Xuất khẩu tăng hơn 400%, Nhật Bản bất ngờ mạnh tay săn lùng mặt hàng nông sản này của Việt Nam
Việt Nam đang chứng kiến sự bứt phá mạnh mẽ của một mặt hàng nông sản. Dù xuất khẩu tăng vọt, giá lại lao dốc vì áp lực từ thị trường Trung Quốc, trong khi Nhật Bản đổ tiền thu mua.
Sản lượng sắn tăng vọt nhưng giá bán giảm sâu, thị trường phân hóa rõ rệt
Giữa bối cảnh nhiều mặt hàng nông sản đối mặt với biến động tiêu thụ, sắn – một loại nông sản của Việt Nam lại chứng kiến sản lượng xuất khẩu tăng đột biến.
Nhật Bản bất ngờ nổi lên như một thị trường tiềm năng, trong khi Trung Quốc – đối tác truyền thống lại đang “ép giá” khi tồn kho tăng cao.

Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 3/2025, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 487.000 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, đạt kim ngạch hơn 139 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng tăng 13,8%, tuy nhiên giá trị chỉ tăng 3,5%. Tính lũy kế quý I/2025, xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 379,7 triệu USD, tăng 29,7% về lượng nhưng giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ 2024.
Nguyên nhân khiến giá trị sụt giảm là do giá xuất khẩu trung bình liên tục lao dốc. Trong ba tháng đầu năm, giá bình quân chỉ đạt 307,8 USD/tấn – mức thấp hơn 32,4% so với năm trước. Đây là dấu hiệu cho thấy áp lực cạnh tranh và dư cung đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập từ mặt hàng chiến lược này.
Trung Quốc mua nhiều nhưng trả giá thấp, Nhật Bản nổi lên là điểm sáng
Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ chính của sắn Việt Nam, chiếm tỷ trọng áp đảo. Trong quý I, nước này nhập hơn 1,1 triệu tấn sắn từ Việt Nam với giá trị hơn 349 triệu USD, tăng 30% về lượng nhưng lại giảm tới 13% về giá trị. Giá bình quân chỉ ở mức 301 USD/tấn – giảm 33% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, tồn kho tại các cảng Trung Quốc đang tăng cao, trong khi nguồn cung từ Thái Lan, Lào và Việt Nam lại dồi dào. Điều này khiến quốc gia tỷ dân có lợi thế lớn trong đàm phán giá, thường xuyên “ép giá” để thu mua với mức rẻ. Sự cạnh tranh khốc liệt khiến các doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận mức giá thấp để duy trì xuất khẩu.
Dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sắn lớn thứ hai thế giới – chỉ sau Thái Lan và giữ vững kim ngạch trên 1 tỷ USD trong 5 năm gần đây, nhưng ngành sắn vẫn đối mặt với không ít thách thức. Giá biến động mạnh, phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, trong khi chất lượng sản phẩm chưa đồng đều và chưa mở rộng được nhiều thị trường cao cấp.
Hiện cả nước có hơn 140 nhà máy chế biến tinh bột sắn, với công suất thiết kế 13,4 triệu tấn củ tươi/năm, nhưng công suất thực tế mới đạt khoảng 9,3 triệu tấn. Việc vận hành chưa tối ưu và thiếu các sản phẩm chế biến sâu khiến giá trị gia tăng của ngành vẫn còn hạn chế.

Trong khi đó, Nhật Bản bất ngờ nổi lên như một thị trường tăng trưởng nhanh chóng. Trong quý I/2025, Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản hơn 2.283 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá khoảng 832.000 USD – tăng tới 467% về lượng và 337% về giá trị. Tuy nhiên, giá bình quân tại thị trường này lại lên đến 365 USD/tấn, dù vẫn giảm 22,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng cao hơn đáng kể so với giá xuất sang Trung Quốc.
Đài Loan và Malaysia là hai thị trường tiếp theo đứng sau Trung Quốc, tuy nhiên mức tăng trưởng không đáng kể như Nhật Bản.
Để khắc phục điểm yếu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Mục tiêu là đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt 11,5 – 12,5 triệu tấn, trong đó 85% được sử dụng cho chế biến sâu (như tinh bột, etanol, mỳ chính). Diện tích trồng sắn bằng giống chất lượng cao đạt 40–50%, và kim ngạch xuất khẩu sắn hướng đến 1,8–2 tỷ USD.
Cục Xuất nhập khẩu cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, và xây dựng thương hiệu để cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan – đối thủ số một trong lĩnh vực này.
Tương lai nào cho ngành sắn Việt Nam?
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu có xu hướng phục hồi chậm, ngành sắn Việt Nam cần tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường có giá trị cao hơn như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Việc tăng cường liên kết vùng trồng – nhà máy chế biến – thị trường xuất khẩu cũng là một mắt xích cần được quan tâm.
Ngành hàng tưởng chừng đơn giản như sắn đang cho thấy vai trò quan trọng trong nền nông nghiệp xuất khẩu. Nhưng để bền vững và tăng trưởng ổn định, cần sự đầu tư bài bản từ hạ tầng chế biến, giống cây trồng đến thị trường tiêu thụ.