Thông tư 02 sắp hết hạn: Cơ hội và thách thức cho hệ thống tài chính

11/12/2024 - 19:08
(Bankviet.com) Thông tư 02, với hiệu lực kéo dài đến cuối năm 2024, đã tạo điều kiện để các ngân hàng và doanh nghiệp tái cơ cấu tài chính. Tuy nhiên, khi thời hạn này sắp kết thúc, các ngân hàng đối mặt với áp lực lớn trong việc kiểm soát nợ xấu, duy trì an toàn vốn và tối ưu hóa danh mục cho vay nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống tài chính.

Nợ xấu và tỷ lệ bao phủ: Những thách thức hiện hữu

Thông tư 02 cho phép gia hạn thời gian tái cơ cấu nợ xấu mà không làm tăng ngay lập tức tỷ lệ nợ xấu nội bảng. Tuy nhiên, khi chính sách này hết hiệu lực vào cuối năm 2024, các ngân hàng sẽ phải phân loại lại tài sản và đối mặt với thách thức lớn trong việc trích lập dự phòng nợ xấu. Theo báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết, tổng nợ xấu trong 9 tháng đầu năm 2024 đã đạt 259 nghìn tỷ đồng, tăng gần 28% so với đầu năm.

khi thời hạn này sắp kết thúc, các ngân hàng đối mặt với áp lực lớn trong việc kiểm soát nợ xấu
Khi thời hạn Thông tư 02 sắp kết thúc, các ngân hàng đối mặt với áp lực lớn trong việc kiểm soát nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu toàn ngành (NPL) đạt gần 3% trong quý III/2024, cao hơn mức trung bình 2,7% đầu năm. Một số ngân hàng như Nam Á Bank và Ngân hàng Quốc Dân (NCB) ghi nhận tỷ lệ NPL vượt mức an toàn, lần lượt là 4,5% và 30,6%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) – công cụ phòng thủ quan trọng – cũng giảm mạnh, từ 140% năm 2022 xuống còn 82% năm 2024, mức thấp nhất trong 5 năm qua. Điều này cho thấy các ngân hàng đang trích lập dự phòng ít hơn so với rủi ro nợ xấu tiềm tàng.

Các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBankBIDV duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%, tạo bộ đệm an toàn trước rủi ro tín dụng. Ngược lại, các ngân hàng bán buôn và bán lẻ như MBBank, ACBVPBank gặp khó khăn trong việc tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng kiểm soát nợ xấu khi Thông tư 02 hết hiệu lực.

Dự kiến, khi chính sách hỗ trợ này không còn, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có thể tăng thêm từ 1-2%, đặt ra áp lực lớn lên hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định sự gia tăng này vẫn nằm trong tầm kiểm soát nếu các ngân hàng chủ động nâng cao năng lực quản trị rủi ro và tăng trích lập dự phòng.

Quản trị rủi ro và chiến lược sau khi Thông tư 02 kết thúc

Các ngân hàng đang áp dụng chiến lược khác nhau để quản lý danh mục cho vay, tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro tín dụng. Nhóm ngân hàng quốc doanh tập trung vào các khoản vay thương mại và bán lẻ (chiếm 40,1%), đồng thời duy trì tỷ trọng thấp ở lĩnh vực bất động sản, giúp giảm thiểu rủi ro dài hạn.

Ngược lại, các ngân hàng bán buôn như Techcombank và VPBank có xu hướng tập trung vào bất động sản và công nghiệp, dẫn đến rủi ro tín dụng cao hơn. Các ngân hàng bán lẻ như ACB và LPBank hướng tới khách hàng cá nhân, tập trung vào cho vay tiêu dùng, nhưng phải đối mặt với nguy cơ cao hơn từ các khoản vay nhỏ lẻ.

Khi Thông tư 02 không còn hiệu lực, hệ thống ngân hàng sẽ phải đối mặt với áp lực tái phân loại các khoản nợ tái cơ cấu và tăng trích lập dự phòng. Quyết định không gia hạn từ Ngân hàng Nhà nước được xem là bước đi cần thiết để đưa hệ thống tài chính vào quỹ đạo minh bạch và bền vững hơn.

Việc không kéo dài Thông tư 02 giúp các ngân hàng quay trở lại chiến lược kinh doanh thực chất, cải thiện chất lượng tài sản và tăng cường khả năng phòng thủ trước rủi ro tín dụng. Đây cũng là cơ hội để định giá cổ phiếu ngân hàng phản ánh đúng tiềm năng và hiệu quả hoạt động, khi lợi nhuận được cải thiện từ nền tảng chất lượng tài sản thực tế.

Gia hạn thời gian chuyển nhóm nợ, nỗi lo nợ xấu có giảm bớt?

Việc kéo dài Thông tư 02 giúp các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hiệu quả hơn. Tuy nhiên thực tế ...

Cân nhắc gia hạn thời gian cơ cấu nợ

Thông tư 02/2023/TT-NHNN, quy định thời gian cơ cấu nợ, được sửa đổi bởi Thông tư 06/2024/TT/NHNN, là một giải pháp tình thế cần thiết ...

Lợi nhuận ngân hàng tăng chậm lại

Áp lực trích lập dự phòng rủi ro gia tăng khiến lợi nhuận ngân hàng chững lại trong quý IV/2024. Tỷ lệ nợ xấu toàn ...

Trang Nhi

Trang Nhi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán