Sáng ngày 16/4, tại khách sạn Grand (Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) đã tổ chức buổi họp báo thông tin về sự kiện HCMC FOODEX 2024.
Phát biểu tại sự kiện, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC, cho biết triển lãm này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm giới thiệu sản phẩm, mang thương hiệu Việt và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm tốt ra thị trường thế giới.
Năm 2023, HCMC FOODEX đã đón tiếp hơn 16.500 lượt khách đến tham quan |
Cũng theo Giám đốc ITPC, điểm nổi bật của triển lãm năm nay là hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) trong 3 phiên kết nối chính là doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với các đơn vị phân phối, siêu thị hiện đại; doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với các kênh thương mại điện tử và doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm với các nhà mua hàng (buyers) quốc tế.
Trong không gian triển lãm, các doanh nghiệp tham dự sẽ trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm dạng thô/sơ chế (nông sản, thủy hải sản, gia vị…); nhóm sản phẩm lương thực thực phẩm được chế biến sâu; nhóm sản phẩm đồ uống; nhóm nguyên phụ liệu dùng trong công nghiệp chế biến thực phẩm; nhóm máy móc thiết bị sản xuất, đóng gói, bảo quản; nhóm sản phẩm tự nhiên - xanh - bền vững và các nhóm ngành liên quan.
Ngoài ra trong khuôn khổ triển lãm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng trong sản xuất, tiêu dùng và định hướng thị trường xuất khẩu tiềm năng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác và mở rộng mạng lưới phân phối và tiêu thụ sản phẩm, chương trình sẽ tổ chức một chuỗi các hoạt động bên lề như các hội thảo chuyên đề, chương trình kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến với các nhà mua hàng trong nước và quốc tế…
Theo ITPC, ngành lương thực, thực phẩm TP.HCM là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố, chiếm 14 - 15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp từ 14 - 15% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố. Năng lực sản xuất của doanh nghiệp hoạt động trong ngành lương thực, thực phẩm không chỉ bảo đảm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hằng năm như rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm… Có thể khẳng định, với nguồn nguyên liệu phong phú, ngành lương thực và thực phẩm vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng phát triển.
CHÍ KIÊN