Chuyển hướng kinh doanh lúa gạo, một doanh nghiệp chỉ 88 nhân sự khiến nhiều “ông lớn” phải dè chừng

29/04/2025 - 17:38
(Bankviet.com) Một doanh nghiệp logistics với chỉ 88 nhân sự đã chuyển hướng sang kinh doanh lúa gạo, ghi nhận doanh thu tăng năm 2024 tăng tới 120 lần, vượt nhiều doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.
Cáo bạch tài chính

Chuyển hướng kinh doanh lúa gạo, một doanh nghiệp chỉ 88 nhân sự khiến nhiều “ông lớn” phải dè chừng

Thu Hà 28/04/2025 17:30

Một doanh nghiệp logistics với chỉ 88 nhân sự đã chuyển hướng sang kinh doanh lúa gạo, ghi nhận doanh thu tăng năm 2024 tăng tới 120 lần, vượt nhiều doanh nghiệp cùng ngành trên sàn chứng khoán.

Từ logistics đến kinh doanh lúa gạo: Bước ngoặt sau tái cấu trúc

Từng gắn liền với ngành vận tải và logistics, Công ty CP TCO Holdings (HOSE: TCO) đã tạo nên cú chuyển mình táo bạo khi tái định vị chiến lược sang lĩnh vực kinh doanh lúa gạo. Chỉ sau một năm tái cấu trúc, doanh nghiệp này đã ghi nhận doanh thu từ lúa gạo lên tới hàng ngàn tỷ đồng, một con số vượt xa nhiều cái tên kỳ cựu trong ngành.

1.jpeg
TCO Holdings xác định lúa gạo sẽ tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn

Thành lập từ năm 1997 với tiền thân là Công ty TNHH Vận tải Duyên Hải, TCO Holdings từng là một thương hiệu quen thuộc trong mảng vận tải đường bộ và logistics. Doanh nghiệp lên sàn UPCoM từ 2009, chuyển sàn HOSE vào năm 2012.

Năm 2023, trước áp lực tái cơ cấu để tăng trưởng, TCO quyết định bán vốn tại Công ty CP Logistics Tasa Duyên Hải, đồng thời đổi tên thành TCO Holdings. Thương hiệu mới đi kèm với một chiến lược táo bạo: tập trung vào ba trụ cột lúa gạo - logistics - bất động sản cho thuê. Ba công ty con được thành lập theo từng mảng, gồm CTCP TCO Agri (lúa gạo), Công ty CP TCO Logistics (vận tải) và Công ty CP TCO Real Estate (bất động sản).

Đến cuối năm 2024, doanh nghiệp hoàn tất tăng vốn điều lệ từ 187 tỷ đồng lên 313 tỷ đồng, ra mắt bộ nhận diện thương hiệu mới, đồng thời chuyển trụ sở về trung tâm kinh tế TP.HCM, sẵn sàng cho hành trình mới.

Lúa gạo bật lên: Doanh thu vượt kỳ vọng

Không cần nhiều thời gian, bước đi chiến lược đã nhanh chóng mang lại quả ngọt. Báo cáo thường niên 2024 vừa được công bố cho thấy, doanh thu thuần của TCO Holdings đạt tới 3.538 tỷ đồng, tăng gấp hơn 120 lần so với năm 2023.

Điểm đặc biệt: 95,75% tổng doanh thu của công ty đến từ mảng kinh doanh lúa gạo, tương đương hơn 3.387 tỷ đồng – một tỷ trọng cực kỳ áp đảo. Các mảng logistics và cho thuê văn phòng chỉ đóng góp lần lượt 3,77% và 0,48%.

1(1).png
Sạu thay đổi về cơ cấu doanh thu. Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của TCO

Nếu so sánh trên thị trường chứng khoán, trong số các doanh nghiệp gạo đang niêm yết, TCO nhanh chóng ghi dấu ấn. Các đối thủ như AGX (1.568 tỷ đồng), AGM (241 tỷ đồng) hay LAF (466 tỷ đồng) đều có doanh thu thấp hơn đáng kể. Ở nhóm UPCoM, TAR (4.236 tỷ đồng) và VSF (21.477 tỷ đồng) vẫn dẫn đầu, nhưng trên HOSE, TCO đang nổi lên như một gương mặt mới có doanh thu áp đảo trong ngành gạo.

Thành quả này đến từ thương vụ đầu tư trọng điểm: mua lại nhà máy xay xát lúa gạo tươi, sau đó nâng cấp công suất từ 400 tấn/ngày lên 1.100 tấn/ngày. Đây là nước cờ then chốt giúp TCO không chỉ chủ động nguồn nguyên liệu mà còn tham gia sâu vào chuỗi giá trị ngành lúa gạo.

Được biết, doanh nghiệp hiện đang được vận hành chỉ với 88 nhân sự. Tính trung bình, mỗi lao động tạo ra hơn 40 tỷ đồng doanh thu trong một năm – con số cho thấy hiệu suất hoạt động cực kỳ cao trong bối cảnh công ty vừa tái cấu trúc và mở rộng sang lĩnh vực mới.

3.png
Nguồn: Báo cáo thường niên 2024 của TCO

Dù vậy, lợi nhuận của TCO Holdings chưa thực sự nổi bật, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế năm 2024 đạt gần 21,3 tỷ đồng, gấp gần 3 lần năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giai đoạn năm 2021 - 2022.

Gạo sẽ là trụ cột chiến lược

Không dừng lại ở kết quả 2024, TCO Holdings đã xác định rõ lúa gạo sẽ tiếp tục là lĩnh vực trọng tâm trong chiến lược phát triển dài hạn.

Trong bối cảnh Việt Nam đạt kỷ lục xuất khẩu 9 triệu tấn gạo năm 2024 (tăng 11,1% về lượng, 21,2% về kim ngạch), thị trường thế giới cũng dự báo nhu cầu tiêu thụ gạo toàn cầu tiếp tục lập đỉnh trong niên vụ 2024-2025. Tuy nhiên, cạnh tranh đang ngày càng khốc liệt hơn, đặc biệt từ Ấn Độ và các nước ASEAN khác.

TCO Holdings không chỉ kỳ vọng tận dụng lợi thế sản xuất quy mô lớn, mà còn định hướng xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế (VietGAP, GlobalGAP), ứng dụng công nghệ số vào quản lý sản xuất và chuỗi cung ứng, đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển nông nghiệp tuần hoàn bền vững.

Về cơ cấu cổ đông, tính đến cuối năm 2024, TCO có 1.330 cổ đông, trong đó cổ đông cá nhân chiếm áp đảo (97,78%). Điều này cho thấy mức độ hấp dẫn lớn của doanh nghiệp với nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh tái cơ cấu thành công.

Xem báo cáo thường niên tại đây

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán