Lãi 5 quý liên tiếp, Đức Long Gia Lai (DLG) đã đủ xoa dịu nỗi lo cổ đông?
Dù báo lãi 5 quý liên tiếp, Đức Long Gia Lai (DLG) vẫn chưa thể khiến cổ đông thật sự yên tâm khi áp lực kiểm toán và gánh nặng tài chính vẫn hiện hữu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) cho thấy một kết quả không quá tệ về con số lợi nhuận, nhưng phía sau bức tranh tưởng chừng “ấm lên” ấy vẫn còn nhiều dấu hỏi lớn.

Trong kỳ, DLG ghi nhận doanh thu thuần đạt 153 tỷ đồng, giảm tới 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều đáng nói là trong cơ cấu doanh thu, không có sự đóng góp từ mảng bất động sản mà phần lớn đến từ nguồn thu dịch vụ trạm thu phí BOT với hơn 141 tỷ đồng. Những mảng khác như điện thương phẩm, linh kiện điện tử hay cho thuê tài sản cũng chỉ góp phần rất nhỏ, phản ánh sự thu hẹp đáng kể trong phạm vi hoạt động của tập đoàn này.
Dù doanh thu lao dốc, nhưng một điểm sáng hiếm hoi là giá vốn hàng bán được cắt giảm mạnh, chỉ còn 75 tỷ đồng – giảm tới 62% so với cùng kỳ. Nhờ đó, lợi nhuận gộp tăng gần 13%, đạt 78 tỷ đồng, cho thấy một phần hiệu quả trong kiểm soát chi phí.
Trong kỳ, doanh thu tài chính giảm còn 41,6 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính vẫn duy trì ở mức cao (59 tỷ đồng), cho thấy áp lực lãi vay chưa được kiểm soát đáng kể.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Đức Long Gia Lai đạt 41 tỷ đồng – tăng 15% so với cùng kỳ – là một con số tích cực nhưng cần lưu ý rằng sự cải thiện này không đến từ việc mở rộng sản xuất.
Tình hình tài chính của doanh nghiệp này vẫn đặt ra dấu hỏi lớn. Cụ thể, tổng tài sản tính đến cuối tháng 3/2025 là 4.315 tỷ đồng, giảm gần 33 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho giữ ở mức 198 tỷ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng hơn 85 tỷ đồng. Đặc biệt, khoản phải thu ngắn hạn đạt 1.287 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp đã trích lập dự phòng lên tới... 2.176 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả của công ty hiện là 3.522 tỷ đồng, chiếm tới 81,6% tổng nguồn vốn, trong đó nợ vay tài chính ở mức rất cao – 2.206 tỷ đồng. Cơ cấu vốn lệch hẳn sang vay nợ là điều đã được cảnh báo trong nhiều kỳ tài chính trước, và tiếp tục là yếu tố cản trở việc tái cấu trúc bền vững.
Về mặt pháp lý và uy tín thị trường, DLG vẫn đang chịu sức ép rất lớn. Do liên tục thua lỗ và bị kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ trong hai năm 2022 và 2023, cổ phiếu DLG đã bị đưa vào diện kiểm soát kể từ tháng 4/2024. Nếu báo cáo kiểm toán năm 2025 tiếp tục giữ nguyên ý kiến ngoại trừ, cổ phiếu DLG hoàn toàn có thể bị hủy niêm yết bắt buộc theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Trong năm 2024, DLG đã bán lại Mass Noble – nhà máy sản xuất linh kiện điện tử lớn tại Trung Quốc – cho đối tác Alpha Seven. Đây là động thái nằm trong chiến lược tái cấu trúc nhằm loại bỏ các tài sản kém hiệu quả và cải thiện dòng tiền. Tuy nhiên, việc bán tài sản cũng phản ánh tình trạng “bán mình” để sống sót chứ không hẳn là một chiến lược tăng trưởng dài hạn.
Hiện vốn điều lệ của DLG là 2.993 tỷ đồng, trong đó ông Bùi Pháp – người sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT – vẫn là cổ đông lớn nhất với gần 25% vốn.