Ngày 15/5/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 52/2024/NĐ-CP (Nghị định số 52) quy định về thanh toán không dùng tiền mặt. Nghị định 52 có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung). Chia sẻ tại Hội nghị trực tuyến phổ biến Nghị định số 52 của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng khẳng định, Nghị định số 52 là văn bản pháp lý quan trọng về lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, có ảnh hưởng rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan; góp phần tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số ngành Ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới, tiện ích, an toàn với chi phí hợp lý.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng phát biểu tại hội nghị |
Nhìn lại chặng đường đã qua, năm 2015 - 2016, tỷ lệ người dân mở tài khoản thanh toán ở Việt Nam là 31%, còn hiện tại con số này đã đạt 87%, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh đây là mức tăng trưởng vượt bậc. Bên cạnh đó, nếu vào năm 2019, Việt Nam có 1 tỷ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt/năm thì hiện tại đã có 9 tỷ giao dịch/năm, cho thấy sự phát triển với quy mô lớn của thanh toán số. Có ngân hàng đã đạt tỷ lệ khách hàng cá nhân giao dịch trên kênh số đạt 99% và tỷ lệ khách hàng tổ chức đạt trên 80%.
“Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó là những mối nguy cơ và thách thức mới đặt ra liên quan đến vấn đề an toàn, bảo mật. Chính vì vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý, đáp ứng các yêu cầu phát triển mới của dịch vụ thanh toán là vô cùng cần thiết” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Thông tin thêm về Nghị định số 52, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mục tiêu ban hành Nghị định số 52 đó là góp phần bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của các hệ thống thanh toán trong nền kinh tế, đảm bảo an ninh tiền tệ quốc gia; Đồng thời, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, hạn chế sử dụng tiền mặt trong thanh toán nhằm tạo sự minh bạch trong giao dịch tài chính, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; góp phần thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.
Phát triển thanh toán số, ngân hàng tiến gần hơn tới nền kinh tế không tiền mặt |
Ông Tuấn cho biết Nghị định số 52 đã bổ sung một số quy định mới về tiền điện tử như: định nghĩa, làm rõ bản chất của tiền điện tử; quy định cụ thể các hình thức thể hiện của tiền điện tử được sử dụng trong hoạt động thanh toán bao gồm ví điện tử, thẻ trả trước; đối tượng cung ứng tiền điện tử bao gồm: ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với cung ứng dịch vụ ví điện tử và thẻ trả trước; và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử liên kết với tài khoản thanh toán của khách hàng mở tại ngân hàng.
Ngoài ra, Nghị định 52 cũng bổ sung một số quy định mới về thanh toán quốc tế đó là: làm rõ khái niệm thanh toán quốc tế, hệ thống thanh toán quốc tế; vai trò quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước đối với thanh toán quốc tế; quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam ra nước ngoài, thực hiện dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế; quy định việc chấp thuận tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và điều kiện để được chấp thuận.
Nghị định 52 cũng bổ sung một số hành vi bị cấm như: Mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán, ví điện tử nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản thanh toán, ví điện tử để hoạt động phi pháp, các hành vi liên quan đến dịch vụ thanh toán và trung gian thanh toán…