Quy chế này quy định về nguyên tắc chế độ làm việc, trách nhiệm, quyền hạn và mối quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Phòng chống tham nhũng và tội phạm ngành Ngân hàng (gọi tắt là Ban Chỉ đạo), Ban Chỉ đạo tại các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Theo đó Bí thư Ban cán sự Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước làm Trưởng Ban chỉ đạo, một Phó Thống đốc làm Phó Trưởng ban chỉ đạo thường trực, Chánh thanh tra, giám sát NHNN làm Phó Trưởng ban chỉ đạo. Ngoài ra, Ban Chỉ đạo còn có thành phần là các thủ trưởng một số đơn vị thuộc NHNN, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) một số tổ chức tín dụng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, Chủ tịch HĐTV Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam.
Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho Ban cán sự Đảng NHNN và Thống đốc NHNN xây dựng chương trình kế hoạch biện pháp tổ chức thực hiện các quy định về pháp luật phòng chống tham nhũng và tội phạm. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị ngành ngân hàng triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch về phòng chống tham nhũng và tội phạm.
Ban Chỉ đạo sẽ chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc khi xét thấy cần thiết tại các tổ chức, cá nhân ngành ngân hàng nêu trên. Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo các đơn vị ngành Ngân hàng phối hợp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra và các cơ quan khác trong công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm...
Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp việc cho Ban Chỉ đạo, chỉ đạo các cá nhân, đơn vị trực thuộc nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch công tác định kỳ, đột xuất của Ban Chỉ đạo; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị thực hiện có hiệu quả pháp luật phòng chống tham nhũng và tội phạm.
Cơ quan Thanh tra giám sát là đầu mối nhận thông tin, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất, báo cáo tình hình vụ việc từ các đơn vị các và tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo và Trưởng Ban chỉ đạo.
Tại cơ quan như Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố; các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng phải thành lập Ban chỉ đạo. Người đứng đầu cấp ủy hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đảm nhiệm vị trí Trưởng Ban chỉ đạo. Các chức danh còn lại do Trưởng Ban chỉ đạo phân công phù hợp với tình hình hoạt động của đơn vị. Riêng Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Chánh thanh tra, giám sát đảm nhiệm vị trí Phó Trưởng Ban chỉ đạo thường trực.
Căn cứ Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng, thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm kiện toàn Ban Chỉ đạo và xây dựng Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tại đơn vị mình.
Ban Chỉ đạo định kỳ họp 6 tháng một lần và phải kết luận cuộc họp về Ban Chỉ đạo về Ban Chỉ đạo ngành Ngân hàng.
Bùi Trang
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)