Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh chụp qua màn hình |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh cho biết hoạt động cho vay luôn tiềm ẩn rủi ro khách hàng vay vốn không trả được nợ. Vì vậy, các TCTD thường yêu cầu người vay phải có tài sản bảo đảm cho số tiền vay. Bên cạnh các loại tài sản bảo đảm phổ biến như quyền sử dụng đất, nhà ở hoặc các tài sản khác gắn liền với đất…, Bộ Luật Dân sự năm 2015 cũng thừa nhận hàng hóa luân chuyển là một loại tài sản thế chấp.
Tuy nhiên, hàng hóa luân chuyển dù đã thế chấp nhưng vẫn được bán, thay thế, trao đổi trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Các quy định pháp lý cho phép bên thế chấp có quyền bán tài sản thế chấp mà bên nhận thế chấp không có quyền thu hồi tài sản thế chấp đó, kể cả khi hàng hóa luân chuyển được đăng ký giao dịch bảo đảm. Từ đó phát sinh tranh chấp giữa TCTD với bên mua, trao đổi tài sản thế chấp (bên có quyền khác). Trên thực tế, để phòng ngừa rủi ro xảy ra, bên nhận thế chấp buộc phải tìm nhiều cách ràng buộc thêm bằng cách thêm vào các nội dung thỏa thuận giống với hợp đồng cầm cố, chỉ định bên thứ ba quản lý kho hàng, trực tiếp giữ chìa khoá và bố trí bảo vệ kho hàng.
“Nhằm tạo cơ hội cho các cán bộ của các tổ chức hội viên trau dồi kiến thức, học tập kinh nghiệm của các nước về cho vay dựa trên hàng hóa luân chuyển, Hiệp hội Ngân hàng phối hợp với Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm – Bộ Tư pháp và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo “Thực tiễn quốc tế tốt nhất về tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh”. Hội thảo tập trung vào các nội dung về quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam về tài sản bảo đảm là hàng hoán luân chuyển trong kinh doanh; tranh chấp tín dụng trong tài trợ kho hàng; kinh nghiệm quốc tế cũng như giải pháp thúc đẩy sự phát triển tài trợ hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh...” – ông Nguyễn Hoàng Minh nói.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm phát biểu tại Hội thảo. Ảnh chụp qua màn hình
Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp Việt Nam cho biết trong lĩnh vực bảo đảm, bên tài trợ vốn cũng như bên được tài trợ vốn vẫn ưa thích tài sản bảo đảm là bất động sản vì đây là tài sản có bằng chứng và giá trị pháp lý. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường ngày càng phát triển, tài trợ vốn bằng động sản ngày càng tăng, bảo đảm bằng hàng hóa luân chuyển áp dụng ngày càng phổ biến trên thế giới và Việt Nam.
Việt Nam đang hội nhập và độ mở nền kinh tế rất cao, xu hướng bảo đảm bằng hàng hóa luân chuyển tất yếu gia tăng và thúc đẩy phát triển kinh tế chung. Trên thực tế, để đảm bảo quyền lợi và hạn chế rủi ro cho các bên chủ thể tham gia thị trường, Việt Nam không ngừng hoàn thiện hàng lang pháp lý. Nhưng sự phát triển quá nhanh các chu kỳ kinh doanh thương mại, chuỗi cung ứng vốn và những vấn đề khó khăn trong xử lý vấn đề nghiệp vụ liên quan, trong thể chế có nhiều khoảng trống và khoảng trống lớn nhất là chưa không bao quát được sự dịch chuyển của thị trường. Chúng ta còn thiếu kinh nghiệm pháp lý và nghiệp vụ trong giao dịch, khi thực hiện đăng ký các giao dịch bảo đảm liên quan hàng hóa luân chuyển, đôi khi sự mô tả hàng hóa luân chuyển gây khó khăn cho cơ quan đăng ký, có trường hợp mô tả là hàng hóa hoặc khoản tiền thu được đối với hàng hóa. Vậy khi đăng ký có hiệu lực trực tiếp với hàng hóa hay với khoản tiền thu được, chúng ta cần nhận diện để thực hiện nghiệp vụ tốt hơn, hạn chế rủi ro.
Theo đại diện Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm, Bộ Tư pháp, hàng hóa luân chuyển có thể được dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp đảm bảo điều kiện quy định như trên và có thể là đối tượng của các biện pháp cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, bảo lưu quyền sở hữu hoặc cầm giữ tài sản. Việc bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm bằng hàng hóa luân chuyển có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ chung của bên nhận bảo đảm, bên bảo đảm.
Một cơ chế pháp lý đặc thù được áp dụng đối với thế chấp hàng hóa luân chuyển đó là bên thế chấp hàng hóa luân chuyển lại được quyền bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh mà không cần có sự đồng ý của bên nhận bảo đảm. Sự khác biệt từ cơ chế pháp lý nêu trên cũng dẫn tới sự khác biệt trong thực hiện quyền truy đòi tài sản của bên nhận bảo đảm đối với tài sản bảo đảm là hàng hóa luân chuyển.
Theo đó, trường hợp tài sản thế chấp này đã bị chuyển giao cho người khác cho dù không có sự đồng ý của bên nhận thế chấp (trừ khi hai bên có thỏa thuận phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp) thì bên nhận thế chấp không được quyền truy đòi đối với hàng hóa luân chuyển đã được chuyển giao mà quyền này được dịch chuyển đến trên quyền yêu cầu bên mua hàng hóa thanh toán tiền, số tiền thu được từ việc bán hàng hóa, tài sản được hình thành từ số tiền thu được do bán hàng hóa, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi.
Ông Jinchang Lai, Chuyên gia trưởng, Nhóm Tư vấn các Định chế Tài chính Khu vực châu Á và Thái Bình Dương, IFC cho biết, hàng năm có khoảng 500.000 đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên động sản được đăng ký tại cơ quan đăng ký, trong số đó, có khoảng 110.000 đăng ký liên quan tới hàng hóa và các khoản phải thu. Số lượng các khoản cấp tín dụng dựa trên các khoản phải thu nhiều hơn số lượng các khoản cấp tín dụng dựa trên hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh.
Việt Nam cần tiếp tục phát triển tài trợ dựa trên hàng hóa luân chuyển trong kinh doanh nói chung; quảng bá và thiết lập thị trường tài trợ kho hàng cùng với thực tiễn về các thỏa thuận giám sát hàng hóa trong kho và quản lý hàng hóa trong kho.
Phần lớn các vụ việc xảy ra là bởi các vấn đề trong thực tiễn hay các vấn đề về môi trường pháp lý. Khoảng trống trong Bộ luật Dân dự 2015 về tài trợ kho hàng có thể được giải quyết thông qua các quy định của Nghị định 21 hoặc các án lệ. “Rủi ro sẽ rất thấp nếu bên cho vay thực sự “theo dõi dòng tiền” và cung cấp các khoản vay tuần hoàn dựa vào chu kỳ vận hành kinh doanh của bên vay. Hãy bám sát biến động của dòng tiền” – ông Jinchang Lai nhấn mạnh.
Ngoài ra, Hội thảo cũng đã lắng nghe những chia sẻ dưới góc nhìn quốc tế của Giáo sư Nguyễn Xuân Thảo, Giáo sư Luật mang học hàm Pendleton Miller, Đại học Washington School of Law về tài trợ kho hàng cũng các trao đổi từ trọng tài viên đến từ Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam về tranh chấp tín dụng trong tài trợ kho hàng.
Bùi Trang