Bộ Tài chính bác đề xuất thí điểm giao dịch tiền số tại trung tâm tài chính

21/02/2025 - 17:21
(Bankviet.com) Theo Bộ Tài chính, chính sách liên quan đến tiền số và tài sản mã hóa có phạm vi ảnh hưởng lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành và có tác động đáng kể đến an ninh tài chính quốc gia. Để đảm bảo tính khả thi, Bộ đề nghị loại bỏ quy định về thời gian bắt đầu thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền số từ ngày 1/7/2026 như đề xuất ban đầu.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập và hoạt động của trung tâm tài chính tại Việt Nam. Một trong những nội dung quan trọng trong đề xuất này là thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với các mô hình kinh doanh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (fintech).

Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026
Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định về thời gian thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền mã hóa từ ngày 1/7/2026

Theo đề xuất, Ủy ban Quản lý, điều hành trung tâm tài chính sẽ được trao quyền cấp phép, quản lý, đánh giá tác động và kiểm soát rủi ro đối với hoạt động sandbox trong lĩnh vực fintech, bao gồm cả sàn giao dịch tài sản mã hóa. Thời gian thử nghiệm tối đa kéo dài ba năm và có thể gia hạn thêm ba năm. Hội đồng nhân dân TP.HCM và Đà Nẵng sẽ chịu trách nhiệm quy định cụ thể về tiêu chí, điều kiện tham gia, trình tự thẩm định và cấp phép.

Tuy nhiên, trong quá trình góp ý cho hồ sơ xây dựng nghị quyết, Bộ Tài chính khẳng định rằng hiện nay chưa có bất kỳ quy định nào liên quan đến tài sản mã hóa hay tiền số. Việc quản lý những tài sản này đòi hỏi một quy trình chặt chẽ từ khâu phát hành, sở hữu, giao dịch, cấp phép cung cấp dịch vụ, bảo mật thông tin đến giám sát sử dụng trong các giao dịch dân sự. Đồng thời, việc đảm bảo an ninh tài chính quốc gia cũng cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Bộ Tài chính cho rằng còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu trước khi có thể ban hành chính sách chính thức về tiền số. Vì vậy, thay vì đưa ra những quy định cụ thể về giao dịch tài sản mã hóa trong trung tâm tài chính, Bộ đề xuất giao Chính phủ nghiên cứu và quy định lộ trình thí điểm phù hợp, không đặt ra mốc thời gian cụ thể như đề xuất trước đó.

Theo Bộ Tài chính, chính sách liên quan đến tiền số và tài sản mã hóa có phạm vi ảnh hưởng lớn, liên quan đến nhiều bộ, ngành và có tác động đáng kể đến an ninh tài chính quốc gia. Do đó, cần có sự đánh giá kỹ lưỡng trước khi triển khai. Để đảm bảo tính khả thi, Bộ đề nghị loại bỏ quy định về thời gian bắt đầu thực hiện giao dịch bằng tài sản mã hóa, tiền số từ ngày 1/7/2026 như đề xuất ban đầu.

Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 03/2025/TT-BTC hướng dẫn về chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá tài sản; quy ...

Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 102.000 tỷ đồng thuế và tiền thuê đất

Bộ Tài chính vừa gửi công văn lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và ...

Tiền số Pi chính thức niêm yết, nhưng giá hiện tại "nó lạ lắm"

Như vậy là Pi Network chính thức niêm yết trên nhiều sàn giao dịch với giá mở cửa 1,7 USD/Pi, thấp hơn rất nhiều so ...

Sơn Tùng

Sơn Tùng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán