Theo công bố, quy mô hoạt động của Sacombank tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, tổng tài sản hợp nhất đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng gần 10%, trong đó tài sản có sinh lời tăng 13%.
Tổng huy động đạt 447.000 tỷ đồng với huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 439.000 tỷ đồng.
Dư nợ tín dụng đạt hơn 340.000 tỷ đồng, tăng 15%, phù hợp với hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.
Trong năm qua, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng tiếp tục giảm thêm 16,7% so với năm trước và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về 1,6%.
Hiệu quả kinh doanh cải thiện tích cực, tổng thu nhập tăng hơn 18% so với năm trước, trong đó thu dịch vụ tăng gần 13% với sự đóng góp khá lớn từ mảng bảo hiểm, thẻ và ngân hàng điện tử.
Chi phí điều hành được kiểm soát chặt chẽ, chỉ tăng 6% so với năm trước, tạo điều kiện trích lập dự phòng rủi ro và phân bổ lãi dự thu theo Đề án hơn 5.500 tỷ đồng, tăng 25% và vượt gấp 3 lần so với mục tiêu tại Đề án.
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.339 tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông giao.
Các chỉ số an toàn hoạt động luôn tuân thủ quy định và cải thiện tích cực, đặc biệt là hệ số CAR luôn duy trì trên mức 9%, đảm bảo cân bằng giữa mục tiêu an toàn hoạt động và khai thác hiệu quả nguồn vốn.
Quy mô khách hàng thường xuyên giao dịch của Sacombank đến cuối năm 2020 chạm mốc gần 7 triệu, tăng 14% so với năm trước.
Với mục tiêu lấy khách hàng làm trọng tâm, Sacombank đã đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn khi cơ cấu nợ, miễn/giảm lãi suất gần 9.000 tỷ đồng theo Thông tư 01 của NHNN, triển khai gần 40.000 tỷ đồng các gói tín dụng ưu đãi dành cho cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng về sản phẩm dịch vụ hiện đại, đa tiện ích cho khách hàng.
Trong năm qua, Sacombank đã đầu tư mạnh mẽ vào đổi mới công nghệ và chuyển đổi số, tiên phong ứng dụng các công nghệ hiện đại vào kinh doanh và quản trị điều hành như: Chatbox, định danh điện tử eKYC, thanh toán không tiếp xúc NFC, Tap to phone… Song song đó, các giải pháp tự động hóa, số hóa quy trình bên trong như CRM, LOS, tác nghiệp và phê duyệt online… cũng được đẩy mạnh nhằm rút ngắn thời gian giao dịch, tiết giảm chi phí và gia tăng hiệu suất.
Các dự án quản trị rủi ro theo chuẩn Basel II cũng bám sát lộ trình, đến nay Sacombank đã hoàn thiện trụ cột 1 theo Thông tư 41 và Thông tư 13; triển khai trụ cột 2 theo phương pháp nâng cao và là một trong số ít ngân hàng trong nước xây dựng được hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu rủi ro theo các thông lệ tiên tiến.
Bước sang năm 2021, định hướng trọng tâm của Sacombank là: Tiếp tục tái cơ cấu hoạt động và tạo nền tảng phát triển ngân hàng số với phương châm hoạt động “Vững tâm – Vươn tầm”. Theo đó, ngân hàng sẽ đẩy mạnh tiến trình tái cơ cấu sau sáp nhập; nâng cao trải nghiệm, sự hài lòng và niềm tin của khách hàng; đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số; tăng cường quản trị rủi ro, giám sát toàn diện hoạt động hệ thống và nâng cao quy mô, năng suất và hiệu quả hoạt động.
Vũ Hằng
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)