Nhiều doanh nghiệp BĐS đang cạn tiền, đứng trước nguy cơ phá sản

08/12/2022 - 02:44
(Bankviet.com) Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty CP Chứng khoán VNDirect đã đưa ra nhận định về việc ngành bất động sản đang đối mặt với nhiều thách thức, nguồn tiền của các nhà phát triển dự án đang dần cạn kiệt.
Nguồn tiền của các nhà phát triển dự án đang dần cạn kiệt
Nguồn tiền của các nhà phát triển dự án đang dần cạn kiệt. Ảnh minh họa

Cụ thể, VNDirect ước tính có khoảng 46.145 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản sẽ đáo hạn trong nửa đầu 2023 và 64.185 tỷ đồng đáo hạn trong nửa cuối 2023, gây ra áp lực thanh khoản trả nợ vay cho các chủ đầu tư.

Hiện, vay ngân hàng và phát hành trái phiếu là kênh huy động vốn quan trọng cho các nhà phát triển bất động sản tại Việt Nam nhưng lại đang bị giám sát chặt chẽ. Trong khi đó, doanh số bán hàng trong quý III/2022 giảm đáng kể 40% so với quý trước ở cả thị trường TP.HCM và Hà Nội; nguồn cung mới chưa thể khơi thông do nhiều vướng mắc về pháp lý vẫn đang chờ xem xét để tháo gỡ.

“Trong bối cảnh thắt chặt các khoản vay ngân hàng, thị trường trái phiếu chao đảo và bán hàng trầm lắng, dòng tiền của nhiều nhà phát triển bất động sản đang dần cạn kiệt", VNDirect đánh giá.

Trước đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường bất động sản rơi vào trầm lắng, sụt giảm thanh khoản như hiện nay đến từ việc thiếu dòng tiền bao gồm không thể vay ngân hàng, huy động từ trái phiếu, không có doanh thu, không có nguồn cung mới để kích cầu.

“Nếu để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ doanh nghiệp phá sản cao, nhất là doanh nghiệp, tập đoàn lớn”, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản nhận định.

Cũng theo ông Đính, thiếu dòng tiền không chỉ khiến các nhà đầu tư bị ảnh hưởng mà ngay cả các khách hàng có nhu cầu mua bất động sản cũng gặp khó bởi các quy định ngặt nghèo của ngân hàng.

Điều này khiến các doanh nghiệp bất động sản không thu hồi được vốn, đồng nghĩa với việc không thể trả nợ ngân hàng, đẩy tỷ lệ nợ xấu lên rất cao, có thể đưa hệ thống tín dụng vào vị thế rất khó khăn.

Mặt khác, doanh nghiệp bất động sản suy yếu sẽ là thời cơ để nhà đầu tư nước ngoài "thâu tóm" phần lớn cổ phần, dự án bất động sản với giá rẻ. Như vậy, thị trường bất động sản dễ bị đẩy vào sự kiểm soát của doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, nhóm phân tích của Chứng khoán VNDirect vẫn cho rằng, sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết hiện đã tốt hơn so với giai đoạn 2011-2013 do tỷ lệ đòn bẩy thấp hơn, khả năng thanh toán tốt hơn.

“Tỷ số thanh toán lãi vay hiện tại đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất tại giai đoạn 2011-2013, điều này cho thấy rủi ro xảy ra vỡ nợ cao như năm 2011. Mặc dù hàng tồn kho đang tăng nhưng tỷ lệ hàng tồn kho/tổng tài sản thấp hơn cho thấy áp lực giải phóng hàng tồn kho thấp hơn so với giai đoạn 2011-2013. Do đó, tình trạng "đóng băng" nếu xảy ra có thể ngắn hơn so với trước đây”, VNDirect nhận định.

Công ty chứng khoán này kỳ vọng Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được vận hành như kế hoạch vào nửa cuối năm 2024 sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024-2025.

Tuệ Minh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán