Kỳ vọng kết quả kinh doanh kéo VN-Index vượt 1.240 trước kỳ nghỉ lễ
MBS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong khi chờ kết quả đàm phán thuế quan, với vùng dao động 1.200 – 1.240 điểm. Nhà đầu tư nên ưu tiên cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý I khả quan, chú ý cơ hội trong các nhóm bán lẻ, logistics và đầu tư công.
Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 21 đến 25/4/2025, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 1.229,23 điểm, tăng 10,11 điểm (+0,83%) so với tuần trước. Đây là tuần ghi nhận biến động mạnh với biên độ gần 90 điểm, phản ánh trạng thái dao động mạnh mẽ nhưng cũng mở ra những tín hiệu hồi phục trên diện rộng.
Trong khi nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Smallcap) dẫn đầu mức phục hồi với mức tăng 0,95%, nhóm VN30 và Midcap cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 0,84% và 0,22%. Một số nhóm ngành có diễn biến tích cực nổi bật trong tuần bao gồm Vingroup (+7,5%), Bán lẻ (+5,7%) và Viettel (+4,3%). Ở chiều ngược lại, nhóm Chứng khoán (-3,8%), Bất động sản khu công nghiệp (-1,95%) và Ngân hàng (-1,1%) lại đi ngược xu hướng chung.

Thanh khoản toàn thị trường tuần qua đạt 23.845 tỷ đồng, giảm nhẹ 1,2% so với tuần trước. Tuy nhiên, thanh khoản khớp lệnh lại tăng 1,2% lên mức 21.889 tỷ đồng, cho thấy dòng tiền giao dịch thực tế vẫn đang duy trì ổn định
Tính từ đầu tháng 4, thanh khoản bình quân đạt 26.619 tỷ đồng, tăng 17% so với tháng 3 và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, nếu tính lũy kế từ đầu năm, thanh khoản vẫn giảm 5,08% so với mức trung bình năm 2024.
Về dòng vốn ngoại, khối ngoại đã mua ròng 466 tỷ đồng trong tuần, đánh dấu tuần đầu tiên mua ròng sau chuỗi 10 tuần bán ròng liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại vẫn bán ròng tổng cộng 41.712 tỷ đồng. Một số mã được mua ròng mạnh bao gồm HPG (+507 tỷ đồng), MWG (+332 tỷ đồng) và VRE (+137 tỷ đồng).

Dù vậy, diễn biến tại các quỹ ETF lại cho thấy sự thận trọng nhất định. ETF DCVFMVN30 bị rút ròng gần 14,7 triệu USD trong vòng một tháng qua và 44 triệu USD kể từ đầu năm, với các cổ phiếu lớn như TCB, FPT, ACB, HPG chịu tác động. Tương tự, VanEck - quỹ ETF lớn thứ hai thị trường cũng bị rút ròng 61,44 triệu USD, riêng tháng qua mất 29,48 triệu USD, ảnh hưởng chủ yếu tới VIC, VHM, HPG, VNM và VCB.
Theo nhận định của Chứng khoán MB (MBS), bên cạnh các tín hiệu nội tại, thị trường Việt Nam đang hưởng lợi từ kỳ vọng quốc tế. Ở Mỹ, giới đầu tư tin rằng giai đoạn bất ổn do thuế quan đã qua đỉnh, mở ra triển vọng tích cực hơn cho chứng khoán toàn cầu. Trong nước, thông tin hỗ trợ thị trường chủ yếu đến từ mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 và mùa đại hội cổ đông, cùng với kỳ vọng về kết quả đàm phán thuế quan Việt - Mỹ.
Cổ phiếu Nike (NKE: NYSE, công ty có 450.000 nhân viên tại 130 nhà máy tại Việt Nam) đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, ngắt chuỗi giảm 6 tuần liền, được xem như một tín hiệu tích cực củng cố niềm tin về kết quả đàm phán thuận lợi giữa hai nước. Đồng thời, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng cũng góp phần củng cố xu hướng vận động tích cực của thị trường.
Về kỹ thuật, VN-Index đã phục hồi nhanh 167 điểm từ đáy tháng 4, hiện tạo vùng cân bằng quanh 1.200 – 1.240 điểm. Thanh khoản hai tuần qua giảm nhẹ (nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận), phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang trước kỳ nghỉ lễ dài khiến vòng quay giao dịch chậm lại.
Đáng chú ý, nhịp hồi gần đây chủ yếu nhờ hai cổ phiếu lớn là VIC và VHM, khiến cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngoài nhóm Vingroup không quá dồi dào. Diễn biến này, kết hợp với thanh khoản suy giảm, dự báo có thể còn kéo dài trước và sau kỳ nghỉ lễ.

Theo đánh giá cơ bản của MBS, thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục dao động trong biên độ 1.200 – 1.240 điểm, trong khi chờ kết quả đàm phán thuế quan. Với kịch bản thận trọng, nếu áp thuế suất 46% được coi là trần, thị trường đã tạo được vùng tham chiếu ở khu vực 1.080 điểm, với vùng hỗ trợ gần là 1.150 – 1.160 điểm.
Chiến lược giao dịch hiện tại được khuyến nghị là lựa chọn cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh quý I/2025 và mùa đại hội cổ đông. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành đang được dòng tiền chú ý như Vingroup, bán lẻ, logistics, hóa chất, sản xuất - phân phối điện, đầu tư công, thép và bất động sản. Đặc biệt, đối với các cổ phiếu đang vận động tích cực khi VN-Index ở vùng 1.240 điểm trở lên, cơ hội đầu tư sẽ càng rõ rệt hơn.