Một mặt hàng Việt xuất khẩu tăng 125%, được Trung Quốc săn đón, các nước phương Tây cũng cực kỳ yêu thích

05/05/2025 - 15:10
(Bankviet.com) Một mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt sang Trung Quốc. Nhưng Mỹ mới là nơi giá cao nhất.
Hàng hóa - Giá cả

Một mặt hàng Việt xuất khẩu tăng 125%, được Trung Quốc săn đón, các nước phương Tây cũng cực kỳ yêu thích

Minh Phương 05/05/2025 12:36

Một mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt sang Trung Quốc. Nhưng Mỹ mới là nơi giá cao nhất.

Bức tranh xuất khẩu tôm Việt Nam quý I/2025 được VASEP vẽ nên bằng những con số rất lạc quan: 939 triệu USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tăng trưởng đột biến nhất là thị trường Trung Quốc – nơi kim ngạch tăng tới 125%, đạt 288 triệu USD. Nhưng thật bất ngờ, Mỹ mới là nơi giá trị xuất khẩu cao nhất, với giá tôm trung bình lên tới 17,7 USD/kg cho tôm sú.

xuatkhau.png
Xuất khẩu tôm Việt Nam trong quý I/2025 đạt 939 triệu USD

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm Việt đạt 134 triệu USD – chưa bằng một nửa Trung Quốc. Tuy nhiên, giá xuất khẩu trung bình lại vượt trội: Tôm sú đạt 17,7 USD/kg, Tôm chân trắng đạt 10,9 USD/kg.

Đây là mức giá cao nhất trong các thị trường lớn, phản ánh tiêu chuẩn chất lượng cực kỳ khắt khe của Mỹ. Dù gặp rào cản thuế quan từ chính sách thương mại của Tổng thống Donald Trump, tôm Việt vẫn giữ được vị thế nhờ chất lượng và uy tín.

Trái ngược, Trung Quốc – nơi được ví như “miệng ăn khổng lồ châu Á” – nhập nhiều nhưng trả giá thấp hơn: Tôm sú chỉ 9,6 USD/kg; Tôm chân trắng còn thấp hơn: 6,6 USD/kg.

Việc tôm chân trắng bị cạnh tranh mạnh từ Ecuador và Ấn Độ khiến giá càng bị kéo xuống. Trong khi đó, sự tăng vọt trong nhập khẩu Trung Quốc phần nhiều đến từ nhu cầu dịp lễ.

xuatkhau1.png

Khối CPTPP mang về 269 triệu USD, tăng 40% – một dấu hiệu tích cực cho thấy lợi thế từ các hiệp định thương mại đang phát huy tác dụng. Tuy nhiên, VASEP cảnh báo vẫn còn phụ thuộc lớn vào Nhật Bản và Canada, trong khi các thị trường thành viên khác còn rất hạn chế.

Tại châu Âu, tôm Việt cũng bắt đầu phục hồi: 107 triệu USD trong quý I, tăng 33%. Nhưng giá bán đang “đi ngang”: Tôm chân trắng khoảng 7,6 USD/kg; Tôm sú nhích nhẹ lên 10,9 USD/kg.

Nguy cơ từ chính sách Mỹ và cuộc đua giá rẻ toàn cầu

Mặc dù tăng trưởng tốt, nhưng ngành tôm vẫn đang đi trên “dây thừng”. Một bên là rủi ro từ Mỹ có thể ập đến bất kỳ lúc nào, bên kia là sức ép cạnh tranh từ các nước có chi phí thấp như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan...

Tại Nhật Bản – thị trường vốn ưa chuộng tôm chế biến sẵn – giá xuất khẩu đang có dấu hiệu giảm: Tôm chân trắng từ 9,5 xuống 8,4 USD/kg; Tôm sú từ 14,7 còn 13,6 USD/kg.

Điều này phản ánh sức ép cạnh tranh toàn cầu ngày càng lớn, khiến tôm Việt nếu không tiếp tục nâng cấp chất lượng và tối ưu logistics sẽ rất dễ bị “bào mòn” lợi thế.

VASEP dự báo, trong các tháng tới, xuất khẩu tôm Việt sẽ tiếp tục tăng nhờ nhu cầu phục hồi hậu đại dịch. Tuy nhiên, mục tiêu đạt 4 tỷ USD trong năm 2025 là bài toán đầy thử thách.

Minh Phương

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán