Đòn bẩy tài chính leo thang
Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025, theo đó tổng tài sản của doanh nghiệp đạt hơn 54.203 tỷ đồng tính đến cuối tháng 3, tăng 21% so với đầu năm, chủ yếu do hàng tồn kho và các dự án bất động sản dở dang tăng mạnh.

Cụ thể, hàng tồn kho quý này chạm mốc hơn 20.277 tỷ đồng – mức cao nhất trong lịch sử hoạt động của KBC, tăng tới 46% so với đầu năm. Trong đó, dự án khu đô thị và dịch vụ Tràng Cát là nguyên nhân chính thúc đẩy sự gia tăng, khi tăng đến 83% lên hơn 15.463 tỷ đồng. Các dự án khác cũng ghi nhận quy mô lớn như khu đô thị Phúc Ninh (1.119 tỷ đồng), khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung (gần 989 tỷ đồng), và nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (gần 569 tỷ đồng). Những con số này phản ánh chiến lược mở rộng mạnh mẽ danh mục phát triển đô thị và khu công nghiệp của Kinh Bắc.
Tuy nhiên, đi kèm với sự gia tăng tài sản là mức nợ vay tài chính tăng đột biến. Tính đến cuối quý I/2025, nợ phải trả của KBC là hơn 32.709 tỷ đồng, tăng 36% so với đầu năm. Riêng nợ vay tài chính chiếm gần 17.589 tỷ đồng, tăng đến 74% và hiện chiếm hơn một nửa tổng nợ.
Trong đó, vay ngắn hạn từ ngân hàng là hơn 343,9 tỷ đồng và vay dài hạn lên tới hơn 16.143 tỷ đồng, chưa kể 1.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2023 còn đang lưu hành với lãi suất 10,5%/năm.

Các khoản vay trải rộng ở hơn 15 ngân hàng thương mại, điển hình như Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (VIB), TPBank, BIDV, MB và VietinBank, với lãi suất dao động từ 6,2% đến 11,35%/năm – mức phổ biến trong giai đoạn lãi suất cao.
Trong đó, nổi bật nhất là khoản vay tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với giá trị 12.366,79 tỷ đồng – chiếm tới 72% tổng dư nợ tài chính của doanh nghiệp. Đây không chỉ là khoản vay lớn nhất, mà còn có kỳ hạn dài nhất (tới năm 2033), với lãi suất cao 10,8%/năm.
Khoản vay này được bảo đảm bằng quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu đô thị và Dịch vụ Tràng Cát, phần vốn góp của KBC tại dự án.
Ngoài VPBank, KBC còn vay hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, TPBank, VIB… với tài sản bảo đảm đa dạng từ đất đai, nhà xưởng, máy móc, cổ phiếu của công ty con cho đến cả xe Lexus LX600.
KBC hiện còn lưu hành một lô trái phiếu doanh nghiệp trị giá 1.000 tỷ đồng, phát hành từ tháng 8/2023 với kỳ hạn 28 tháng, đáo hạn tháng 12/2025. Trái phiếu có lãi suất cố định 10,5%/năm và được đảm bảo bằng cổ phiếu công ty con. Đòn bẩy tài chính ngày càng lớn cho thấy áp lực trả nợ sẽ là yếu tố then chốt cần được theo dõi chặt chẽ trong các kỳ kế toán tiếp theo.
Doanh thu bùng nổ
Mặc dù gánh nặng nợ vay tăng cao, KBC vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh quý I/2025 tăng trưởng đột biến. Doanh thu thuần hợp nhất đạt gần 3.117 tỷ đồng, gấp hơn 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khoản thu từ cho thuê đất khu công nghiệp chiếm gần 2.484 tỷ đồng – một mức tăng trưởng ấn tượng khi cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận doanh thu từ mảng này. Doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản cũng tăng gấp 28 lần, đạt gần 412 tỷ đồng.
Lãi gộp tương ứng đạt gần 1.209 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức nền thấp năm trước, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp lại sụt giảm từ 49% về gần 39%. Tổng chi phí trong kỳ tăng 71% lên 289 tỷ đồng, nhưng không làm lu mờ kết quả chung. KBC báo lãi ròng gần 783 tỷ đồng – cao nhất kể từ quý II/2023, trái ngược hoàn toàn với khoản lỗ gần 86 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái.
Không dừng lại ở các dự án hiện hữu, KBC tiếp tục tăng tốc mở rộng đầu tư. Ngày 25/4 vừa qua, Hội đồng Quản trị công ty đã thông qua việc tham gia đề xuất chủ trương đầu tư và chấp thuận vai trò nhà đầu tư cho dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái Khoái Châu với quy mô vốn góp gần 6.000 tỷ đồng. Trước đó hai ngày, công ty cũng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Bình tại tỉnh Thái Nguyên, có diện tích lên tới 675 ha.
Tại ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2025, KBC đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng, lần lượt gấp 3 và 7 lần so với kết quả năm 2024. Sau quý đầu tiên, doanh nghiệp đã hoàn thành 31% chỉ tiêu doanh thu và 27% lợi nhuận kế hoạch. Riêng mảng cho thuê đất khu công nghiệp – mũi nhọn trong cơ cấu kinh doanh – KBC đã ký được 68 ha, tương đương 30% kế hoạch cả năm.
Dù có sự bứt phá trong kết quả kinh doanh, KBC cũng không giấu lo ngại trước khả năng Mỹ áp dụng thuế đối ứng với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Trong văn bản công bố ngày 17/4, công ty cho biết đã tổ chức nhiều cuộc họp với đối tác để xây dựng các phương án ứng phó linh hoạt. Một số nhà đầu tư đã tạm dừng kế hoạch triển khai, nhưng đa số vẫn duy trì quỹ đất và tiếp tục phát triển khi điều kiện thuận lợi hơn.
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ: “Các nhà đầu tư hiện không chỉ nhìn vào mức thuế, mà còn so sánh với các quốc gia trong khu vực để đánh giá lợi thế cạnh tranh dài hạn”.
Với tốc độ mở rộng tài sản và đầu tư không ngừng, đi cùng là áp lực nợ vay ngày càng lớn, KBC bước vào năm 2025 với cả cơ hội lẫn thách thức. Hiệu quả triển khai dự án, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và diễn biến chính sách thuế quốc tế sẽ là những yếu tố quyết định sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong thời gian tới.