Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo VNBA, cho biết, trong lộ trình Việt Nam cam kết hướng tới nền kinh tế phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, ngành tài chính - ngân hàng cũng hướng tới lộ trình tài chính xanh, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc đóng góp nguồn lực trong việc hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ.
Trong kế hoạch hành động của ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 ban hành cuối tháng 7/2023 vừa qua, có đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức, vai trò và năng lực của ngành Ngân hàng trong thực hiện cấp tín dụng cho các ngành/lĩnh vực xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực phát thải cao; phát triển các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đẩy mạnh thực hiện tăng trưởng xanh; phát triển các mô hình ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) để xanh hoá hoạt động ngân hàng, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; lồng ghép vào trong việc xây dựng có định hướng chuyển đổi kinh doanh của mỗi tổ chức tín dụng để từ đó tăng tỷ trọng và hoạt động tín dụng xanh, cũng như tăng cường quản trị rủi ro về môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng…
Để đạt được các mục tiêu đó, ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định, một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng là đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực ngành Ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Đóng góp cho nhiệm vụ này, trong những năm vừa qua, VNBA đã phối hợp với các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức nhiều chương trình đào tạo nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ ngành Ngân hàng để triển khai tín dụng xanh có hiệu quả. Đặc biệt, kể từ năm 2017 đến nay, VNBA đã liên tục phối hợp với IFC tổ chức các chương trình đào tạo về thẩm định, đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, theo tinh thần Chỉ thị số 03 năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Trong năm nay, VNBA đã phối hợp với IFC xây dựng và phát triển một chương trình đào tạo E-learning về tài chính bền vững. Chương trình đã được đào tạo thử nghiệm cho 100 cán bộ tín dụng của một số ngân hàng và hiện nay đang tiếp tục được đào tạo thử nghiệm cho cán bộ khối khách hàng doanh nghiệp của BIDV. "Chúng tôi kỳ vọng rằng chương trình đào tạo e-learning này sẽ được các ngân hàng đón nhận và ủng hộ để có thể xem xét, lồng ghép vào chương trình đào tạo định hướng, bắt buộc đối với các nhân viên tân tuyển của các ngân hàng. Điều này cũng nhằm đáp ứng theo yêu cầu Thông tư 17 của NHNN", ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Sơn, chương trình đào tạo hôm nay có thể nói là một phiên bản đặc biệt kéo dài trong 3 ngày, đầy đủ và bao trùm từ các kiến thức nền tảng khái niệm về sự phát triển và xu hướng chính của tài chính bền vững, tài chính xanh và tài chính khí hậu đến các kiến thức chuyên môn kỹ thuật về các cơ hội, cách tiếp cận và các tình huống kinh doanh. Đặc biệt, các chuyên gia sẽ chia sẻ và trao đổi về những kiến thức mở rộng về tài chính khí hậu, ví như: Quản trị rủi ro khí hậu, công khai tài chính khí hậu cùng nhiều chủ đề liên quan khác.
Chia sẻ tại buổi đào tạo, ông Thomas Jacobs - Giám đốc Quốc gia, IFC Việt Nam, Campuchia và Lào, bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới VNBA đã đồng tổ chức khóa đào tạo ngày hôm nay. Đây là khóa đào tạo nâng cao năng lực đầu tiên được lên kế hoạch cũng như tổ chức tại Việt Nam liên quan đến lĩnh vực tài chính trong nước.
Ông Thomas cho biết, hiện nay, vấn đề biến đổi khí hậu đã tác động nhiều tới Việt Nam. Để đạt tới mục tiêu đặt ra là “quốc gia có thu nhập cao đến năm 2045”, Việt Nam cần nhận thức được sự cần thiết của những biện pháp can thiệp về biến đổi khí hậu và ngành tài chính cần hỗ trợ rất nhiều cho sự chuyển dịch này. Trong đó, Việt Nam cần 368 tỷ USD cho đến năm 2040 để đạt mục tiêu đề ra, tuy nhiên hiện mới chỉ đáp ứng được hơn một nửa số đó.
Ông Thomas cho rằng, các vấn đề về tài chính xanh, sản phẩm xanh sẽ là “cán cân” để ngân hàng thực hiện các dự án bền vững.
Trong vài ngày tới, chương trình sẽ thảo luận về những nền tảng khái niệm, xu hướng tài chính bền vững, tài chính xanh của các tổ chức tài chính, ngân hàng Việt Nam. Vai trò của khóa đào tạo này là giúp các tổ chức ngân hàng có kiến thức về các vấn đề mới nổi liên quan tới lĩnh vực tài chính - ngân hàng và vấn đề liên quan đến quản lý rủi ro khí hậu, quản lý tài chính.
Theo ông Thomas, đây là cơ hội tuyệt vời để các ngân hàng trong nước mở rộng sang các phân khúc mới hơn như tài chính bền vững, tài chính khí hậu.
“Cơ hội ở đây cũng là thách thức mà các ngân hàng cần lồng ghép vào các danh mục đầu tư của mình. Hơn 50% danh mục đầu tư của các ngân hàng và khách hàng của IFC là xác định các vấn đề về rủi ro, cho dù là ngân hàng ở đồng bằng sông Cửu Long hay bất kỳ vị trí nào. Ngân hàng cần đi đầu trong vấn đề này và IFC sẽ hỗ trợ các ngân hàng Việt Nam để thực hiện các chương trình này, đặc biệt là liên quan đến vấn đề năng lượng tái tạo”, đại diện IFC chia sẻ.
Minh Ngọc