Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán KB (KBSV) nhận định thanh khoản tiền chịu áp lực hơn so với trước do tín dụng tăng mạnh và hoạt động mua ngoại tệ giao ngay bị hạn chế.
Cụ thể, tín dụng trong 4 tháng đầu năm tăng mạnh hơn nhiều so với huy động vốn, đặc biệt là trong tháng 4 tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống. Tính tới ngày 16/4, dư nợ tín dụng đã đạt mức tăng 3,34% so với đầu năm, cao hơn rất nhiều so với mức tăng 1,41% cùng kỳ năm ngoái và mức 1,47% vào trung tuần tháng 3.
Mặt khác, huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng, khi tính tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn mới chỉ đạt 0,54% trong khi tăng trưởng tín dụng đã đạt 1,47%.
Ngoài ra, nghiệp vụ bơm tiền đồng thông qua hoạt động mua ngoại tệ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước bị hạn chế phần nào khiến thanh khoản bớt dồi dào hơn so với cuối năm 2020.
"Dấu hiệu thanh khoản chịu áp lực đã khiến diễn biến lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn tăng tương đối mạnh trong tháng 4", KBSV đánh giá.
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh từ khoảng 0,15% trong 3 tháng đầu năm lên 0,5%/năm vào cuối tháng 4.
Diễn biến tương tự cũng được quan sát thấy ở các kỳ hạn còn lại. Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tập trung ở kỳ hạn qua đêm với tổng giá trị giao dịch tăng gấp 2 so với cùng kỳ.
Dự báo trong tháng 5, KBSV cho rằng diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ duy trì ở mức cao, khoảng 0,5% -1% cho lãi suất qua đêm, do chênh lệch giữa tín dụng và huy động bị nới rộng trong 4 tháng đầu năm vẫn tạo áp lực ngắn hạn trong đầu tháng 5.
Tuy nhiên, nhóm phân tích cũng nhận định diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong 2 tuần qua sẽ khiến cầu tín dụng bị ảnh hưởng.
"Ngoài ra, dòng tiền nội tệ thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ khiển mặt bằng lãi suất ngân hàng hạ nhiệt trở lại trong giai đoạn cuối quý II", theo KBSV.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam