Mặc dù lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng giảm mạnh trong thời gian qua. Lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng tại 4 “ông lớn” ngân hàng trong nhóm Big4 vừa tiếp tục giảm 0,3 điểm % xuống còn 5,5%/năm, tương đương mức thấp nhất ghi nhận hồi đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lượng tiền gửi của người dân và doanh nghiệp vẫn duy trì tăng trưởng. Tính đến 31/8, huy động vốn tăng 5,36% so với cuối năm 2022 (tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022).
Từ đầu năm 2023 đến nay, thị trường bất động sản sụt giảm; nhiều doanh nghiệp phát hành trái phiếu không thanh toán đúng hạn, thị trường chứng khoán tuy sôi động trở lại nhưng cũng lùm xùm với các vụ việc thao túng... ảnh hưởng đến lòng tin nhà đầu tư. Trong bối cảnh đó, gửi tiết kiệm là lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
Bên cạnh đó, hiện thế giới vẫn có nhiều yếu tố bất định, đơn hàng giảm khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong nước rất khó khăn. Do đó lựa chọn quay về gửi tiết kiệm ngân hàng của người dân, doanh nghiệp cũng là dễ hiểu nhằm đảm bảo nguồn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh khi nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc hơn trong tương lai. Chính vì vậy lượng tiền gửi tiết kiệm vẫn tiếp tục tăng mặc dù lãi suất giảm mạnh.
Sự phục hồi của nền kinh tế cộng với những dấu hiệu ấm lên từ thị trường bất động sản và nhất là thị trường chứng khoán đang có bước tăng trưởng sẽ kéo dòng vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, thị trường bất động sản chỉ mới ở giai đoạn ấm lên chứ chưa thể tăng trưởng mạnh.
Do đó, dòng tiền nhiều khả năng chỉ đổ vào những dự án bất động sản nhà ở xã hội là phân khúc đang nhận được nhiều sự ưu tiên chính sách.
Trong bối cảnh lãi suất thấp cũng có thể dòng tiền sẽ tìm đến thị trường chứng khoán, nhất là khi thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, khi mà lãi suất ngân hàng đã xuống thấp cũng có khả năng nhà đầu tư sẽ quay lại vay vốn ngân hàng để đầu tư vào thị trường chứng khoán và bất động sản.
Ảnh minh họa |
Một trong những trở ngại lớn nhất của các ngân hàng và doanh nghiệp hiện nay chính là vấn đề cung và cầu không gặp được nhau.
Các ngân hàng thì vẫn loay hoay tìm cách “chữa bệnh thừa tiền”. Trong khi đó doanh nghiệp không có nhu cầu vay hoặc có nhu cầu vay vốn lại không đủ điều kiện để vay do nhiều nguyên nhân như không chứng minh được dòng tiền, không có tài sản đảm bảo hoặc tài sản đảm bảo đã được đem đi thế chấp…
Đầu năm 2023, căn cứ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và lạm phát của Quốc hội, Chính phủ, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14 - 15%, có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
NHNN đã điều hành để duy trì thanh khoản dồi dào, sẵn sàng cung ứng vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế, liên tục điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất điều hành, ban hành thông tư cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới, chỉ đạo các TCTD rà soát đơn giản hóa thủ tục cho vay.
Điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát lạm phát, duy trì thanh khoản dồi dào, thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định. Về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022). Lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1%/năm so với cuối năm 2022).
Theo kết quả của cuộc điều tra về xu hướng kinh doanh quý 3/2023 của NHNN thực hiện, các TCTD dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng diễn biến khả quan trong quý 3/2023 nhưng tăng với tốc độ chậm lại trong năm 2023 so với năm 2022, trong đó nhu cầu vay vốn được kỳ vọng tăng nhiều hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán.
Tuy nhiên, vẫn có 11% TCTD dự báo nhu cầu vay vốn giảm trong năm 2023 so với năm 2022. Các TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể trong quý 2/2023 tăng nhanh hơn so với quý trước, với 34,2% TCTD nhận định mặt bằng rủi ro khách hàng tổng thể ở thời điểm hiện tại đang ở mức cao và 48,2% TCTD dự báo mặt bằng rủi ro khách hàng sẽ tăng trong năm 2023 so với năm 2022.
Huy động vốn toàn hệ thống TCTD được kỳ vọng tăng bình quân 3,2% trong quý 3/2023 và tăng 10,6% trong năm 2023, điều chỉnh tăng nhẹ so với mức kỳ vọng 9,2% tại kỳ điều tra trước. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng 4,4% trong quý 3/2023 và tăng 12,5% trong năm 2023, điều chỉnh giảm 0,6% so với mức dự báo 13,7% tại kỳ điều tra trước.
Trên cơ sở đề nghị của TCTD, tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng TCTD, bảo đảm thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống TCTD. Theo đó, ngày 10/7/2023, NHNN đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Tín dụng mới đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, ngân hàng khó chữa “bệnh thừa tiền”? Nền kinh tế đang trải qua khoảng thời gian vô cùng khó khăn và thách thức khiến khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp ... |
Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu của các TCTD được gia hạn thực hiện đến cuối năm 2023 Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 148/NQ-CP tiếp tục triển khai thi hành Nghị quyết 42/2017/QH14, theo đó sẽ kéo dài thời hạn thi ... |
Lãi suất cho vay đã hạ nhiệt nhưng vẫn quá sức "chịu đựng" với doanh nghiệp Tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TP.Hà Nội được tổ chức vào chiều 21/9, nhiều doanh nghiệp cho ... |
Hải Chi