Ngân hàng nào có kết quả kinh doanh quý 3/2023 thấp hơn kỳ vọng?

10/11/2023 - 14:55
(Bankviet.com) Trong danh mục theo dõi của VNDirect, có tới 4 ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2023 thấp hơn kỳ vọng bao gồm Vietcombank, VPBank, TPBank và LPBank.

Tại Vietcombank, quý 3/2023, ngân hàng này chỉ ghi nhận tăng trưởng tín dụng so với đầu năm là 3,8%, thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng của ngành (7,0%).

Theo VNDirect, kết quả kém khả quan này là do nhu cầu tín dụng suy yếu trong một nền kinh tế còn đang khó khăn và khẩu vị rủi ro thấp của ngân hàng này đối với hoạt động cho vay.

Tuy nhiên, yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận ròng là chi phí dự phòng đã giảm mạnh 46,2% so với cùng kỳ, thúc đẩy lợi nhuận ròng trong quý 3/2023 tăng 20% so cùng kỳ. Tỷ lệ NPL của Vietcombank tăng lên 1,21% so với 0,83% vào cuối quý 2/2023 và tỷ lệ LLR giảm xuống còn 270% so với 386% vào cuối quý 2/2023 nhưng vẫn cao hơn so với các ngân hàng khác.

Ngân hàng nào có kết quả kinh doanh quý 3/2023 thấp hơn kỳ vọng?
Hình minh họa (Tuệ An)

Tại VPBank, quý 3/2023, ngân hàng mẹ đã ghi nhận tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ tại mức 22% so với đầu năm – mức cao nhất toàn ngành.

Trong khi đó, NIM tại quý 3/2023 giảm về 3,8% do lãi suất cho vay giảm nhằm hỗ trợ khách hàng. Chất lượng tài sản tiếp tục giảm khi tỷ lệ NPL tăng lên 3,96% từ mức 3,88% vào cuối quý 2/2023.

VNDirect cho rằng, tỷ lệ NPL hợp nhất đã cải thiện đáng kể (từ 7,44% vào cuối quý 2/2023 lên 5,74% vào quý 3/2023), điều này cho thấy tỷ lệ NPL của FE Credit sẽ giảm mạnh.

VNDirect ước tính lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt khoảng 5 tỷ đồng (204.000 USD) trong quý 3/2023 – vượt qua kỳ vọng trước đó của VNDirect cho rằng phải chờ đến cuối năm FE Credit mới ghi nhận lãi, chủ yếu do chi phí hoạt động thấp hơn (CIR giảm xuống 30,5% trong quý 3/2023 từ mức 37,4% trong quý 2/2023) và chi phí dự phòng giảm (-47,3% so với quý trước).

Tại TPBank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý 3/2023 giảm 16,3% so cùng kỳ xuống còn 3.969 tỷ đồng, hoàn thành 66,1% dự báo năm 2023 của VNDirect, nguyên nhân đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và nợ xấu tăng đáng kể.

Đến cuối quý 3/2023, tín dụng tăng 7,2% so với đầu năm (so với mức tăng 11,2% trong quý 3/2022). Tỷ lệ NPL đạt 3% vào cuối quý 3/2023, xếp thứ 18 trong số 25 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất.

Tại LPBank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận ròng trong quý 3/2023 giảm 23,4% so cùng kỳ, xuống còn 2.944 tỷ đồng, hoàn thành 64,5% dự báo cho cả năm 2023 của VNDirect do nợ xấu tăng cao.

Theo VNDirect, tỷ lệ NPL của LPBank tăng 0,4 điểm % so với quý trước (+1,4 điểm % sso cùng kỳ) lên 2,8%. Tăng trưởng tín dụng chậm lại so với quý trước (4% so với 4,7% trong quý 2/2023) nhưng vẫn có khả năng đạt kế hoạch cho cả năm (16%).

Các ngân hàng theo sát dự phóng

Với VietinBank, ngân hàng này ghi nhận tăng trưởng tín dụng so với đầu năm là 8,7%, cao nhất trong số các ngân hàng quốc doanh. Tuy nhiên, NIM tại quý 3/2023 giảm 23 điểm cơ bản so cùng kỳ còn 2,87% - nhưng vẫn duy trì không đổi so với quý trước.

Trong khi đó, thu nhập ngoài lãi của quý 3/2023 giảm nhẹ 2,2% so cùng kỳ, giúp TOI của ngân hàng tăng 0,4% so cùng kỳ, đạt 17,4 nghìn tỷ đồng (708,3 triệu USD).

Chi phí dự phòng giảm 10,6% so cùng kỳ xuống còn 7.440 tỷ đồng (303 triệu USD), thúc đẩy lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng 17,2% so cùng kỳ- vượt trội đáng kể so với tỷ lệ tăng trưởng của ngành (-3,32% so cùng kỳ).

Theo VNDirect, mặc dù gặp phải nhiều trở ngại gần đây, VietinBank đã quản lý danh mục cho vay của mình một cách khá hiệu quả khi tỷ lệ NPL giảm nhẹ xuống còn 1,37% vào cuối quý 3/2023 so với 1,42% vào cuối quý 3/2022.

Với Techcombank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 3/2023 giảm 13% so cùng kỳ, xuống 5.843 tỷ đồng (238 triệu USD) do chi phí hoạt động và dự phòng tăng.

Mặc dù NIM quý 3/2023 giảm xuống 4,3% (-0,9% so cùng kỳ) nhưng vẫn cải thiện hơn so với quý trước khoảng 0,4 điểm %. CIR trong quý 3/2023 tăng lên 34,8% so với mức 30,8% trong quý 2/2023. Tỷ lệ NPL tăng lên mức 1,4% (quý 2/2023: 1,1%; quý 1/2023: 0,8%).

Mặc dù vậy, VNDirect cho rằng tín hiệu tích cực khi nợ nhóm 2 chỉ chiếm 1,3% dư nợ cho vay, thấp hơn so với quý trước (2% dư nợ). Dư nợ cho cho vay của Techcombank trong quý 3/2023 tăng lên 1,9% so với quý trước (quý 2/2023: + 0,2% so với quý trước), tương đương với mức tăng trưởng cho vay là 13,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng hệ thống khoảng 7% và gần chạm hạn mức tín dụng 14,1% vào năm 2023.

Với HDBank, ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 3.147 tỷ đồng (128 triệu USD) do thu nhập ngoài lãi tăng và chi phí dự phòng giảm.

NIM đạt 4,5% (+0,5 điểm % so cùng kỳ). CIR quý 3/2023 vẫn ở mức 37,8%, tăng nhẹ so với mức 37,1% trong quý 3/2022. Kể từ quý 2/2022, tỷ lệ NPL bắt đầu tăng và đến quý 3/2023, NPL đạt 2,3% (+0,1 điểm % so với quý trước).

Nhu cầu tín dụng tại HDBank bắt đầu phục hồi trở lại khi tăng trưởng cho vay đến cuối quý 3/2023 đạt 10,6% so với đầu năm từ mức 8,9% so với đầu năm vào cuối quý 2/2023. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng tín dụng hệ thống đến cuối quý 3/2023 (~7% so với đầu năm) nhưng thấp hơn nhiều so với hạn mức tín dụng 25% vào năm 2023.

Với ACB, ngân này ghi nhận lãi trước thuế hợp nhất quý 3/2023 tăng 12,5% so cùng kỳ, đạt 5.035 tỷ đồng (205 triệu USD), chủ yếu nhờ thu nhập ngoài lãi. NIM quý 3/2023 giảm xuống mức 4,0% (+0,5 điểm % so cùng kỳ).

Đáng chú ý, COF quý 3/2023 ghi nhận mức tăng lần đầu tiên (0,5 điểm % so với quý trước) kể từ quý 2/2022. CIR quý 3/2023 tăng lên 34,0% từ mức nền thấp khoảng 31% trong 6 tháng đầu năm 2023. Kể từ quý 4/2022, tỷ lệ NPL liên tục tăng và ghi nhận mức tăng khoảng 1,2% trong quý 3/2023.

Tuy nhiên, nợ nhóm 2 chiếm 0,8% dư nợ, thấp hơn quý trước (0,9% dư nợ). Dư nợ cho vay của ACB trong quý 3/2023 tiếp tục tăng 3,6% so với quý trước, tương ứng với mức tăng trưởng cho vay 8,7% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng hệ thống ~7% so với đầu năm, nhưng thấp hơn nhiều so với hạn mức tín dụng 14,5% trong năm 2023.

Với VIB, ngân hàng này cũng ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất của quý 3/2023 giảm 3,9% so cùng kỳ xuống 2.683 tỷ VND (109 triệu USD). NIM trong quý 3/2023 giữ nguyên so với cùng kỳ do chi phí dự phòng cao nhưng giảm 0,3% so với quý trước.

Tỷ lệ CIR của quý 3/2023 giảm xuống 28,5%, duy trì xu hướng giảm từ quý 4/2022. Tỷ lệ NPL gần như không đổi so với quý trước, đạt 2,47% trong quý 3/2023 so với 2,45% trong quý 2/2023 và 1,72% trong quý 3/2022.

Tỷ lệ dự phòng/ nợ xấu của quý 3/2023 đã cải thiện lên 41,4% so với 39,1% quý 2/2023. Nhu cầu tín dụng tại VIB đã có sự phục hồi mạnh mẽ khi tăng trưởng cho vay tăng lên 5,9% so với đầu năm vào cuối quý 3/2023 từ mức 1,2% so với đầu năm vào cuối quý 2/2023. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng của hệ thống (khoảng 7% so với đầu năm vào quý 3/2023) và thấp hơn so với hạn mức tín dụng 14% năm 2023.

Đáng chú ý, chỉ duy nhất có MBBank là ngân hàng có kết quả kinh doanh cao hơn ước tính. Cụ thể,vào cuối quý 3/2023, MBBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng so với đầu năm là 13,7%, cao hơn so với tăng trưởng của ngành (7%).

Theo xu hướng của ngành, NIM tại quý 3/2023 giảm 74 điểm cơ bản so với cùng kỳ xuống còn 5,03%, nhưng vẫn duy trì không đổi so với quý trước. CIR tại Q3/2023 giảm mạnh xuống còn 27,6% - mức thấp nhất kể từ năm 2016, thúc đẩy lợi nhuận trước dự phòng tăng 20,3% so cùng kỳ. Tuy nhiên, vào cuối quý 3/2023, NPL của ngân hàng tăng lên 1,89% - mức cao nhất kể từ năm 2016.

Lộ diện ngân hàng có lãi suất tiết kiệm cao nhất tháng 11/2023

Bước sang tháng 11/2023, đa số các ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm, hiện MBBank đang là ngân hàng niêm ...

Lộ diện quán quân lợi nhuận ngành ngân hàng

Sau khi hàng chục ngân hàng công bố báo cáo tình hình kinh doanh quý III/2023, nhà băng giữ “ngôi vương” về lợi nhuận cũng ...

Thùy Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán