh thu từ thị trường nội địa và xuất khẩu, Gỗ Trường Thành có thể tiếp tục phải phụ thuộc vào các khoản thu nhập ngoài hoạt động kinh doanh chính – điều vốn không bền vững trong dài hạn.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán