Tin về từ Indonesia, TAR "dẫn đầu" cổ phiếu lúa gạo bứt phá

25/11/2022 - 20:38
(Bankviet.com) Tính đến hết phiên sáng ngày 25/11, cổ phiếu TAR của Trung An được kéo lên mức giá trần 9.700 đồng; LTG của Tập đoàn Lộc Trời cũng tăng 2,8% và PAN cũng tăng 2,28%.

Mới đây, Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Indonesia cho biết, tính đến ngày 22/11/2022, lượng gạo dự trữ quốc gia của Indonesia xuống dưới 600.000 tấn. Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan hậu cần Indonesia cho biết sẽ cần khoảng 150.000 - 200.000 tấn gạo để bình ổn giá thị trường mỗi tháng. Nếu không có nguồn gạo bổ sung lượng gạo dự trữ còn khoảng 300.000 tấn vào cuối năm 2022.

Tin về từ Indonesia, TAR

Theo lãnh đạo của Cơ quan hậu cần Indonesia, cơ quan này đang tích cực mua gạo dự trữ từ trong nước và buộc phải mua theo giá thị trường nhưng vẫn không có đủ gạo để thu mua.

Được biết chủ trương của Chính phủ Indonesia phải đảm bảo đủ lượng gạo dự trữ 1,2 triệu tấn trong thời gian sớm nhất.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Indonesia, sau 3 năm không phải nhập gạo dự trữ quốc gia, quốc gia này dự kiến sẽ phải nhập khẩu 500.000 tấn gạo dự trữ trong năm 2022. Các nguồn thông tin cho thấy, nguồn nhập khẩu dự kiến mà Indonesia đang xem xét đến từ Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và Pakistan.

Do đó, để tranh thủ cơ hội xuất khẩu gạo sang Indonesia các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt, đặc biệt các doanh nghiệp trước đây từng có giao dịch bán gạo dự trữ cho Indonesia cần chủ động gửi bảng giá chào tới Cơ quan hậu cần Indonesia trong thời gian sớm nhất để quảng bá xúc tiến sản phẩm.

Với thông tin được chua là khá tích cực này, ngay phiên sáng 25/11/2022, một số cổ phiếu nhóm nông nghiệp (có mảng buôn gạo) đã tăng hứng khởi. Tính đến hết phiên sáng ngày 25/11, cổ phiếu TAR của Trung An được kéo lên mức giá trần 9.700 đồng; LTG của Tập đoàn Lộc Trời cũng tăng 2,8% và PAN cũng tăng 2,28%.

Tin về từ Indonesia, TAR

Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của Trung An đạt 2.222 tỷ đồng, tăng 23,5%. Sau khi khấu trừ các chi phí, công ty báo lãi 52 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, Trung An đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 47% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Tại ngày 30/9/2022, tổng tài sản của Trung An là 2.751 tỷ đồng, tăng 37,5% so với đầu năm. Trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đa số với 74%, tương đương 2.037,8 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho tính đến cuối tháng 9 của công ty đạt 1.451 tỷ đồng, tăng 43%, chủ yếu đến từ nguyên liệu, vật liệu.

Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của Trung An ở mức 1.570 tỷ đồng, tăng 19% so với số đầu năm. Trong đó, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đến cuối tháng 9 là 1.373 tỷ đồng, cao hơn đầu năm 15%.

Nguồn vốn chủ sở của Gạo Trung An tính đến cuối kỳ đạt 1.180 tỷ đồng, tăng 82% so với số đầu năm. Trong đó, vốn góp của chủ sở hữu tăng từ gần 462 tỷ đồng lên gần 712 tỷ đồng, tăng từ đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và cuối tháng 9 vừa qua.

Còn với Tập đoàn Lộc Trời, quý III/2022, doanh thu thuần đạt 2.736 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp tăng 39%, lên gần 492 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh 90%, còn gần 2 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 38%, lên gần 111 tỷ đồng, bao gồm hơn 66 tỷ đồng chi phí lãi vay.

Chi phí bán hàng tăng 8% lên 186,4 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 58% lên gần 104 tỷ đồng (tăng 58%). Kết quả, LTG báo lãi gần 64 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Kết quả này cũng đã cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng gần 46 tỷ đồng trong quý trước đó.

Lũy kế 9 tháng năm 2022, Lộc Trời ghi nhận doanh thu tăng 21% lên 8.630 tỷ đồng, lãi ròng hơn 203 tỷ đồng, giảm 22% so với cùng kỳ. Về cơ cấu doanh thu, mảng thuốc bảo vệ thực vật mang về hơn 2.980 tỷ đồng (chiếm 34%); thu từ hạt giống cây trồng gần 475 tỷ đồng (chiếm 5%) và các doanh thu khác…

Năm 2022, LTG đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với thực hiện năm 2021. Sau 9 tháng, LTG thực hiện được gần 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Thanh Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán