Chiều ngày 10/12/2023, trong cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ông Jensen Huang, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Nvidia (Mỹ) - Tập đoàn sản xuất chip lớn nhất thế giới với giá trị vốn hoá thị trường lên tới gần 1.200 tỷ USD đã xác nhận kế hoạch thiết lập một trung tâm tại Việt Nam.
Nvidia sẽ thiết lập một trung tâm tại Việt Nam |
Người đứng đầu Nvidia chia sẻ, Tập đoàn coi Việt Nam như một “ngôi nhà” của mình và cho rằng việc thiết lập một trung tâm, cứ điểm tại Việt Nam sẽ giúp thu hút nhân tài trên khắp thế giới, qua đó góp phần phát triển hệ sinh thái bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp, thiết kế, phát triển siêu máy tính, sản xuất phần mềm của tương lai.
“Việc này cũng sẽ đóng góp vào sự phát triển tương lai số hóa của Việt”, ông Jensen Huang khẳng định, đồng thời nhấn mạnh rằng, quan hệ tốt đẹp giữa hai nước Việt - Mỹ là nền tảng thuận lợi cho các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo giữa các doanh nghiệp hai nước.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Nvidia cũng đánh giá cao tiềm năng cơ hội và chiến lược, cách tiếp cận trọng tâm của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo; đồng thời coi trọng nguồn nhân lực Việt Nam trong lĩnh vực này.
“Người Việt Nam rất giỏi toán, có năng lực phần mềm tốt và đang có vị trí tốt để phát triển bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Xác định Việt Nam là thị trường quan trọng, Nvidia đã đầu tư 250 triệu USD vào nơi này”, ông Huang cho biết.
Trước đó, hồi tháng 9/2023, trong chuyến công tác tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm trụ sở Nvidia đồng thời có lời mời ông Jensen Huang tới thăm và làm việc tại Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Đáp lại lời mời của Thủ tướng, chỉ sau chưa đầy 3 tháng, Chủ tịch Nvidia đã đến Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Tập đoàn Nvidia Jensen Huang chiều 10/12 |
Tại cuộc tiếp lãnh đạo Nvidia, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết rất coi trọng chuyến thăm của ông Jensen Huang, thể hiện sự tin tưởng và ủng hộ cao với Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Mỹ. Thủ tướng nhấn mạnh, trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được thiết lập, Việt Nam và Mỹ đã thống nhất sẽ đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột mới quan trọng trong quan hệ giữa hai nước. Do đó, hai nước cần tập trung nguồn lực, trí tuệ, ưu tiên cho một số lĩnh vực là trọng tâm của Việt Nam, đặc biệt ngành công nghiệp bán dẫn - lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ đã có văn bản hợp tác.
Theo Thủ tướng, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế phù hợp với tố chất con người trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn. Hiện nay, Việt Nam hiện có 6.000 kỹ sư công nghiệp bán dẫn làm cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặt mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư chất lượng cao từ nay tới 2030, trong đó ưu tiên kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Mặt khác, Việt Nam cũng có gần 30.000 sinh viên tới Mỹ học tập mỗi năm, đứng đầu trong số các nước Đông Nam Á, đứng trong top 5 các nước có nhiều du học sinh nhất tại Mỹ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị phía Tập đoàn Nvidia xác định tầm nhìn chiến lược, lâu dài trong hợp tác, đồng hành, hỗ trợ Việt Nam xây dựng, thực hiện chiến lược bán dẫn quốc gia. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn Nvidia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở cả ba công đoạn thiết kế, xây dựng nhà máy sản xuất chip, đóng gói và kiểm thử.
Theo nguồn tin từ Reuters, hôm nay, ngày 11/12/2023, ba tập đoàn hàng đầu Việt Nam bao gồm Vingroup, Viettel và FPT sẽ tham gia buổi làm việc giữa lãnh đạo Việt Nam với đại diện Tập đoàn Nvidia với nội dung xoay quanh hoạt động hợp tác thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn cũng như khả năng hợp tác của “gã khổng lồ” ngành chip với các doanh nghiệp trong nước.
Cũng theo nguồn tin từ Reuters, Nvidia dự kiến đạt được thỏa thuận chuyển giao công nghệ với ít nhất một doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện cả Vingroup, Viettel và FPT đều từ chối bình luận và không tiết lộ thông tin về những thỏa thuận nếu có.
Reuters cho hay, theo tài liệu mà Nhà Trắng công bố hồi tháng 9, trước khi Mỹ nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược toàn diện, Nvidia đã hợp tác với các công ty công nghệ hàng đầu Việt Nam để triển khai AI trong ngành công nghệ đám mây, xe hơi và y tế.
Nvidia ra đời năm 1993 tại một quán ăn nhỏ ở vùng ngoại ô phía Bắc California, Mỹ, với mục tiêu phát triển ngành công nghệ điện toán và những con chip chuyên dụng tân tiến hỗ trợ cho lĩnh vực đồ hoạ 3D trong phát triển game nhanh hơn, chân thực hơn. Sau 30 năm phát triển nhanh như “vũ bão”, từ 3 thành viên trong buổi sơ khai, Tập đoàn hiện đã mở rộng quy mô tới hơn 27.000 nhân viên, đạt doanh thu 27 tỷ USD trong năm tài chính 2023. Tên tuổi của Nvidia gắn liền với các con chip tiên tiến như A100, H100 giúp thu nhỏ các siêu máy tính hàng trăm lần so với các cỗ máy cồng kềnh trước đây, nhưng hiệu suất và tính năng lại hơn gấp nhiều lần. Năm 2022, thời điểm Nvidia cho ra mắt H100 - bộ xử lý đồ họa GPU mạnh nhất thế giới, Tập đoàn này đã nhận về không ít lo ngại khi mọi doanh nghiệp khi đó đều đang thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, sau khi OpenAI tung ra ChatGPT, một cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đã nổ ra, khiến họ đổ xô giành lấy H100. Các bộ xử lý đồ họa GPU của Nvidia hiện là thành phần quan trọng trong hạ tầng của nhiều nền tảng AI tạo sinh, chiếm 80% thị phần trên thế giới, giúp Tập đoàn giữ thế độc quyền trong lĩnh vực này. "Cơn sốt" AI đã khiến giá trị vốn hoá thị trường của Nvidia tăng gấp gần 3 lần trong năm 2023, lên mức 1.200 tỷ USD, đưa Tập đoàn này vượt xa các đối thủ cũng ngành và trở thành nhà sản xuất chip đắt giá nhất thế giới. |
Tròn 30 năm tuổi, Nvidia “cán mốc” vốn hoá 1.000 tỷ USD, là nhà sản xuất chip đầu tiên trên thế giới gia nhập “câu ... |
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ sau số liệu từ Nvidia Chứng khoán Mỹ chật vật để giữ vững vị thế vào phiên 8/8, sau khi S&P 500 tăng 3 tuần liên tiếp, do lo ngại ... |
Lĩnh vực AI (trí tuệ nhân tạo) đang là một 'miền đất hứa' chưa được khai phá. Chính vì vậy, việc hiểu rõ hơn về ... |
Hà Lê