Dệt may Thành Công vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đang "gối đầu" đơn hàng cho quý I/2025

25/11/2024 - 02:17
(Bankviet.com) Dệt may Thành Công đạt lợi nhuận sau thuế 250 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2024, vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Công ty đã bắt đầu nhận đơn hàng cho quý I/2025, hứa hẹn triển vọng tăng trưởng ổn định.

Vượt kế hoạch lợi nhuận sau 10 tháng

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10/2024 với những con số tích cực. Theo đó, doanh thu của công ty mẹ đạt hơn 13,6 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu là sản phẩm may mặc, chiếm 69%, tiếp theo là vải (19%) và sợi (10%).

Dệt may Thành Công vượt 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm, đang
Dệt May Thành Công cho biết đã bắt đầu tiếp nhận các đơn hàng cho quý I/2025

Xét về thị trường xuất khẩu, châu Á tiếp tục giữ vai trò chủ lực, chiếm gần 63% thị phần, trong khi châu Mỹ chiếm khoảng 32%. Sau khi trừ các chi phí, lãi sau thuế của công ty trong tháng 10 đạt hơn 994.000 USD, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến cuối tháng 10/2024, công ty mẹ Dệt may Thành Công ghi nhận doanh thu hơn 134,2 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 10,3 triệu USD (tương đương khoảng 250 tỷ đồng theo tỷ giá ngày 23/11/2024), tăng 44% so với cùng kỳ. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 85% mục tiêu doanh thu năm 2024 và vượt 50% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.

Về tình hình đơn hàng, Công ty cho biết đã nhận được trên 90% kế hoạch doanh thu từ các đơn hàng của năm 2024. Đồng thời, Thành Công đã bắt đầu tiếp nhận các đơn hàng cho quý I/2025.

Triển vọng và thách thức cho ngành dệt may Việt Nam trong 2025

Theo báo cáo từ SSI Research, triển vọng dài hạn của ngành dệt may Việt Nam được đánh giá tích cực khi các nhà bán lẻ lớn trên thế giới đang đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn cung từ nhiều quốc gia nhằm giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng. Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn đặt hàng khỏi Trung Quốc, nhờ chi phí lao động cạnh tranh hơn, thuế suất ưu đãi hơn và lực lượng lao động có tay nghề vượt trội so với Ấn Độ và Bangladesh.

Ngoài ra, việc Mỹ đang cân nhắc áp dụng một mức thuế suất toàn diện vào nửa cuối năm 2025 hoặc năm 2026 cũng là yếu tố tác động quan trọng. Trước khi mức thuế mới được triển khai, các doanh nghiệp bán lẻ dự kiến sẽ tăng cường các đơn hàng để tận dụng lợi thế về thuế quan. Điều này không chỉ áp dụng với Trung Quốc mà còn ảnh hưởng đến các thị trường xuất khẩu toàn cầu. SSI Research kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ gia tăng đáng kể trong những quý tới.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đưa ra thông tin tích cực về kim ngạch xuất khẩu của ngành trong 9 tháng đầu năm 2024, với tổng giá trị vượt 32,5 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước. Với đà tăng trưởng này, VITAS nhận định mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024 là hoàn toàn khả thi. Giai đoạn cuối năm, vốn là cao điểm của ngành với các đơn hàng lớn phục vụ dịp Noel và Tết Nguyên đán, được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa ngành dệt may tiến gần hơn tới mục tiêu đã đề ra.

Đặt mục tiêu lãi 4.000 tỷ cho 2024, Kinh Bắc (KBC) đã hoàn thành bao nhiêu sau 9 tháng?

Kinh Bắc (KBC) vừa báo cáo kết quả kinh doanh bùng nổ trong quý III/2024 với lợi nhuận sau thuế gấp 11 lần cùng kỳ. ...

Thép Pomina đã công bố BCTC quý 3 với khoản lỗ sau thuế hơn 286 tỷ đồng

Thép Pomina công bố báo cáo tài chính quý III/2024 với doanh thu thuần 488,4 tỷ đồng, giảm gần 3%, lỗ sau thuế hơn 286 ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán