Cuộc họp có sự tham dự của đại diện các Ngân hàng trung ương (NHTW) và Bộ Tài chính các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Hội nghị REO APD năm nay tiếp tục được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Chang Yong Ree, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương cho biết, sự lan rộng của biến thể Delta là một bước lùi cho sự phát triển kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Triển vọng châu Á cho năm 2021 đã giảm hơn 1% xuống 6,5% so với tháng 4/2021. Tuy nhiên, khi tỷ lệ tiêm chủng cải thiện, khu vực này dự kiến sẽ tăng trưởng nhanh hơn vào năm 2022 so với dự báo trước đó. Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển châu Á (EMDEs) chậm hơn nhiều so với Nhóm các nền kinh tế tiên tiến (AEs), khiến cho tốc độ phục hồi ở các nơi diễn ra không đồng đều. Lý do của sự khác biệt này là do tỷ lệ bao phủ tiêm chủng và hỗ trợ chính sách ở các nơi khác nhau. Dự kiến, mức sản lượng trung hạn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển sẽ duy trì thấp hơn xu hướng trước đại dịch.
Ông Chang cho biết chính sách các nước phải thay đổi để thích nghi với bối cảnh mới, phải tăng gấp đôi nỗ lực để bao phủ tiêm chủng, tiếp tục hỗ trợ kinh tế vĩ mô trong dư địa chính sách cho phép.
Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Fabio Natalucci, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường vốn và tiền tệ cũng chia sẻ rằng các chính sách tài khóa cần tiếp tục hỗ trợ phục hồi nhưng trong khuôn khổ tài khóa trung hạn để duy trì sự tin tưởng của công chúng. Các ngân hàng trung ương nên sẵn sàng hành động nhanh chóng nếu sự phục hồi tăng nhanh hơn dự kiến hoặc lạm phát tăng.
Với sự phục hồi của giá hàng hóa toàn cầu và sự gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu kéo dài có thể thúc đẩy lạm phát. Nếu việc phụ hồi kinh tế diễn ra chậm, các nước sẽ cần một cơ chế chính sách dài hơi hơn, và đòi hỏi các quy định tài chính thận trọng để duy trì sự ổn định tài chính. Các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần thúc đẩy các chính sách xã hội, cải cách cơ cấu và đầu tư vào các lĩnh vực kỹ thuật số và xanh để nâng cao năng suất và hỗ trợ công bằng cho học sinh và người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Tiếp theo đó, đại diện một số nền kinh tế trong khu vực cũng tham gia trình bày về các chủ đề liên quan đến triển vọng tài chính khu vực, lạm phát, chính sách an toàn vĩ mô và tái cấu trúc chính sách. Theo đó, đại dịch sẽ không ảnh hưởng lâu dài đến tăng trưởng tiềm năng, nhưng sự tham gia chuỗi giá trị toàn cầu kém hơn của các nước có thể có tác động lớn hơn đến tăng trưởng tiềm năng của châu Á.
Các quốc gia cũng kêu gọi IMF giám sát chặt chẽ hơn về rủi ro biến động của dòng vốn và đánh giá vai trò quan trọng của Quỹ trong việc đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp bao gồm cả việc sử dụng các công cụ khung chính sách tích hợp. Các nước cũng chia sẻ băn khoăn về lo ngại lạm phát nhất thời có thể trở thành vĩnh viễn nếu các hạn chế về nguồn cung kéo dài. IMF đánh giá rằng lạm phát ở châu Á vẫn trong tầm kiểm soát và sự gián đoạn nguồn cung chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương ở châu Á vẫn phải cảnh giác để duy trì kỳ vọng lạm phát để giữ vững và nâng cao tính độc lập và uy tín của họ.
Kết thúc Hội nghị, IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp các cơ chế chính sách khác nhau để hỗ trợ tăng trưởng và coi việc chuyển đổi hướng phát triển của các quốc gia theo hướng phát thải thấp hơn là chìa khóa quan trọng giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hướng đến sự phát triển bền vững, toàn diện trong tương lai.
TH
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ