Bức tranh tài chính ảm đạm của KIDO sau thương vụ "bán xác không bán hồn"

06/05/2025 - 12:33
(Bankviet.com) Chủ tịch KIDO cho rằng việc bán nhà máy không đồng nghĩa bán thương hiệu, nhấn mạnh hợp đồng có và không có thương hiệu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
Cáo bạch tài chính

Bức tranh tài chính ảm đạm của KIDO sau thương vụ "bán xác không bán hồn"

Thu Hà 06/05/2025 11:26

Chủ tịch KIDO cho rằng việc bán nhà máy không đồng nghĩa bán thương hiệu, nhấn mạnh hợp đồng có và không có thương hiệu là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

Công ty CP Tập đoàn KIDO (HOSE: KDC) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 2.329 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng này lại là một bức tranh lợi nhuận ảm đạm: lỗ sau thuế gần 87 tỷ đồng – gấp gần 10 lần mức lỗ cùng kỳ năm 2024.

kiddo.jpg
Mâu thuẫn đã nổ ra khi Nutifood xác lập vị thế công ty mẹ tại KIDO Foods

Sự trái ngược này bắt nguồn từ việc giá vốn hàng bán tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của KIDO sụt giảm mạnh 27% so với cùng kỳ, chỉ còn gần 155 tỷ đồng. Trong khi đó, các loại chi phí vẫn neo ở mức cao, đáng chú ý là chi phí tài chính tăng vọt 76% lên gần 47 tỷ đồng – một con số đáng lo ngại nếu xét trong bối cảnh thị trường lãi suất còn nhiều biến động.

1.png
Nguồn: BCTC KIDO

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của KIDO đạt 11.409 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền gửi ngân hàng lên đến gần 1.285 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu năm – cho thấy công ty vẫn giữ được một phần dư địa tài chính nhất định. Tuy nhiên, hàng tồn kho lại tăng mạnh 22%, lên gần 358 tỷ đồng, đặt ra lo ngại về tốc độ tiêu thụ sản phẩm hoặc sự điều chỉnh chiến lược sản xuất chưa kịp thích ứng với thay đổi thị trường.

Ở phía nợ phải trả, con số tăng thêm 338 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 5.021 tỷ đồng, trong đó nợ vay chiếm tới 3.393 tỷ đồng. Đây là yếu tố gây áp lực lên chi phí tài chính và cũng là một phần lý do khiến lợi nhuận ròng bị kéo xuống mức âm sâu trong quý này.

Vết gợn thương hiệu sau thương vụ chuyển nhượng

Một trong những điểm nóng lớn nhất của KIDO trong thời gian vừa qua nằm ở thương vụ chuyển nhượng 24% vốn tại Công ty Thực phẩm Đông lạnh KIDO (KIDO Foods) vào năm 2023, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống 49% và không còn quyền kiểm soát doanh nghiệp này. Giá trị chuyển nhượng đạt 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá KIDO Foods ở mức khoảng 200 triệu USD. Đến tháng 9/2024, Nutifood hoàn tất thương vụ mua lại 51% cổ phần, chính thức trở thành công ty mẹ của KIDO Foods.

Điều đáng chú ý là dù không còn quyền kiểm soát, KIDO vẫn tuyên bố sở hữu các thương hiệu Celano và Merino – hai thương hiệu kem lớn nhất Việt Nam do KIDO Foods đang sản xuất và phân phối. Thực tế, vào tháng 12/2023, KIDO đã nhận lại quyền sở hữu thương hiệu Celano từ công ty liên doanh này, củng cố lập luận “bán xác nhưng không bán hồn” – tức bán nhà máy, nhưng vẫn giữ thương hiệu.

Tuy nhiên, mâu thuẫn đã nổ ra khi Nutifood xác lập vị thế công ty mẹ tại KIDO Foods, trong khi các thương hiệu gắn với doanh nghiệp này lại được cho là vẫn thuộc về KIDO. Tranh chấp này không chỉ gây xáo trộn về mặt pháp lý mà còn làm nảy sinh những nghi vấn từ phía cổ đông về cách điều hành chiến lược thương hiệu của ban lãnh đạo.

Ngày 24/1/2025, KIDO tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để lấy ý kiến về việc bán 24% vốn tại KIDO Foods. Kết quả: 91,3% cổ đông tham dự không thông qua giao dịch này – dù thực tế đây là quyết định thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị và thương vụ đã hoàn tất trước đó.

Đáng chú ý, ba nội dung khác được đem ra biểu quyết – gồm “Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Celano”, “Không đồng ý chuyển nhượng nhãn hiệu Merino” và “Không đồng ý việc chuyển nhượng thương hiệu KIDO” – đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ hơn 99,1%. Điều này cho thấy tâm lý chung của nhà đầu tư là không muốn đánh mất các tài sản vô hình quan trọng nhất gắn với thương hiệu lâu đời của tập đoàn.

Trả lời trước cổ đông, ông Trần Kim Thành – Chủ tịch HĐQT KIDO – khẳng định rõ ràng rằng “mua nhà máy và mua thương hiệu là hai việc khác nhau”.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng thương vụ này đã gây ra hệ lụy kép: vừa ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, vừa khiến thị trường và nhà đầu tư bất an về định hướng lâu dài.

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán