Nhựa Bình Minh bị phạt và truy thu thuế gần 9 tỷ đồng |
Cụ thể, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 16 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP, Nhựa Bình Minh đã khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp và bị áp dụng mức phạt hành chính là hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, do có hành vi khai sai không dẫn đến số thuế giá trị gia tăng phải nộp, doanh nghiệp này bị áp dụng tình tiết tăng nặng và phải nộp thêm 120,9 triệu đồng. Tổng số tiền phạt cho hai hành vi này là 1,3 tỷ đồng.
Về biện pháp khắc phục hậu quả, Nhựa Bình Minh bị buộc nộp hơn 6 tỷ đồng do kê khai sai trong ba năm liên tục, từ 2020 – 2022. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng bị truy thu gần 1,3 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế. Số tiền chậm nộp thuế này được tính đến hết ngày 5/9/2023. Quyết định xử phạt nêu rõ, Nhựa Bình Minh có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp thuế kể từ sau 5/9/2023 đến thời điểm thực nộp số tiền thuế truy thu và tiền phạt vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Như vậy, tổng số tiền Nhựa Bình Minh cần nộp về Kho bạc Nhà nước TP. Hồ Chí Minh là gần 8,7 tỷ đồng. Thời hạn để doanh nghiệp thực hiện là trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo soát xét bán niên 2023, kết thúc nửa đầu năm, doanh thu của Nhựa Bình Minh đạt 2.797 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm 25%, xuống mức 1.649 tỷ đồng. Nhờ đó, lợi nhuận gộp tăng mạnh gần 59%, lên mức 1.127 tỷ đồng.
Mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính của Nhựa Bình Minh đã tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ, lên mức 57 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ để bù đắp khoản chi phí tài chính 77 tỷ đồng. Đáng chú ý, trong kỳ kinh doanh này, phần lỗ trong công ty liên kết và chi phí bán hàng đều tăng, chỉ có chi phí quản lý doanh nghiệp được tiết giảm.
Tuy nhiên, sau cùng, doanh nghiệp vẫn báo lãi sau thuế 575 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm trước.
Nếu so với mục tiêu cả năm đạt doanh thu 6.357 tỷ đồng tiền và lãi sau thuế 651 tỷ đồng, Nhựa Bình Minh đã thực hiện được 44% chỉ tiêu doanh thu và 88% chỉ tiêu lợi nhuận.
Cũng cần nói thêm, cả hai quý đầu năm nay, Nhựa Bình Minh đều lập kỷ lục về lợi nhuận, qua đó đạt được kết quả kinh doanh ấn tượng nói trên, bất chấp tình trạng ảm đạm chung toàn ngành.
Với vị thế là một trong những doanh nghiệp nhựa hàng đầu Việt Nam, Nhựa Bình Mình cũng đang duy trì năng lực cạnh tranh cao đối với các doanh nghiệp cùng ngành. Đặc biệt, công ty mẹ của Nhựa Bình Minh là Công ty TNHH Nhựa và Hoá chất TPC Vina cũng là một trong những nhà sản xuất hạt nhựa PVC lớn nhất Việt Nam, giúp giảm thiểu rủi ro tăng giá nguyên vật liệu, qua đó giúp đảm bảo biên lợi nhuận gộp của Nhựa Bình Minh. Đây là lợi thế mà những doanh nghiệp cùng ngành hiện chưa có được.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh đạt 3.526 tỷ đồng, tăng 16% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản của doanh nghiệp cũng ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ. Ví dụ như sự dồi dào hơn về tiền mặt. Cụ thể, lượng tiền và các khoản tương đương tiền tăng tới 69% so với cùng kỳ, lên mức gần 609 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm được 22%, xuống mức 449 tỷ đồng.
Cuối kỳ, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp là 770 tỷ đồng, tập trung chủ yếu ở nợ ngắn hạn. Nợ vay tài chính ghi nhận ở mức 55 tỷ đồng, toàn bộ là nợ vay ngắn hạn.
Vốn chủ sở hữu đạt 2.756 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 733 tỷ đồng.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9, cổ phiếu BMP đóng cửa ở mức 88.500 đồng/cp.
Nhựa Bình Minh ra đời năm 1977, tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm - Bộ Công nghiệp nhẹ, chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng và một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa. Năm 2004, doanh nghiệp này được cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty CP Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, Nhựa Bình Minh niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu là BMP. Tới tháng 4/2018, sau khi Công ty TNHH Nawaplastic Industries - công ty con thuộc Tập đoàn Thái Lan SCG nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, Nhựa Bình Minh đã chính thức về tay người Thái. |
Hà Lê