Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, cần phải có quy định về việc sử dụng đất của các doanh nghiệp cổ phần hóa theo hướng tách giá trị đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai như những doanh nghiệp khác, chỉ được sử dụng đất phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh theo các phương án sử dụng đất đã được duyệt. Nếu trong trường hợp chuyển đổi mục đích khác thì phải thu hồi đất, đấu thầu lại.
Đưa ra ý kiến khác, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nêu một số quan điểm góp ý về quy định liên quan sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua thỏa thuận quyền sử dụng đất.
Theo đó, ông ủng hộ phương án thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Điều 125 và Điều 126 dự thảo Luật quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Vì vậy, trong trường hợp này, Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện. Đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất ngoài việc tạo sự công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai, tạo ra nguồn thu lớn vào ngân sách Nhà nước, còn bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Doanh nghiệp cổ phần hóa chỉ được sử dụng đất đai theo phương án được phê duyệt. |
Trước đó, trong một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về việc quản lý và sử dụng đất trong và sau khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2017 tại 63 tỉnh, thành phố.
Kết quả kiểm toán cho thấy cơ bản các doanh nghiệp đã chấp hành phương án sử dụng đất sau khi cổ phần hóa; các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo phương án sử dụng đất được duyệt khi cổ phần hóa hoặc phù hợp với mục đích chuyển đổi ban đầu khi được phê duyệt.
"Tuy nhiên, trước khi cổ phần hóa, nhiều trường hợp không xây dựng phương án sử dụng đất; xây dựng, phê duyệt phương án không phù hợp với phương án sắp xếp xử lý nhà đất và quy hoạch sử dụng đất; chưa công khai minh bạch thông tin liên quan đến đất đai", báo cáo cho biết.
Sau cổ phần hóa, nhiều doanh nghiệp còn sử dụng đất không đúng mục đích; để hoang hóa, bị tranh chấp, lấn chiếm; chậm hoàn thiện thủ tục pháp lý; giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không qua đấu giá; chuyển đổi mục đích không phù hợp quy hoạch.
Thực tế, việc sắp xếp nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất đang là "nút thắt" trong cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tạo ra nhiều kẽ hở để các cá nhân trục lợi. Trong giai đoạn 2016-2020, dù Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong cả nước đã triển khai quyết liệt, song kết quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước không đạt được như kế hoạch đề ra.
Trong đó, nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do tình hình tài chính của các doanh nghiệp Nhà nước phức tạp, sở hữu nhiều đất đai trong khi một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, nhất là trong lĩnh vực đất đai khiến doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian.
Quang Đăng