Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng nóng ngay đầu năm 2025

19/02/2025 - 16:30
(Bankviet.com) Tại talkshow "Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô", chuyên gia Trần Ngọc Báu nhận định biến động tỷ giá USD/VND thời gian qua là hệ quả tất yếu của cung - cầu thị trường...

Tỷ giá USD/VND tăng mạnh, áp lực thanh khoản ngân hàng gia tăng

Tỷ giá USD/VND ghi nhận diễn biến sôi động ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025, đặc biệt trên thị trường ngân hàng. Trong phiên 18/2, giá bán USD tại các ngân hàng có thời điểm vượt 25.750 đồng/USD, trong khi giá mua vào đạt 25.350 đồng/USD. So với thời điểm trước kỳ nghỉ Tết, tỷ giá đã tăng 400 đồng ở chiều bán và 600 đồng ở chiều mua, tương đương mức tăng 1,6 - 2,4% chỉ trong vòng nửa tháng.

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng nóng ngay đầu năm 2025
Ảnh minh hoạ

Trên thị trường tự do, USD tăng chậm hơn so với hệ thống ngân hàng. Hiện tại, tỷ giá giao dịch phổ biến ở mức 25.620 - 25.720 VND/USD, tăng khoảng 170 đồng so với trước Tết Nguyên đán.

Việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh trong hệ thống ngân hàng xuất phát từ động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Ngay sau kỳ nghỉ Tết, NHNN liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, khiến trần tỷ giá nới rộng. Tổng cộng, từ sau Tết đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng 277 đồng, tương đương gần 1,2%, mức tăng rất mạnh nếu so với mức điều chỉnh 469 đồng trong cả năm 2024.

Ngoài ra, kể từ 11/2/2025, NHNN đã điều chỉnh giá bán USD lên 25.698 đồng/USD, chấm dứt khoảng thời gian dài giữ giá ở mức 25.450 đồng/USD. Sau đó, NHNN liên tục thả nổi giá bán USD theo tỷ giá trung tâm, duy trì ở mức thấp hơn 50 đồng so với tỷ giá trần mà ngân hàng thương mại được phép giao dịch.

Chuyên gia lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng mạnh

Tại talkshow "Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô", chuyên gia Trần Ngọc Báu nhận định biến động tỷ giá USD/VND thời gian qua là hệ quả tất yếu của cung - cầu thị trường. Trong kỳ nghỉ Tết, USD tăng mạnh trên thị trường quốc tế, tạo áp lực lên tỷ giá trong nước. Khi NHNN nới rộng không gian tỷ giá, lập tức các ngân hàng thương mại tăng mạnh giá bán USD, trong khi tỷ giá trên thị trường tự do lại ít biến động hơn.

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng nóng ngay đầu năm 2025
Ông Trần Ngọc Báu – Nhà sáng lập & Tổng Giám đốc WiGroup

Ông Báu cho rằng NHNN đã kìm tỷ giá trong thời gian dài bằng cách duy trì mức trần và không nâng tỷ giá trung tâm. Do đó, khi NHNN điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, ngân hàng thương mại ngay lập tức đẩy giá bán USD lên cao hơn, phản ánh đúng cung cầu thực tế. Ông nhấn mạnh đây là quy luật bình thường của thị trường, không phải dấu hiệu bất thường hay đáng lo ngại.

Nếu NHNN tiếp tục giữ chặt tỷ giá, cơ quan này sẽ phải bán dự trữ ngoại hối, đồng thời hút VNĐ về, gây áp lực lên thanh khoản ngân hàng. Điều này có thể tạo ra tình trạng căng thẳng trong hệ thống tài chính, do đó, việc điều chỉnh tỷ giá linh hoạt là phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Theo ông Báu, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã bắt đầu chịu áp lực lớn. Trong vòng 6 tháng gần đây, lãi suất liên ngân hàng, lợi suất trái phiếu và lãi suất trên thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư) đều tăng trở lại.

Đặc biệt, trong kỳ nghỉ Tết vừa qua, NHNN đã phải bơm ra khoảng 170.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng, dù tỷ giá vẫn ở mức cao. Điều này cho thấy các ngân hàng đang gặp áp lực lớn trong việc cân đối nguồn vốn.

Tình trạng này xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng vượt xa tăng trưởng huy động trong năm 2024. Chênh lệch này khiến các ngân hàng phải huy động thêm vốn từ nhiều nguồn khác để đáp ứng nhu cầu cho vay. "Khi tốc độ tăng trưởng tín dụng nhanh hơn tốc độ huy động, áp lực về nguồn vốn là điều không thể tránh khỏi", ông Báu nhấn mạnh.

Chuyên gia phân tích rằng với nguồn vốn trong hệ thống ngân hàng không còn dồi dào, lãi suất huy động sẽ chịu áp lực tăng. Điều này không xuất phát từ chính sách tiền tệ thắt chặt hay nới lỏng của NHNN, mà chủ yếu do các ngân hàng cần tăng huy động để bù đắp cho tốc độ tăng trưởng tín dụng cao.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), cho rằng cung - cầu ngoại tệ năm 2025 đã ổn định hơn nhiều. Những biến động tỷ giá hiện tại chủ yếu mang tính ngắn hạn, phản ánh sự điều chỉnh của thị trường sau thời gian bị kiểm soát.

Ông Linh phân tích thêm, NHNN luôn ưu tiên duy trì thanh khoản ổn định cho hệ thống ngân hàng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Nếu bán dự trữ ngoại hối và rút VNĐ ra khỏi hệ thống, áp lực lên thanh khoản tiền đồng sẽ gia tăng đáng kể, điều mà NHNN hoàn toàn không mong muốn.

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 18/2/2025: Đồng Yên tăng phiên thứ ba liên tiếp

Trên thị trường quốc tế, USD/JPY giảm còn 151,43 sau khi GDP Nhật Bản quý IV tăng mạnh 0,7%, vượt xa dự báo. Kỳ vọng ...

Tỷ giá USD hôm nay 19/2/2025: DXY chạm mốc 107 điểm

Tỷ giá USD hôm nay 19/2 tiếp tục tăng, với tỷ giá trung tâm lên 24.602 đồng/USD, ghi nhận mức tăng 25 đồng so với ...

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 19/2/2025: Đồng Yên lại yếu đi do yếu tố này

Tỷ giá Yên Nhật hôm nay 19/2/2025 tiếp tục suy yếu, khi USD tăng mạnh nhờ triển vọng trì hoãn thuế quan của Mỹ và ...

Nguyên Nam

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán