Vụ phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh: Chứng khoán An Bình "sơ suất nhỏ", NĐT thiệt hại to

24/11/2023 - 23:32
(Bankviet.com) Công ty CP Chứng khoán An Bình là một trong năm CTCK tiếp tay phát hành trái phiếu cho Tân Hoàng Minh. Sơ suất của chứng khoán An Bình trong vụ án trên là vô ý hay cô ý là câu hỏi đáng để NĐT phải suy ngẫm.

Vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Tân Hoàng Minh

Mới đây, Viện KSND Tối cao vừa ra cáo trạng truy tố ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh) và con trai Đỗ Hoàng Việt (SN 1994) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", quy định tại điểm a, khoản 4 Điều 174 BLHS, với khung phạt cao nhất lên đến tử hình.

Vụ phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh: Chứng khoán An Bình "sơ suất nhỏ", NĐT thiệt hại lớn
Bị can Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Theo cáo trạng, giai đoạn 2021 - 2022, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng ngân hàng bị siết chặt, Tập đoàn Tân Hoàng Minh gặp nhiều khó khăn. Để có tiền chi phí cho kinh doanh cũng như trả nợ, bị can Dũng và các đồng phạm bàn bạc, lên kế hoạch phát hành trái phiếu trái quy định để chiếm đoạt hơn 8.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Cụ thể, thông qua 3 công ty Ngôi Sao Việt, Soleil và Cung Điện Mùa Đông (đều do ông Dũng thành lập hoặc mua lại cổ phần, vốn góp) để phát hành 9 gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với tổng giá trị 10.030 tỷ đồng. Do kết quả kinh doanh của cả 3 công ty không đủ điều kiện phát hành, các bị can tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh còn thỏa thuận với công ty kiểm toán để 'làm đẹp' báo cáo tài chính, hợp thức hóa báo cáo kiểm toán…

Sau khi các công ty trên phát hành, Tập đoàn Tân Hoàng Minh sẽ ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, chạy dòng tiền khống để thanh toán trái phiếu, tạo lập giá trị ảo của trái phiếu, hợp thức trái chủ sang cho tập đoàn. Mục đích của việc này nhằm lấy uy tín, thương hiệu của Tân Hoàng Minh để bán trái phiếu, huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp.

"Tiếp tay" cho sai phạm có các cá nhân liên quan tại 5 công ty chứng khoán, gồm: Công ty CP Chứng khoán An Bình; Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt; Công ty CP Chứng khoán Everest; Công ty CP Chứng khoán Agribank và Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam).

Sơ suất của Chứng khoán An Bình: Vô ý hay cố ý?

Liên quan tới vụ án trên, cách đây 1 năm, Công ty CP Chứng khoán An Bình đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 250 triệu đồng vì không đảm bảo thông tin trong hồ sơ chào bán/phát hành trái phiếu riêng lẻ là chính xác và có thể kiểm chứng được, liên quan đến lô trái phiếu của Công ty Soleil thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Ngoài ra, Công ty còn bị phạt tiền 60 triệu đồng vì báo cáo trễ nhiều tài liệu liên quan đến phát hành, giao dịch trái phiếu...

Vụ phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh: Chứng khoán An Bình
Chứng khoán An Bình bị xử phạt do vi phạm công bố thông tin.

Giải trình về việc bị xử phạt, Chứng khoán An Bình cho biết do sơ suất trong quá trình làm hồ sơ nên đã scan thiếu trang, dẫn đến nội dung chưa đầy đủ thông tin. "Tuy nhiên các thông tin cần thiết phương án phát hành đã được thể hiện tại các tài liệu khác của hồ sơ mà nhà đầu tư có thể tiếp cận" - báo cáo cho biết.

Về thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ, phía công ty chứng khoán thừa nhận "có sơ suất khi chưa thực hiện đúng mẫu theo quy định", nhưng có dẫn chiếu đến tài liệu thể hiện đầy đủ các nội dung thông tin cần thiết mà nhà đầu tư có thể tiếp cận.

Về việc bản công bố thông tin của Soleil ghi nội dung "công ty chưa thực hiện phát hành trái phiếu", Chứng khoán An Bình thừa nhận đây là nội dung "chưa chính xác do sơ suất".

Mặc dù trong đầu năm 2020 Soleil có dư nợ trái phiếu hơn 699 tỉ đồng, nhưng công ty chứng khoán cho rằng do dư nợ trái phiếu thời điểm cuối năm trên báo cáo tài chính của Soleil bằng 0, nên công bố thông tin không tồn đọng khoản nợ đến hạn nào chưa được thanh toán tại thời điểm chào bán là đúng thực tế. Việc này cũng không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành trái phiếu.

Về việc bị xử phạt do nộp tài liệu trễ hạn, Chứng khoán An Bình cho biết đã thực hiện đầy đủ theo đúng quy định liên quan đến các báo cáo định kỳ tình hình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu.

Dù vậy công ty chứng khoán cũng thừa nhận gửi báo cáo định kỳ tình hình chào bán trái phiếu chậm 1 ngày (báo cáo năm 2021) và chậm 10 ngày (báo cáo quý 4-2021). Theo phía An Bình, đây là lỗi sơ suất trong việc gửi và nộp báo cáo định kỳ trên hệ thống báo cáo với Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và theo đường chuyển phát công văn.

Tổng quan, có thể thấy rằng sơ suất của Chứng khoán An Bình thể hiện ở 2 việc:

Đầu tiên, trong quá trình làm hồ sơ, Công ty scan thiếu trang dẫn tới nội dung thông tin chưa đầy đủ. Đối với một đơn vị chuyên nghiệp như Chứng khoán An Bình, lý do scan thiếu trang có vẻ không thực sự thuyết phục. Thử hỏi, một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm làm phát hành trái phiếu như An Bình, sao có thể mắc một lỗi sơ đẳng như vậy. Nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, phải chăng đây là một lỗi vô ý hay cố ý?

Sơ suất thứ hai của An Bình chính là không để ý tới dư nợ trái phiếu lên tới 699 tỷ đồng của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ khách sạn Soleil (công ty con của Tân Hoàng Minh) trong đầu 2020. Có thể thấy rằng, chứng khoán An Bình đã không thẩm định, đánh giá kỹ càng tình hình tài chính của Soleil cũng như thông tin mà doanh nghiệp này công bố.

Thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng đây không thể coi là sơ suất được, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi nhà đầu tư. Giả sử, nếu nhà đầu tư biết trái chủ của mình hiện đang có dư nợ lên tới gần 700 tỷ đồng, liệu họ có mua trái phiếu của doanh nghiệp đó hay không?

"Sơ suất nhỏ" của Chứng khoán An Bình, nhiều nhà đầu tư phải chịu thiệt hại lớn

Mặc dù đã phải chịu phạt hơn 300 triệu đồng cách đây một năm, tuy nhiên mức phạt trên của Chứng khoán An Bình không đáng bao nhiêu so với mất mát mà nhà đầu tư phải chịu khi mua trái phiếu của các công ty con thuộc Tân Hoàng Minh.

Chỉ vì "sơ suất nhỏ" của chứng khoán An Bình và các đơn vị phát hành khác, nhà đầu tư đã phải chịu tổn thất lên tới hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng. Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Solei đã thực hiện đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ mã trái phiếu SOLCH2123001 với giá trị 800 tỷ đồng. Được biết, trong tháng 4/2022, UBCKNN quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022 tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tính tới hiện tại, nhiều nhà đầu tư vẫn chưa thể lấy lại số tiền trên.

Gần 400 mã giảm điểm, sắc đỏ bao trùm VN-Index

Trong phiên giao dịch sáng cuối tuần, chỉ số VN-Index tiếp tục chìm trong sắc đỏ với gần 400 mã giảm điểm...

Kinh doanh gặp khó, một doanh nghiệp thép phải cắt giảm nhân sự, cổ phiếu liên tục lao dốc

Để có thể duy trì hoạt động sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) ...

Dòng tiền cá mập "tháo chạy" cuối phiên, VN-Index thủng mốc 1.100 điểm

Diễn biến ngày giao dịch 23/11, dòng tiền "cá mập" rút tiền cuối phiên tạo áp lực lớn khiến VN-Index giảm hơn 25 điểm. Đặc ...

Hoàng Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán