Thống đốc Nguyễn Thị Hồng tham dự hội nghị tại điểm cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
Đây là hai sự kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ hợp tác tài chính – tiền tệ khu vực ASEAN, diễn ra thường niên và nằm trong chuỗi các Hội nghị cấp cao ASEAN năm 2022, do Ngân hàng Quốc gia và Bộ Tài chính Campuchia chủ trì.
Tham dự Hội nghị gồm các lãnh đạo đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ của 10 quốc gia thành viên ASEAN, đại diện Ban Thư ký ASEAN, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và hiệp hội doanh nghiệp: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Cơ quan Giám sát Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Ngân hàng Thế giới (WB), Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (US-ABC), Hội đồng kinh doanh châu Âu – ASEAN (EU-ABC) và Hội đồng kinh doanh ASEAN (ABAC). Các Hội nghị tập trung thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô khu vực và thế giới, tiến trình hội nhập tài chính – ngân hàng 2025, tài chính bền vững…
Với chủ đề của năm ASEAN 2022 “ASEAN chung tay ứng phó với các thách thức” (Addressing Challenges Together), Ngân hàng Quốc gia và Bộ Tài chính Campuchia đã lựa chọn 04 nội dung ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, bao gồm: (i) Tăng cường khoa học, công nghệ và kết nối số; (ii) Thu hẹp khoảng cách phát triển vì sự cạnh tranh của khu vực ASEAN; (iii) Thúc đẩy khu vực ASEAN hội nhập, toàn diện, có khả năng phục hồi; và (iv) Phát triển một ASEAN vì mục tiêu tăng trưởng toàn cầu. Các đại biểu đánh giá các nội dung ưu tiên hợp tác do nước chủ nhà đề xuất hết sức thiết thực trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.
Tại hội nghị, AMRO dự báo tăng trưởng khu vực ASEAN sẽ đạt khoảng 5.1% với mức lạm phát khoảng 4.1% trong năm 2022. Các tổ chức quốc tế chia sẻ nhận định về việc ASEAN sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới như rủi ro lạm phát do ảnh hưởng của căng thẳng giữa Nga – Ucraina và xu hướng tăng lãi suất của các NHTW lớn… Một số chính sách được các tổ chức quốc tế khuyến nghị tới các quốc gia ASEAN để xem xét, nghiên cứu bao gồm: (i) Thiết kế chính sách an toàn vĩ mô phù hợp để huy động nguồn lực dành cho khu vực sản xuất và dịch vụ; (ii) Tăng cường hợp tác trong khu vực; (iii) Tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xanh và phát triển toàn diện….
Được biết, đây là năm thứ 3 liên tiếp các nhà lãnh đạo NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN gặp mặt qua hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Các Thống đốc và Bộ trưởng ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của quốc gia chủ trì và các Nhóm công tác trong việc đã tích cực phối hợp và triển khai hiệu quả các sáng kiến; đồng thời, dành thời gian chỉ đạo định hướng hợp tác nhằm thúc đẩy sớm hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) 2025.
Về phía NHNN, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đánh giá cao các kết quả đạt được của các Nhóm công tác (WCs) trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và đề nghị các WCs tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu có nhiều biến động.
Thống đốc nhấn mạnh tầm quan trọng của Nhóm Công tác tự do hóa tài khoản vốn (WC-CAL) trong việc theo dõi tình hình dòng vốn và chia sẻ khuôn khổ thực tiễn an toàn vĩ mô khi điều kiện tài chính toàn cầu đang đối mặt với nhiều rủi ro. Đồng thời, NHNN đánh giá cao hoạt động của Nhóm Công tác Khuôn khổ hội nhập ngân hàng ASEAN (WC-ABIF) khi đã kịp thời hoàn thành Nghiên cứu về bối cảnh tài chính của các nước ASEAN hướng tới hội nhập ngân hàng trong kỷ nguyên kỹ thuật số.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng hoan nghênh các hoạt động của Nhóm Công tác về Hệ thống thanh toán (WC-PSS) trong việc xây dựng mạng lưới liên kết bán lẻ xuyên biên giới và thanh toán bằng mã QR để cung cấp các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới tức thì với chi phí thấp…
Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội kinh doanh ASEAN, US – ASEAN và EU – ASEAN đánh giá cao tiềm năng của khu vực ASEAN. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ quan tâm và chia sẻ về mong muốn mở rộng đầu tư tại các quốc gia ASEAN trong thời gian tới. Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, các Hiệp hội kinh doanh đưa ra một số khuyến nghị các nước để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh đặc biệt là: Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững; Giảm bớt các rào cản thương mại; Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp luật; Đẩy mạnh chuyển đổi số; Tăng cường đầu tư vào giáo dục để đón đầu xu hướng phát triển trong tương lai…
NHNN đánh giá cao các nỗ lực chung của NHTW và Bộ Tài chính ASEAN trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu trong khuôn khổ AEC 2025. NHNN cam kết tiếp tục đóng góp chung vào tiến trình hội nhập tài chính – tiền tệ đang được diễn ra theo cả chiều rộng và chiều sâu của khu vực ASEAN.
Hội nghị Thống đốc NHTW và Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ 9 năm 2023 sẽ được tổ chức tại Indonesia.