Dung Quất 2 của Hòa Phát vào giai đoạn sản xuất, hạn mức tín dụng 35.000 tỷ gần cạn
Quý I/2025, Hòa Phát có dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm, nhưng vẫn ghi nhận dòng tiền thuần dương nhờ huy động vốn từ hoạt động tài chính.
Tiến độ Dung Quất 2 chuyển biến tích cực, hơn 6.000 tỷ đồng được rót thêm vào đầu tư
Theo báo cáo cập nhật quý I/2025, Tập đoàn Hòa Phát đã chi thêm hơn 6.140 tỷ đồng (chưa bao gồm thuế) cho các hoạt động đầu tư. Trọng tâm vẫn là Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 – dự án được đánh giá là động lực tăng trưởng dài hạn của Tập đoàn.

Hiện tại, hạn mức tín dụng dài hạn trị giá 35.000 tỷ đồng từ 8 ngân hàng trong nước đã gần như được sử dụng hết để mở L/C và giải ngân thanh toán cho các hạng mục của dự án. Đặc biệt, lò cao đầu tiên đã hoàn tất quá trình chạy thử và bắt đầu vận hành thương mại từ cuối tháng 3/2025, đóng góp sản lượng vào kết quả kinh doanh từ quý II trở đi.
Song song đó, dây chuyền cán thép được đẩy nhanh hoàn thiện, nhằm xử lý sản lượng nước gang từ lò cao. Phân kỳ thứ nhất của dự án dự kiến sẽ tạo ra sản lượng lớn ngay từ quý II, còn phân kỳ thứ hai được đặt mục tiêu hoàn thành vào cuối năm 2025. Khi đó, tổng công suất thép thô của Hòa Phát sẽ vượt 15 triệu tấn/năm, đưa Tập đoàn vào nhóm đầu ngành về quy mô trong khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh Dung Quất 2, Hòa Phát cũng đẩy nhanh dự án đúc cán thép chất lượng cao tại Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất. Trong tháng 4, Tập đoàn đã ký hợp đồng với Tập đoàn Primetals (liên doanh giữa Mitsubishi và Siemens) để cung cấp dây chuyền có công suất 500.000 tấn/năm. Sản phẩm đầu ra nhắm vào thị trường trong nước vốn đang khan hiếm thép chất lượng cao như: thép bố lốp, thép dự ứng lực, thép làm đinh vít chính xác, thép làm dây cáp cần trục.... Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2026.
Tập đoàn cũng đặt trọng tâm sản xuất các sản phẩm phục vụ ngành đường sắt, trong đó có trục bánh xe, ray thép tàu hỏa, tàu cao tốc, theo các đơn đặt hàng từ Chính phủ và các dự án hạ tầng trọng điểm.
Lợi nhuận quý I tăng trưởng tích cực nhờ sức bật của thép xây dựng
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 cho thấy, Hòa Phát đạt doanh thu thuần 37.951 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2024. Lợi nhuận sau thuế đạt 3.350 tỷ đồng, tăng 17%.
Nhóm ngành thép tiếp tục là trụ cột với tỷ trọng 94% doanh thu và 85% lợi nhuận hợp nhất. Trong quý, Tập đoàn sản xuất 2,66 triệu tấn thép thô, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Tổng sản lượng bán hàng gồm HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 2,38 triệu tấn, tăng 29%.
Đặc biệt, tiêu thụ thép xây dựng trong nước tăng mạnh 51%, bù đắp phần sụt giảm 26% ở mảng xuất khẩu. Sản lượng tiêu thụ ống thép và tôn mạ đạt lần lượt 185.700 tấn và 89.000 tấn.
Ngoài thép, ngành nông nghiệp cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh, đóng góp 5% doanh thu và 12% lợi nhuận sau thuế. Doanh thu đạt 1.987 tỷ đồng, tăng 31%, lợi nhuận ròng 407 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ. Trong khi đó, mảng bất động sản tiếp tục đóng vai trò nhỏ, chiếm 1% doanh thu và 3% lợi nhuận.
Tại thời điểm cuối quý I, tổng tài sản của Hòa Phát đạt 228.862 tỷ đồng, trong đó tài sản cố định chiếm 88.838 tỷ đồng. Hàng tồn kho đạt 46.604 tỷ đồng, còn chi phí xây dựng dở dang là 47.620 tỷ đồng – phần lớn vẫn thuộc dự án Dung Quất 2. Đáng chú ý, chi phí dở dang của dự án này đã giảm mạnh từ mức 60.108 tỷ đồng đầu năm xuống còn 43.240 tỷ đồng, phản ánh tiến độ đầu tư hiệu quả.
Về tài chính, Hòa Phát nắm giữ lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn lên tới 23.672 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả ở mức gần 110.900 tỷ đồng, trong đó hơn 89.000 tỷ đồng là nợ vay. Vốn chủ sở hữu đạt xấp xỉ 118.000 tỷ đồng, với hơn 52.900 tỷ đồng là lợi nhuận chưa phân phối.
Tuy nhiên, xét về dòng tiền, tình hình quý I/2025 có dấu hiệu trái chiều:
• Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 2.778 tỷ đồng, chuyển biến xấu so với cùng kỳ năm 2024 khi vẫn ghi nhận dương. Nguyên nhân chính là do các khoản phải thu tăng, trong khi khoản phải trả và nợ ngắn hạn giảm.
• Dòng tiền đầu tư tiếp tục âm, ghi nhận mức -2.728 tỷ đồng, nhưng đã cải thiện đáng kể so với mức âm 12.600 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
• Dòng tiền từ hoạt động tài chính là điểm sáng, đạt hơn 6.000 tỷ đồng, chủ yếu từ huy động vốn và vay nợ dài hạn. Nhờ đó, tổng dòng tiền thuần trong kỳ vẫn ở mức dương.
Việc duy trì dòng tiền dương trong bối cảnh hoạt động kinh doanh và đầu tư đều sử dụng nhiều nguồn lực cho thấy vai trò then chốt của hoạt động huy động tài chính. Tuy nhiên, điều này cũng tạo áp lực lên chi phí vốn và yêu cầu doanh nghiệp tiếp tục kiểm soát chặt chẽ dòng tiền trong các quý tiếp theo.