Cổ phiếu VHM thành trụ đỡ chính giúp VN-Index giữ đà tăng tuần qua

26/03/2023 - 17:22
(Bankviet.com) Thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm 4 phiên cuối tuần sau phiên đầu tuần giảm mạnh, qua đó giúp chỉ số VN-Index chốt tuần trong sắc xanh nhạt. Góp phần lớn vào đà hồi phục của VN-Index trong tuần qua chính là VHM.

Sau một tuần giảm điểm, hai chỉ số thị trường trong tuần 20-24/03/2023 đã ghi nhận kết quả tăng điểm trở lại. VN-Index tăng nhẹ 0,16% so với cuối tuần trước, lên mức 1.046,79 điểm. Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,61%, kết thúc tuần với 205,72 điểm.

Dù cùng tăng về mặt điểm số nhưng thanh khoản trên 2 sàn lại đồng loạt giảm mạnh. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE giảm gần 18,23%, còn hơn 423 triệu cp/phiên. Còn tại sàn HNX, thanh khoản bình quân chỉ đạt hơn 49 triệu cp/phiên, giảm 16,84%.

Cổ phiếu VHM thành trụ đỡ chính giúp VN-Index giữ đà tăng tuần qua
Nếu xét về số lượng cổ phiếu thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có ảnh hưởng nhiều nhất đến đà tăng của VN-Index trong tuần qua

Cổ phiếu nâng đỡ VN-Index nhiều nhất trong tuần qua chính là VHM khi thị giá cổ phiếu này tăng hơn 13% trong 1 tuần với 4 phiên tăng liên tiếp, qua đó giúp chỉ số tăng hơn 6,4 điểm, bỏ xa VPB xếp sau với gần 2,5 điểm (gấp 2,6 lần).

Đà tăng của cổ phiếu VHM diễn ra trong bối cảnh Công ty này vừa đăng ký làm dự án Khu Đô thị mới tại khu vực quận Dương Kinh và huyện Kiến Thụy (TP Hải Phòng), với tổng chi phí thực hiện hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Nếu xét về số lượng cổ phiếu thì nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn là nhóm có ảnh hưởng nhiều nhất đến đà tăng của VN-Index trong tuần qua khi có đến 5 cổ phiếu nằm trong top 10 ảnh hưởng tích cực nhất, gồm VPB, MBB, LPB, VCBSHB. Tổng cộng, 5 cổ phiếu này đã giúp chỉ số tăng hơn 3,5 điểm.

Một trong những sự kiện đáng chú ý với ngành ngân hàng trong tuần qua là vào ngày 23/03, Fed quyết định nâng lãi suất 25 điểm cơ bản, đồng thời thể hiện lo ngại về cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây. Đáng chú ý nhất, họ báo hiệu chu kỳ nâng lãi suất đã gần kết thúc.

Chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng là nhóm có nhiều mã “ghì chân” chỉ số khi có đến 4 cổ phiếu góp mặt trong top 10 ảnh hưởng tiêu cực nhất, cụ thể là BID, CTG, TPBSSB. Tổng cộng, 4 cổ phiếu này đã làm mất của chỉ số hơn 2 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu tiêu cực nhất sàn là MSN khi kéo giảm chỉ số hơn 1,9 điểm.

Về diễn biến của rổ VN30 tương tự so với tuần trước khi nhóm kéo giảm tiếp tục có 16 cổ phiếu góp mặt trong nhóm, còn lại 14 cổ phiếu vẫn ở nhóm kéo tăng. Dẫn đầu nhóm kéo giảm là MSN với hơn 3,6 điểm, hướng ngược lại, VPB và VHM là hai cổ phiếu “gánh” chỉ số mạnh nhất tuần qua, lần lượt gần 7,3 điểm và hơn 6,7 điểm, tạo cách biệt lớn so với 12 mã kéo tăng còn lại.

Đối với HNX-Index, nhân tố chính giúp chỉ số hồi phục trong tuần qua đến từ KSF với gần 0,4 điểm. Trong khi đó, đối trọng ở bên phía kéo giảm là CDN chỉ làm mất của chỉ số vỏn vẹn gần 0,1 điểm.

Về giao dịch khối ngoại, sau tuần cơ cấu ETFs, lực mua của khối ngoại sụt giảm đáng kể, thậm chí họ quay đầu bán ròng mạnh trong phiên đầu tuần. Theo thống kê, khối ngoại chỉ mua ròng 399 tỷ đồng sau 5 phiên giao dịch, giảm rõ rệt so với giá trị hơn 2.300 tỷ tuần trước. Trong đó, khối ngoại mua ròng 340 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh và mua ròng thêm 60 tỷ đồng thoả thuận.

Xét riêng theo từng mã cổ phiếu, dòng tiền ngoại tuần nào ghi nhận giá trị giao dịch mua ròng mạnh nhất tại cổ phiếu bất động sản VHM với giá trị gần 280 tỷ đồng. Ngoài ra, nhà đầu tư ngoại tuần này gom ròng cổ phiếu HPG, VCI, DCM, POW,... với vài chục tỷ đồng tại mỗi mã.

Ngược lại, cổ phiếu bán lẻ MSN bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất trong tuần này với giá trị gần 120 tỷ đồng, tập trung toàn bộ trên kênh khớp lệnh. Bên cạnh đó, các mã khác như PLX, CTG... cũng bị bán ròng trong tuần qua, giá trị đều khoảng 70-100 tỷ đồng tại mỗi mã. Những chứng chỉ quỹ FUEVFVND, FUESSVFL cũng bị bán ròng trong tuần qua.

Dòng tiền cá nhân cũng quay lại mua ròng các đại diện thuộc nhóm xây dựng & vật liệu (241 tỷ đồng), bán lẻ (179 tỷ đồng), thực phẩm & đồ uống (162 tỷ đồng), dầu khí (105 tỷ đồng), …

Chiếm ưu thế hơn về số lượng, song giao dịch bên bán không có nhiều điểm nhấn khi không có ngành nào bị rút ròng trên 100 tỷ đồng. Trong đó, dòng hóa chất bị rút ròng mạnh nhất gần 61 tỷ đồng.

Áp lực bán đến từ nhà đầu tư cá nhân cũng duy trì tại các nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, dịch vụ tài chính, bất động sản, … với giá trị thấp hơn.

Thị trường đang đi vào trạng thái sideway

Chứng khoán SHS đánh giá tuần này thị trường tăng điểm rất nhẹ và gần như đi ngang, với trạng thái hiện tại thị trường đang có xu hướng tích lũy và chưa thể trở lại kênh tăng ngắn hạn trong bối cảnh thanh khoản toàn thị trường tiếp tục cạn kiệt dần.

Với góc nhìn trung - dài hạn, nhóm phân tích này cho rằng xu hướng tích lũy cạn kiệt là xu hướng hợp lý trong giai đoạn hiện tại bởi sau thời gian downtrend mạnh thị trường đã trải qua một giai đoạn hồi phục kỹ thuật từ đầu năm đến nay và đang hướng tới khu vực cân bằng để tích lũy, sự vận động như vậy là hợp với quy luật thông thường.

"Trong 6 tuần vừa qua VN-Index gần như biến động rất ít, khối lượng giao dịch cũng đang giảm dần là những tín hiệu đặc trưng của quá trình tích lũy. Giai đoạn vận động trong biên độ hẹp với khối lượng thấp như hiện tại vẫn còn có thể tiếp tục kéo dài cho đến khi thị trường hình thành xu hướng uptrend mới", SHS nhận định.

Theo SHS, trong ngắn hạn không có nhiều cơ hội giải ngân khi thị trường đang đi vào trạng thái sideway (Sideway là trạng thái xảy ra khi giá chứng khoán đi ngang trong một biên độ ổn định, không hình thành xu hướng cụ thể) với thanh khoản thấp, mặc dù rủi ro do biến động không cao nhưng cơ hội tăng giá ngắn hạn không có nhiều. Tuy nhiên, thị trường tích lũy lại là cơ hội tốt cho nhà đầu tư trung, dài hạn khi các cổ phiếu tốt đã được chiết khấu về mức giá hấp dẫn sau giai đoạn downtrend vừa qua.

Nhóm phân tích này khuyến nghị nhà đầu tư trung, dài hạn có thể tiếp tục giải ngân dần tăng tỷ trọng nắm giữ để đón đầu giai đoạn tăng giá mới sau kỳ tích lũy này, nên lựa chọn các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản tốt, các cố phiếu có tiềm năng tăng trưởng ổn định đang vận động trong trạng thái tích lũy hiện nay.

Kế toán trưởng VPBank đã bán khớp lệnh 10.000 cổ phiếu VPB

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HOSE), bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Việt Nam ...

Nhận định chứng khoán ngày 27/3/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 27/3/2023. Tạp ...

Phiên giao dịch ngày 27/3/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao ...

Nhật Hải

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán