Sáng ngày 20/1/2025, tại cuộc họp Hội đồng đánh giá tác động môi trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, ông Trần Văn Mi đã chủ trì buổi làm việc liên quan đến dự án thành phần 3 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước).
Hình minh họa |
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành đã được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 6/2024. Tuyến đường có tổng chiều dài 128,8 km, mức đầu tư sơ bộ lên đến 25.540 tỷ đồng.
Đây là dự án trọng điểm quốc gia, được thực hiện bởi liên danh Vin-Tech, gồm Tập đoàn Vingroup (HOSE: VIC) và Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank , HOSE: TCB). Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào tháng 9/2025, hoàn thành cơ bản trong năm 2026 và chính thức đưa vào khai thác từ năm 2027.
Tuyến cao tốc này được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó dự án thành phần 1 tập trung vào việc xây dựng đường cao tốc chính, thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), do UBND tỉnh Bình Phước làm cơ quan có thẩm quyền. Dự án thành phần 2 và 3 bao gồm việc xây dựng đường gom và các cầu vượt ngang, đảm bảo kết nối và an toàn giao thông trên đoạn qua 2 tỉnh Đắk Nông và Bình Phước. Các dự án này được thực hiện theo hình thức đầu tư công với UBND các tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư. Dự án thành phần 4 và 5 liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư trên địa bàn 2 tỉnh. Các hạng mục này cũng được thực hiện theo hình thức đầu tư công và do UBND tỉnh Đắk Nông và Bình Phước làm cơ quan chủ quản.
Theo đó, toàn tuyến cao tốc này dự kiến được triển khai từ năm 2024, cơ bản hoàn thành vào năm 2026 và đưa vào khai thác vào năm 2027. Riêng đối với dự án thành phần 3 sẽ tập trung vào việc xây dựng đường gom và cầu vượt ngang qua địa phận tỉnh Bình Phước. Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 211ha với quy mô bao gồm hơn 95,1km đường gom, 23 cầu vượt ngang, hệ thống thoát nước, an toàn giao thông và các công trình phụ trợ như lán trại, bãi tập kết vật liệu, nhà điều hành.
Các hạng mục thi công được nhận định sẽ có tác động trực tiếp đến môi trường. Vì vậy, Hội đồng đánh giá tác động môi trường yêu cầu khảo sát kỹ lưỡng toàn bộ tuyến đường, chú trọng đến các yếu tố như nguồn nước ngầm, lượng mưa theo mùa, hệ thống vệ sinh môi trường, và vị trí các công trình phụ trợ. Các số liệu chi tiết về đất đá san lấp cũng cần được tính toán chính xác để tránh lãng phí tài nguyên.
Sau khi nghe báo cáo và thảo luận, toàn bộ thành viên Hội đồng đã đồng thuận thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án. Tuy nhiên, Hội đồng nhấn mạnh rằng đơn vị tư vấn cần nhanh chóng chỉnh sửa và bổ sung các nội dung báo cáo dựa trên ý kiến đóng góp, nhằm đảm bảo tính toàn diện và khả thi của dự án.
Việc thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong triển khai dự án thành phần 3, góp phần đảm bảo tiến độ xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn qua Bình Phước.
Thu Hà