Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá

06/07/2023 - 20:35
(Bankviet.com) "Thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng gây lũng đoạn giá cổ phiếu không còn xa lạ gì với giới đầu tư. Doanh nghiệp FDI ngại ngần là có lý do, một thị trường hoạt động thiếu ổn định sẽ gây ra rủi ro lớn về định giá doanh nghiệp của họ", TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định khi đề cập đến việc DN FDI hạn chế lên sàn.
Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá
TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH).

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Hơn 20 năm trước, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2003/NĐ-CP cho phép một số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đáp ứng đủ điều kiện có thể chuyển đổi hình thức hoạt động từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần, đồng thời được phép niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Theo đó, đã có khoảng 10 doanh nghiệp FDI trong giai đoạn 2003 – 2008 lên sàn. Tuy nhiên, làn sóng này sau đó lắng xuống và phải 10 năm sau, thị trường chứng khoán Việt Nam mới đón thêm một doanh nghiệp FDI mới lên sàn, đó là Siam Brothers Việt Nam (SBV).

Từ đó đến nay, hoạt động gia nhập thị trường chứng khoán của nhóm FDI quá yếu ớt, thậm chí không ít “ông chủ” nước ngoài đã thoái lui khỏi doanh nghiệp, nhượng lại cổ phần và quyền chi phối cho các “ông chủ” nội địa.

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2022, sàn chứng khoán chỉ còn khoảng 10 doanh nghiệp có nhà đầu tư ngoại sở hữu trên 50% vốn điều lệ. Quy mô vốn hóa của nhóm này cũng chỉ chiếm vỏn vẹn 2% giá trị vốn hóa toàn thị trường.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến doanh nghiệp FDI không mấy mặn mà với sàn chứng khoán Việt Nam, giải pháp thúc đẩy thế nào khi suốt 6 năm qua, thị trường không đón thêm “tân binh” vốn ngoại nào khác?

Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM (UEH).

- Ông bình luận thế nào về bức tranh niêm yết của doanh nghiệp FDI hiện nay?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Trước hết, thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay không chỉ khan hiếm “nguồn hàng” ở nhóm doanh nghiệp FDI mà thực tế tổng số lượng doanh nghiệp niêm yết (DNNY) của chúng ta đang khá thấp, chỉ chiếm 0,15% số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc mọi thành phần kinh tế.

Có nhiều nguyên nhân khiến doanh nghiệp chần chừ, lựa chọn không đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán tập trung.

Chẳng hạn, đa số doanh nghiệp Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khó đáp ứng quy định đại chúng hóa và niêm yết; trong khi với các doanh nghiệp lớn, nguyên nhân nằm ở yếu tố gia đình. Họ hoạt động chưa chuyên nghiệp và còn mang tính chất quản lý truyền thống “cha truyền con nối”.

Để có thể đạt được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của một DNNY buộc họ phải tái cấu trúc toàn diện, đi kèm với đó là những chi phí tốn kém, đắt đỏ. Đó là rào cản lớn đối với họ.

Mặt khác, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên việc bảo mật thông tin, bí quyết kinh doanh trước công chúng, đối tác và đối thủ. Việc cần đáp ứng nghĩa vụ công bố thông tin của DNNY ảnh hưởng đến chiến lược phát triển của họ.

Hay như việc tái cấu trúc, cổ phần hóa các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước của Việt Nam còn nhiều bất cập, dẫn đến lộ trình cổ phần hóa, hoạt động IPO và niêm yết chưa đạt được theo kế hoạch, thường xuyên lỡ hẹn.

Còn về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tôi cho rằng, cơ bản họ đều là những đơn vị sở hữu tiềm lực tài chính dồi dào từ nước của họ. Trong một số trường hợp, dòng vốn tại các quốc gia đó còn có chi phí rẻ hơn, dễ tiếp cận hơn chúng ta khá nhiều.

Cho nên, việc niêm yết ở Việt Nam, đối với các doanh nghiệp này chỉ mang tính chất tạo dựng hình ảnh, làm đẹp thương hiệu, và không có ý nghĩa trong hoạt động huy động vốn. Đó là nguyên nhân họ không mặn mà với việc niêm yết trên sàn chứng khoán của chúng ta.

Đó là chưa kể, bản thân thị trường chứng khoán Việt Nam sau bao nhiêu năm hoạt động vẫn tồn tại nhiều bất cập, thiếu sự minh bạch và hiện tượng gây lũng đoạn giá cổ phiếu không còn xa lạ gì với giới đầu tư, thậm chí là rất phổ biến. Doanh nghiệp FDI ngại ngần là có lý do, một thị trường hoạt động thiếu ổn định sẽ gây ra rủi ro lớn về định giá doanh nghiệp của họ.

Trong trường hợp thị giá cổ phiếu bị kéo xuống quá sâu, thấp hơn nhiều so với sức mạnh nội tại có thể làm nguy hại đến hoạt động của doanh nghiệp, làm xấu hình ảnh, uy tín và giá trị của họ. Từ đó, nếu phải đặt lên bàn cân về lợi ích mang lại và rủi ro tiềm ẩn khi niêm yết, đa số doanh nghiệp FDI sẽ lựa chọn phương án an toàn hơn, chính là phi niêm yết.

Doanh nghiệp FDI ngại lên sàn vì tiềm tàng rủi ro định giá
Quốc tế Hoàng Gia (RIC) là một trong số doanh nghiệp FDI hiếm hoi trên sàn chứng khoán.

- Còn nguyên nhân nào khác ngoài những bất cập của thị trường chứng khoán như ông vừa chỉ ra không, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Theo tôi là tính thời điểm. Thực tế thời điểm hiện nay không hoàn toàn thuận lợi cho các doanh nghiệp tiến hành niêm yết trên sàn, cả về doanh nghiệp nội địa lẫn FDI. Môi trường kinh doanh của Việt Nam hay của thế giới các năm trở lại đây biến động khá dữ dội, hết giai đoạn Covid 19 lại tới giai đoạn bất ổn địa chính trị.

Mà thị trường chứng khoán là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, phát triển dựa trên niềm tin của nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp IPO ở thời kỳ này sẽ khó để bán được cổ phần với giá tốt, bi quan hơn là có thể xảy ra nguy cơ phát hành bất thành do sức cầu yếu, dè chừng. Điều đó đã được lịch sử chứng minh qua nhiều giai đoạn kinh tế bất ổn.

Theo tôi, ở chiều ngược lại, hiện không ít doanh nghiệp dành sự quan tâm lớn đến việc đại chúng hóa, niêm yết trên sàn nhưng họ đang đứng đợi, quan sát một cách cẩn trọng và chờ đợi tín hiệu tích cực hơn từ nền kinh tế trong và ngoài nước, cũng như chờ thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại.

Với kinh nghiệm của một người thường xuyên theo dõi thị trường chứng khoán, tôi cho rằng sự cân nhắc từ doanh nghiệp chưa niêm yết là rất cần thiết. Trong thời gian này, doanh nghiệp cần tập trung xây dựng, thực hiện các chiến lược tái cấu trúc để tăng cường năng lực, nâng cao giá trị cốt lõi, giá trị nội tại của mình. Từ đó, tạo ra cơ sở vững chắc để sẵn sàng chờ đón “thời cơ chín muồi” để IPO, niêm yết.

“Thiên thời, địa lợi” có lẽ sẽ rơi vào giai đoạn 2024 – 2025, khi kinh tế thế giới và trong nước hồi phục mãnh mẽ, và thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn “thịnh vượng”.

- Theo ông, chúng ta cần có giải pháp nào để thu hút thêm doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán?

TS. Nguyễn Hữu Huân: Cá nhân tôi cho rằng, để thu hút thêm doanh nghiệp FDI lên sàn chứng khoán thì cần “gột rửa” thị trường chứng khoán để minh bạch hóa, hướng đến phát triển bền vững và toàn diện.

Chúng ta không cần chạy theo số lượng DNNY, đó không phải yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán, thay vào đó nên chú trọng hơn nữa vào chất lượng. Bằng chứng là từ năm 2006 đến nay, số DNNY của Việt Nam tăng gấp nhiều lần nhưng xét về giá trị thì gần như không biến động, VN-Index vẫn chỉ xoay quanh mức 1.000 điểm, trong khi cùng thời điểm tham chiếu, chỉ số Dow Jones lại tăng đến 4 lần.

Liệu rằng chúng ta có bỏ quên việc tăng cường chất lượng thị trường chứng khoán hay không, khi hơn 10 năm qua tính minh bạch chỉ “giậm chân tại chỗ”. Không những vậy, các hiện tượng làm giá, lũng đoạn thị trường lại càng ngày càng tinh vi và nguy hiểm hơn, dẫn đến hàng loạt vụ án sai phạm nghiêm trọng xảy ra như thời gian qua.

Có lẽ, điểm sáng hiếm hoi của thị trường chứng khoán Việt Nam là số lượng nhà đầu tư mới tham gia, cũng như thanh khoản của thị trường đã có sự cải thiện khá nhiều trong những năm gần đây. Tuy nhiên, như đã nói, để thị trường chứng khoán thực sự phát triển bền vững, trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nền kinh tế, cho bản thân các doanh nghiệp, qua đó tăng sức hấp dẫn trong mắt cộng đồng doanh nghiệp nội địa lẫn FDI thì cần rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất, tôi cho rằng chúng ta cần nghiêm túc tái cấu trúc lại toàn bộ thị trường chứng khoán, sàng lọc lại các doanh nghiệp niêm yết, tập trung phát triển về chất hơn là về lượng; cần phải có những chế chế tài mạnh, thậm chí là hủy niêm yết với các doanh nghiệp sai phạm trong các quy định, cũng như xử phạt nặng các hành vi làm giá, thao túng chứng khoán nhằm gia tăng tính minh bạch và an toàn cho thị trường.

Lấy ví dụ, ở các nước trong khu vực, số lượng DNNY không thực sự quá nhiều (chẳng hạn ở Thái Lan là 743 doanh nghiệp, Singapore gần 800 doanh nghiệp, Malaysia hơn 900 doanh nghiệp…), nhưng thay vào đó chất lượng của các DNNY tại đây luôn được cải thiện qua từng năm theo các quy định, quy chuẩn mới ban hành của các sàn.

Tiếp đó, chúng ta cần tăng cường thúc đẩy, nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư về thị trường chứng khoán và cách thức đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tái định nghĩa thị trường chứng khoán là một nhiệm vụ quan trọng cho giới đầu tư, đặc biệt là thế hệ nhà đầu tư F0 hiện nay. Họ cần nhìn nhận rằng thị trường chứng khoán là kênh đầu tư sinh lời dài hạn và thu nhập đến từ hoạt động của doanh nghiệp, hay giá trị gia tăng của doanh nghiệp.

Thay vì suy nghĩa rằng thị trường là nơi “đầu cơ” mua thấp - bán cao, là một “canh bạc đổi đời” có thể mang đến giấc mộng làm giàu đầy nhanh chóng, giống như các nhà đầu tư vẫn đang kháo nhau trên các diễn đàn trực tuyến.

Thứ ba, bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng cần dành sự quan tâm đúng mức. Không phủ nhận các nỗ lực của Chính phủ khi đưa ra các nghị định mới để giúp gia tăng tính minh bạch, an toàn cho thị trường trái phiếu, tuy nhiên, hiện chưa có nhiều hiệu quả.

Với tính chất là một kênh thu hút vốn chủ yếu ở các nước phát triển, ấn tượng hơn, quy mô của thị trường trái phiếu còn có thể vượt xa thị trường cổ phiếu hay hệ thống ngân hàng ở một số quốc gia lớn, tôi cho rằng cần có thêm những giải pháp mạnh mẽ để thúc đẩy thị trường này phát triển hơn nữa trong thời gian tới, thông qua việc tạo hành lang pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, theo dõi chặt chẽ mục đích sử dụng vốn của tổ chức phát hành, minh bạch hóa năng lực tài chính của doanh nghiệp…

Thứ tư, tạo một sân chơi vừa sức đối với các doanh nghiệp cỡ vừa và nhỏ - những đối tượng chiếm tỷ trọng rất lớn trong nền kinh tế. Chúng ta có thể phát triển thị trường chứng khoán phi tập trung và đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tư vấn dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giúp họ có thêm tự tin, chủ động khi tham gia niêm yết ở thị trường này với mục đích tìm kiếm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh.

Với nhóm doanh nghiệp FDI đã niêm yết, chúng ta cần phát triển làm sao để sàn HOSE trở thành một trung tâm tài chính chứng khoán quốc tế, cần có những giải pháp mang tầm chiến lược như đảm bảo được dòng vốn vào ra thị trường một cách dễ dàng, nghiên cứu các giải pháp về niêm yết chéo hay liên thông với các thị trường trong khu vực và trên thế giới.

-Xin cảm ơn ông!

Tính đến thời điểm hiện tại, trong tổng số 11 doanh nghiệp FDI đã có mặt trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ có 7 cái tên còn niêm yết trên hai sàn chính thức, 3 đơn vị đang giao dịch trên sàn UPCoM, bao gồm: Công ty CP Siam Brothers Việt Nam (HOSE: SBV), Dây và Cáp điện Taya Việt Nam (HOSE: TYA), Everpia (HOSE: EVE), Mirae (KMR: KMR), Công nghiệp gốm sứ Taicera (HOSE: TCR), Tập đoàn Nagakawa (HNX: NAG), Công nghiệp Tung Kuang (HNX: TKU), Quốc tế Hoàng Gia (UPCoM: RIC), Interfoods (UPCoM: IFS), Gạch men Chang Yih (UPCoM: CYC).

Nhiều doanh nghiệp “ngó lơ” sàn chứng khoán

Hiệu quả của việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán là một thực tế không thể phủ nhận. Bên cạnh đó còn ...

Giải pháp nào để tăng sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán, thu hút doanh nghiệp lên sàn? (Bài 1)

LTS: Các doanh nghiệp Việt Nam đang trải qua giai đoạn hết sức khó khăn do dư âm của đại dịch Covid-19 và những biến ...

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán