VPBank mới đây đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn với khung lãi suất huy động vốn trong khoảng 3,2%/năm - 6,3%/năm, áp dụng cho phân khúc khách hàng cá nhân gửi trực tiếp tại quầy, nhận lãi cuối kỳ.
Cụ thể, đối với hạn mức tiền gửi dưới 300 triệu, khung lãi suất triển khai cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 36 tháng điều chỉnh từ 0,1%/năm đến 0,2%/năm, nằm trong khoảng 3,2%/năm - 5,1%/năm.
Với hạn mức tiền gửi từ 300 triệu - dưới 3 tỷ đồng, lãi suất được điều chỉnh tăng từ 0,05%/năm đến 0,5%/năm. Trong khi đó lãi suất huy động tăng từ 0,1 đến 0,6 điểm phần trăm so với tháng trước với hạn mức từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng.
Đáng chú ý với hạn mức từ 10 tỷ đồng trở lên, lãi suất tăng từ 0,3%/năm lên đến 0,9%/năm.
Ngoài ra, kênh tiền gửi online tại VPBank cũng điều chỉnh tăng so với tháng trước. Lãi suất được triển khai cho hình thức tiết kiệm online cao hơn từ 0,2 đến 0,5 điểm % so với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy ở tất cả các kỳ hạn gửi.
Thời gian gần đây, VPBank cũng cho ra mắt sản phẩm tiết kiệm Prime Savings với ưu đãi nhân đôi lãi suất trong tháng đầu tiên cho khách hàng gửi tiết kiệm online.Theo đó, lãi suất tiết kiệm tháng đầu tiên tại ngân hàng lên tới 10,6%/năm với số tiền từ 300 triệu đồng trở lên và 10,2%/năm với mức tiền gửi dưới 300 triệu đồng đối với các kỳ hạn từ 15 - 36 tháng.
Lãi suất tiết kiệm VPBank áp dụng từ ngày 4/1. (Nguồn: VPBank)
Một ngân hàng tư nhân khác cũng điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động ngay dịp đầu năm là Sacombank.
Theo đó, đối với hình thức gửi tại quầy, biểu lãi suất tăng khoảng 0,2 điểm %. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 36 tháng tăng từ 6,1%/năm lên 6,3%/năm; lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,5%/năm lên 5,8%/năm hay lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng từ 4,3%/năm lên 4,6%/năm.
Ngân hàng cũng điều chỉnh tăng lãi suất từ 0,2 - 0,3 điểm % đối với hình thức gửi tiết kiệm online đối với hầu hết kỳ hạn. Trước đó, vào giữa tháng 10, ngân hàng này cũng điều chỉnh khá mạnh lãi suất, tăng khoảng 0,4% - 0,6%/năm tại một số kỳ hạn.
Biểu lãi suất gửi tại quầy của Sacombank (Nguồn: Sacombank)
Từ ngày 4/1/2022, SHB cũng công bố biểu lãi suất mới. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 18 tháng theo sản phẩm Tiết kiệm Đại lợi ghi nhận ở mức 6,6%, trong khi lãi suất cao nhất tháng 12 chỉ ở 6,35% đối với các khoản tiền gửi online kỳ hạn từ 18-36 tháng.
Ngoài ra, ngân hàng cũng phát hành Chứng chỉ tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với mức lãi suất từ 7%/năm - 7.2%/năm.
Theo tổng hợp của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động (LSHĐ) trung bình tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 12/2021 đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng.
Nhóm ngân hàng có gốc quốc doanh là nhóm duy nhất không điều chỉnh lãi suất trong tháng 12. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,775%/năm trong tháng thứ 7 liên tiếp; trong khi lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 5 tháng.
Trong khi đó, nhóm Ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ (vốn dưới 5.000 tỷ đồng) và nhóm ngân hàng TMCP quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) cùng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong tháng 12, đối với cả kỳ hạn 6 tháng và kỳ hạn 12 tháng.
Đối với kỳ hạn 6 tháng, NHTMCP quy mô nhỏ và NHTMCP quy mô lớn tăng lần lượt 0,07 và 0,05 điểm phần trăm, lên mức 5,48% và 4,47%/năm. Đối với kỳ hạn 12 tháng, 2 nhóm ngân hàng này có mức điều chỉnh lần lượt là 0,04 và 0,06 điểm phần trăm, lên mức 6,06% và 5,31%/năm.
BVSC đánh giá mặt bằng lãi suất năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25%-0,5%), nhất là trong nửa cuối của năm 2022.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam