Trong quý I/2024, LPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.886 tỷ đồng, tăng tới 84,36% so với cùng kỳ, thực hiện 27,49% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.299 tỷ đồng, tăng 84,88% so với cùng kỳ. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROEA tại thời điểm cuối quý là 26,07%.
Ảnh: Internet |
Trong tổng thu thuần từ các hoạt động kinh doanh, lãi thuần từ dịch vụ chiếm 18,29%, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mảng kinh doanh ngoại hối chiếm tỷ trọng 3,31%.
Đáng chú ý, nhờ kiểm soát chi phí hoạt động ở mức hợp lý nên tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập thuần) cuối quý I đạt 30,74%, giảm 6,13% so với cuối năm trước và giảm tới 12,16% so với cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải từ phía LPBank, có được kết quả này là nhờ ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chú trọng thúc đẩy bán chéo các sản phẩm dịch vụ, đặc biệt phải kể đến sản phẩm kinh doanh ngoại tệ, kiều hối, xuất nhập khẩu …
Tính đến cuối quý I, dư nợ tín dụng của nhà băng này tăng 11,71% so với cuối năm 2023 (ở mức 307.708 tỷ đồng). Tăng trưởng huy động đạt 6,72%, ở mức 304.531 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngày 15/4, Hội đồng Quản trị LPBank đã cập nhật tài liệu đại hội đồng cổ đông về phương án trình đổi tên ngân hàng. Và tới thời điểm hiện tại chỉ còn lại phương án duy nhất là đổi tên thành “Ngân hàng Thương mại cổ phần Lộc Phát Việt Nam”. Tên viết tắt của ngân hàng vẫn giữ nguyên là LPBank.
Trong ngày mai (17/4), LPBank sẽ tiến hành ĐHĐCĐ thường niên với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 9.500 tỷ đồng, tăng gần 35% so với năm trước. Tổng tài sản ngân hàng này dự kiến tăng lên mức 427.260 tỷ đồng, cao hơn 11,6% so với năm ngoái. Huy động thị trường 1 được kỳ vọng ở mức 317.380 tỷ đồng, tăng 11,2%, trong khi tín dụng thị trường 1 dự kiến tăng 15,9%, lên 319.140 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ, ngân hàng sẽ trình phương án tăng vốn điều lệ thêm tối đa 8.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 800 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Trong một diễn biến có liên quan khác, cổ đông lớn Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost) đã nhiều lần muốn thoái vốn tại LPBank nhưng đều bất thành. Lần gần nhất vào tháng 4/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội thông báo không tổ chức phiên đấu giá cổ phần của LPBank do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sở hữu do không có nhà đầu tư nào đăng ký mua.
Trong lần phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng năm ngoái của ngân hàng LPBank, cổ đông lớn này cũng đã chào bán số quyền mua của mình (140,5 triệu quyền mua) nhưng không có nhà đầu tư đăng ký tham gia thỏa thuận.
Theo Thông tư 11/2023 của NHNN, sau 7 ngày kể từ ngày VNPost thoái vốn xuống dưới 5% vốn điều lệ của LPBank, các phòng giao dịch bưu điện (PTO) sẽ không được nhận tiền gửi tiết kiệm. Cụ thể, đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm chưa đáo hạn, phòng giao dịch bưu điện sẽ phải tiếp tục thực hiện đúng theo thỏa thuận trước đó với khách hàng. Đối với những khoản tiến gửi đã đáo hạn, PTO phải có biện pháp thanh toán cho khách hàng.
Ngân hàng nào là “át chủ bài” cho các mục tiêu kinh doanh lớn năm 2024? Trước thềm Đại hội đồng cổ đông thường niên, hàng loạt ngân hàng đã hé lộ về kế hoạch kinh doanh trong năm 2024. Vậy ... |
LPBank bất ngờ sửa đổi tài liệu ĐHĐCĐ, muốn đổi tên thành Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam Ngày 12/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank - HOSE: LPB) công bố cập nhật các nội dung sửa đổi, bổ sung tài ... |
Lãi suất ngân hàng LPBank cao nhất là bao nhiêu trong tháng 4/2024? Theo khảo sát mới nhất, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) ghi nhận, khách hàng cá nhân sẽ nhận được mức ... |
Thiên Kim