Ngành bán lẻ trước sóng gió thuế quan: PNJ, Doji đối mặt thách thức kép

05/05/2025 - 09:55
(Bankviet.com) Báo cáo ngành bán lẻ từ Chứng khoán KIS cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tăng trong quý I/2025 nhờ GDP và xuất khẩu khởi sắc. Tuy nhiên, rủi ro thuế quan có thể làm chậm đà phục hồi ở các chuỗi điện máy và trang sức.
Báo cáo - Phân tích

Ngành bán lẻ trước sóng gió thuế quan: PNJ, Doji đối mặt thách thức kép

Anh Vũ 05/05/2025 09:15

Báo cáo ngành bán lẻ từ Chứng khoán KIS cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tăng trong quý I/2025 nhờ GDP và xuất khẩu khởi sắc. Tuy nhiên, rủi ro thuế quan có thể làm chậm đà phục hồi ở các chuỗi điện máy và trang sức.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng ngành bán lẻ quý I/2025, Chứng khoán KIS ghi nhận sự cải thiện đáng kể về nhu cầu tiêu dùng so với quý trước, nhờ các yếu tố vĩ mô tích cực như GDP tăng trưởng 6,9% và xuất khẩu tăng mạnh 10,6% so với cùng kỳ. Sự khởi sắc này đã kéo theo thu nhập và sức mua của người tiêu dùng, giúp các chuỗi bán lẻ điện tử – điện máy ghi nhận doanh thu tăng trưởng tích cực.

a12.jpg
Theo KIS, đối với trang sức bán lẻ như PNJ và Doji sẽ gặp khó khăn trong cả hai đầu sản xuất và tiêu thụ

Tuy nhiên, KIS cũng đưa ra cái nhìn thận trọng cho phần còn lại của năm 2025. Các bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan nếu diễn biến theo chiều hướng tiêu cực có thể sẽ tạo áp lực lớn lên nền kinh tế và ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng. Một mặt, tâm lý tiêu dùng có thể suy yếu do niềm tin người dân giảm trước bối cảnh bất định; mặt khác, nếu sản xuất công nghiệp chậm lại vì xuất khẩu suy yếu, thu nhập người dân sẽ giảm, kéo theo khả năng chi tiêu đi xuống.

Đặc biệt, các mặt hàng không thiết yếu như điện tử – điện máy và trang sức bán lẻ được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất. KIS cảnh báo đà hồi phục doanh thu và lợi nhuận của các chuỗi như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hay FPT Shop có thể chậm lại khi giá sản phẩm công nghệ bị đội lên do chi phí sản xuất tăng từ cuộc chiến thuế quan. Trong bối cảnh cầu tiêu dùng yếu, các nhà bán lẻ có thể buộc phải cắt giảm chiết khấu, làm giảm biên lợi nhuận để giữ sức mua.

a1.jpg
Tăng trưởng doanh thu của các chuỗi bán lẻ điện tử - điện máy gắn liền với điều kiện kinh tế vĩ mô. (Nguồn: Công ty, KIS Research)

Với nhóm trang sức, các thương hiệu lớn như PNJ hay Doji được dự báo sẽ đối mặt với thách thức kép: Giá vàng tăng đẩy giá trang sức lên cao, làm giảm lực cầu, trong khi nguồn cung vàng nguyên liệu cũng trở nên khan hiếm do người dân có xu hướng giữ vàng không bán ra, kỳ vọng giá còn tiếp tục leo thang.

Ở chiều ngược lại, bán lẻ tạp hóa và dược phẩm lại được đánh giá là điểm sáng. Các chuỗi như Bách Hóa Xanh và Winmart+ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan nhờ quá trình tái cấu trúc và mở rộng hệ thống. Trong quý I/2025, riêng Bách Hóa Xanh đã khai trương khoảng 200 cửa hàng, tiến gần mục tiêu mở 200–400 điểm bán trong cả năm. Tuy nhiên, đà mở rộng này có thể sẽ chậm lại nếu người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu trong các quý tiếp theo.

Trong lĩnh vực bán lẻ dược phẩm, sự phân hóa đang ngày càng rõ nét. Long Châu được xem là đầu tàu với tốc độ mở rộng ấn tượng, dự kiến bổ sung 75–100 nhà thuốc và 15 trung tâm tiêm chủng mỗi quý. Trái lại, Pharmacity có kế hoạch phát triển chậm hơn, còn An Khang khả năng sẽ tạm thời giữ nguyên số lượng cửa hàng, tập trung hướng tới mục tiêu hòa vốn.

Tổng thể, bất chấp những khó khăn ngắn hạn do yếu tố thuế quan, KIS vẫn đánh giá ngành bán lẻ Việt Nam đầy tiềm năng trong trung và dài hạn. Trong vòng 3–5 năm tới, xu hướng tăng thu nhập bình quân, dân số trẻ và quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục là động lực then chốt giúp chi tiêu tiêu dùng tăng trưởng bền vững.

Trong đó, phân khúc bán lẻ bách hóa – đặc biệt là các mô hình siêu thị mini được đánh giá là mảng tăng trưởng hấp dẫn nhất khi chiếm tới 50% tổng giá trị ngành bán lẻ nhưng tỷ trọng kênh hiện đại mới chỉ đạt hơn 12%, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khu vực như Thái Lan hay Malaysia (khoảng 50%). Khi thu nhập tăng, người tiêu dùng sẽ dần rời xa chợ truyền thống để đến với các kênh hiện đại hơn nhờ yếu tố tiện lợi – một xu thế đã được chứng minh tại nhiều nền kinh tế phát triển.

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán