Regal Group sau quý 1: Lãi giảm 75%, tiền mặt còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng

03/05/2025 - 19:48
(Bankviet.com) Regal Group báo lãi ròng hơn 10 tỷ đồng quý 1/2025, nhưng tồn kho tăng, dòng tiền âm và phần lớn tiền mặt bị ‘bốc hơi’.
Chuyển động

Regal Group sau quý 1: Lãi giảm 75%, tiền mặt còn vỏn vẹn hơn 2 tỷ đồng

Kiều Linh 03/05/2025 12:01

Regal Group báo lãi ròng hơn 10 tỷ đồng quý 1/2025, nhưng tồn kho tăng, dòng tiền âm và phần lớn tiền mặt bị ‘bốc hơi’.

Doanh thu và lợi nhuận lao dốc

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, quý 1/2025, Công ty CP Regal Group (mã chứng khoán: RGG) đối mặt với nhiều thách thức tài chính khi kết quả kinh doanh và dòng tiền đều ghi nhận sự sụt giảm mạnh. Doanh thu thuần chỉ đạt 102,2 tỷ đồng, giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh sự co hẹp rõ rệt trong quy mô bán hàng. Lợi nhuận gộp theo đó giảm 46%, chỉ còn 47,3 tỷ đồng. Dù tỷ suất lợi nhuận gộp tăng nhẹ từ 41% lên 46%, mức tăng này không đủ bù đắp phần doanh thu mất đi.

Regal
Regal Group ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm mạnh trong quý 1/2025

Chi phí bán hàng tăng gần 43%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm một nửa, cho thấy doanh nghiệp đang nỗ lực tiết giảm chi phí vận hành nhưng vẫn chưa cân đối được hiệu quả tổng thể. Lợi nhuận khác âm 1,57 tỷ đồng và không còn đóng góp từ công ty liên kết cũng góp phần kéo giảm lợi nhuận. Kết quả là lợi nhuận sau thuế quý 1/2025 còn 10,45 tỷ đồng, giảm 75% so với quý 1/2024. Mức lợi nhuận này hoàn toàn thuộc về cổ đông công ty mẹ, phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sở hữu hoặc tái cơ cấu công ty con.

Trong quý 1/2025, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) cấp mã chứng khoán RGG cho Regal Group với 180 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng.

Trong cơ cấu doanh thu của Regal Group trong kỳ, gần 99% đến từ chuyển nhượng bất động sản nhà ở, đạt 101,1 tỷ đồng. Các mảng từng mang lại doanh thu như môi giới và thực phẩm hoàn toàn biến mất. Mảng dịch vụ quản lý và cho thuê bất động sản bắt đầu ghi nhận, nhưng chiếm tỷ trọng không đáng kể.

Dòng tiền âm, tồn kho đang ‘phình’ to

Điểm sáng trong quý đầu năm 2025 là Regal có sự cải thiện về dòng tiền kinh doanh, ghi nhận +269,3 tỷ đồng so với -46,7 tỷ đồng cùng kỳ. Điều này chủ yếu nhờ thu hồi công nợ và giảm hàng tồn kho. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư âm 89 tỷ đồng và dòng tiền tài chính âm 246 tỷ đồng đã kéo tổng dòng tiền thuần trong kỳ xuống còn -65,7 tỷ đồng. Tiền mặt cuối kỳ chỉ còn vỏn vẹn 2,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức 68,1 tỷ đầu kỳ và 26,7 tỷ cùng kỳ năm ngoái.

Công ty CP Dịch vụ BĐS Đất Xanh vẫn là cổ đông lớn nhất của Regal Group, hiện nắm 55% cổ phần doanh nghiệp này. Các cổ đông lớn khác gồm: Trần Ngọc Thành (15%); Lương Trí Thìn (5,17%).

Theo quan sát, phần lớn tài sản Regal Group vẫn là hàng tồn kho, chiếm tới 71% tổng tài sản, với giá trị hơn 3.575 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng thêm gần 78 tỷ đồng, chủ yếu do tập trung vào các dự án bất động sản dở dang như Regal Legend, Regal Maison và Victoria. Điều này phản ánh nguồn vốn đang bị "đóng băng" trong các công trình chưa hoàn thiện, gây áp lực lớn lên khả năng tạo dòng tiền trong ngắn hạn.

luong.jpg
Thu nhập trong kỳ của dàn lãnh đạo Regal Group

Tổng tài sản Regal Group tăng nhẹ 1,6%, đạt 5.026 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài sản dài hạn lại sụt giảm, trong khi tài sản ngắn hạn chiếm đến 98%, càng làm nổi bật rủi ro từ sự mất cân đối cơ cấu đầu tư. Tài sản cố định hữu hình cũng giảm mạnh do khấu hao hoặc thanh lý, cho thấy Regal chưa tái đầu tư vào hạ tầng trong kỳ.

Báo cáo tài chính mới công bố cho thấy cơ cấu nguồn vốn Regal Group nghiêng về phía nợ vay. Tỷ trọng nợ phải trả chiếm 52,1% tổng nguồn vốn, tăng gần 270 tỷ đồng so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn chiếm tới 91,5% tổng nợ, trong đó vay ngắn hạn tăng lên gần 890 tỷ đồng. Dù có thu hút thêm vốn góp qua phát hành cổ phiếu (90,2 tỷ đồng), phần lớn số tiền này được dùng để trả nợ vay, không phải phục vụ đầu tư mở rộng.

vay.jpg
Phần lớn các khoản vay củ Regal Group đang được thế chấp bằng tài sản dở dang

Tổng dư nợ vay ngân hàng chiếm hơn 1.097 tỷ đồng, trong đó có 669,2 tỷ đồng sẽ đáo hạn ngay trong năm 2025. Ba chủ nợ lớn nhất của Regal là VietinBank (566 tỷ đồng), Liên doanh Việt – Nga (152 tỷ đồng) và VPBank (237 tỷ đồng). Lãi suất vay dao động từ 8,2% – 11,5%/năm, và phần lớn các khoản vay đều được thế chấp bằng tài sản dở dang, tiềm ẩn áp lực nếu thị trường bất động sản chậm phục hồi.

Kiều Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán