Một doanh nghiệp có tới 15 tiến sĩ, 47 thạc sĩ... bị hủy tư cách đại chúng
Một doanh nghiệp với đội ngũ nhân sự trình độ rất cao vừa nhận quyết định hủy tư cách công ty đại chúng từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Hủy tư cách đại chúng EPH - Vì đâu nên nỗi?
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa có Công văn về việc hủy tư cách công ty đại chúng của Công ty CP Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Hà Nội (UpCom: EPH) kể từ ngày 26/4/2025.
Trong thông báo, UBCKNN không nêu lý do vì sao Công ty CP Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Hà Nội bị hủy tư cách công ty đại chúng. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, Báo cáo tình hình quản trị công ty vừa công bố, vốn điều lệ của Doanh nghiệp này vẫn chỉ đạt 25 tỷ đồng, bằng với số vốn điều lệ đã công bố đầu năm 2024.

Theo quy định, công ty đại chúng phải có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên, có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Nếu sau 1 năm công ty vẫn không đáp ứng điều kiện đại chúng, UBCKNN sẽ hủy tư cách công ty đại chúng. Đối chiếu với điều khoản nêu trên, vốn điều lệ đã góp của của EPH không đáp ứng điều kiện.
Trước đó vào tháng 11/2024, EPH cũng đã bị Chánh thanh tra Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 60.000.000 đồng do chậm công bố thông tin.
EPH - Đơn vị xuất bản giáo dục với đội ngũ nhân sự trình độ cao
Theo tìm hiểu, Công ty CP Dịch vụ xuất bản giáo dục Hà Nội được thành lập vào năm 2009, là một đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Công ty chuyên biên soạn, biên tập, in ấn và phát hành các loại sách giáo khoa và các xuất bản phẩm giáo dục khác.

Ngày 21/12/2017, 25 triệu cổ phiếu của Công ty CP Dịch vụ Xuất bản Giáo dục Hà Nội chính thức giao dịch trên thị trường UPCoM với mã chứng khoán EPH và giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 12.900 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch của công ty 25 tỷ đồng.
Kết phiên ngày 28/4, giá cổ phiếu EPH đang ở mức 12.300đ/cổ phiếu, giảm hơn 23% so với thời điểm đầu năm 2025. Hiện tại, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đang là cổ đông lớn nhất tại EPH, với tỷ lệ nắm giữ 44,35% vốn.
Kể từ khi hoạt động trên sàn UpCom, hoạt động kinh doanh của EPH ghi nhận xu hướng tăng trưởng ổn định về doanh thu. Doanh thu của Công ty liên tục cải thiện qua từng năm, từ mức khoảng 80 tỷ đồng năm 2020 lên đỉnh hơn 110 tỷ đồng trong năm 2022. Tuy vậy, từ năm 2023, đà tăng trưởng bắt đầu chậm lại, doanh thu giảm nhẹ và tiếp tục điều chỉnh xuống còn khoảng 103,6 tỷ đồng trong năm 2024.
Diễn biến lợi nhuận sau thuế của EPH có phần biến động mạnh hơn. Sau giai đoạn tăng trưởng đột biến năm 2021, lợi nhuận năm 2022 tiếp tục giữ ở mức cao trước khi sụt giảm trong năm 2023. Bước sang năm 2024, lợi nhuận sau thuế giảm tới 39,2% so với năm trước, chỉ đạt 6,71 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Công ty đến cuối năm 2024 giảm nhẹ 1,68% so với cuối năm 2023, còn 63,5 tỷ đồng. Trên thị trường, cổ phiếu EPH cũng chịu áp lực giảm giá, mất hơn 23% so với đầu năm 2025, về mức 12.300 đồng/cổ phiếu.
.png)
Ngoài ra, tỷ lệ lợi nhuận chi trả cổ tức cũng giảm nhẹ so với năm trước. Tuy nhiên, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông năm 2025, ban lãnh đạo EPH cho biết bằng sự cố gắng, nỗ lực của Ban Điều hành cùng toàn thể CBCNV, kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty đã đạt và vượt kế hoạch, đảm bảo đời sống cho CBCNV Công ty và đảm bảo được quyền lợi của cổ đông.
Điều đáng chú ý, theo giới thiệu của chính doanh nghiệp, EPH sở hữu đội ngũ nhân sự có học vấn cao, thuộc hàng Top trong ngành xuất bản giáo dục hiện nay với gần 80% cán bộ đạt trình độ đại học trở lên, trong đó có 15 Tiến sĩ và 47 Thạc sĩ và hầu hết đều tham gia giảng dạy tại các trường phổ thông, cao đẳng, đại học và có kinh nghiệm xuất bản trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, dù sở hữu đội ngũ nhân sự chất lượng cao, EPH cũnh đang phải đối mặt với thách thức duy trì mức tăng trưởng trong bối cảnh thị trường xuất bản giáo dục nói chung có nhiều biến động.