Cổ phiếu ngân hàng giao dịch ảm đạm, thanh khoản sụt giảm hơn 30% |
Thua lỗ từ chứng khoán đầu tư
Thị trường chứng khoán đã có những khoảng thời gian giao dịch tiêu cực vào năm 2022 khiến danh mục đầu tư của hàng loạt tổ chức “bốc hơi”. Không riêng các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, mà nhiều ngân hàng, doanh nghiệp sản xuất sử dụng một phần vốn để đầu tư ngoài hoạt động lõi cũng thua lỗ đậm trong năm qua, nhất là 2 quý cuối năm 2022.
Với Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lợi nhuận trước thuế cả năm 2022 đạt 1.702 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ và không hoàn thành kế hoạch năm (3.079 tỷ đồng). Trong đó, nguồn thu chính của ngân hàng - thu nhập lãi thuần tăng 22% so với cùng kỳ, đạt 3.735 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động khác và thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần tăng lần lượt 62% và 300% so với năm 2021. Mảng chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư lỗ lần lượt 57 tỷ đồng và 22 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ đều lãi hơn 200 tỷ đồng.
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng cho thấy, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần năm qua giảm đến 68%. Mảng chứng khoán đầu tư lỗ 20 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 164 tỷ đồng, dù vậy mảng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng.
Năm 2022, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản. |
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã ghi nhận lợi nhuận năm qua đạt 7.828 tỷ đồng trước thuế, tăng 30% so với cùng kỳ, song không đạt kế hoạch lợi nhuận năm là 8.200 tỷ đồng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt gần 11.387 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Các khoản thu nhập ngoài lãi của TPBank cũng tăng mạnh 18,4% lên hơn 4.200 tỷ đồng, phần lớn được hỗ trợ bởi nguồn thu đáng kể từ hoạt động dịch vụ với 2.692 tỷ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ). Trong khi đó, lãi thuần từ mảng chứng khoán đầu tư lại giảm 70%.
Theo báo cáo hợp nhất quý vừa công bố, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) báo lãi trước thuế năm 2022 hơn 17,114 tỷ đồng, tăng 43% so với năm trước, nhờ tăng thu nhập khác và giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng. Các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 22% (3,526 tỷ đồng), lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 20% (1,048 tỷ đồng).
Hoạt động khác thu được khoản lãi gần 990 tỷ đồng, gấp 7 lần năm trước. Tuy nhiên, mảng chứng khoán đầu tư của ACB giảm đến 92%, chỉ thu được hơn 20 tỷ đồng.
SHB công bố báo cáo tài chính quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 9.659 tỷ đồng, tăng 54% so với năm trước. Tuy nhiên, theo xu hướng chung hoạt động kinh doanh ngoại hối, chứng khoán đầu tư và hoạt động kinh doanh khác cũng ghi nhận giảm so với cùng kỳ.
Trong quý IV/2022, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tăng 38,8% lên 14.809 tỷ đồng, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối tăng không đáng kể 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Các mảng kinh doanh khác lại ghi nhận sụt giảm mạnh. Cụ thể, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 79%, xuống còn 4 tỷ đồng, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác giảm 47%, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 3,4%. Mảng chứng khoán đầu tư cũng ghi nhận lỗ 1,9 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 với lợi nhuận trước thuế trong quý ghi nhận tăng trưởng hơn 45% so với cùng kỳ năm trước, mang về 5.349 tỷ đồng. Phần lớn các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm.
Thu nhập lãi thuần tăng trưởng 23,6% đạt 12.847 tỷ đồng. Lãi thuần từ mảng dịch vụ tăng 53% mang về hơn 1.785 tỷ đồng; lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.129 tỷ đồng gấp gần 2,5 lần cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó các mảng còn lại (chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng thu nhập) như mua bán đầu tư kinh doanh chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và các hoạt động kinh doanh khác của Vietinbank lại ghi nhận sụt giảm hơn 36% trong năm 2022 (với mảng chứng khoán đầu tư).
Mảng chứng khoán đầu tư trong quý IV/2022 của BIDV cũng ghi nhận mức giảm hơn 74% khi chỉ ghi nhận hơn 141 tỷ đồng, nhưng cả năm ghi nhận tăng 24,7%.
Nguyên nhân đến từ đâu?
Trong báo cáo "Nhìn lại 2022 và Triển vọng thị trường vốn 2023" mới đây, nhóm phân tích FiinRatings thuộc Fiingroup cho biết lãi suất tăng, biến động tỷ giá, sự sụt giảm mạnh của các chỉ số chứng khoán và tình trạng “đóng băng” của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, đầu tư chứng khoán của các ngân hàng.
Theo đó, nhiều ngân hàng ghi nhận lỗ từ hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh, chứng khoán đầu tư, đồng thời giảm tỷ trọng các loại chứng khoán trong tổng tài sản.
Cụ thể, nền lãi suất tăng đã đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ trong những tháng cuối năm tăng mạnh lên tới 5,2% so với mức lợi suất khoảng 2,2% vào tháng 1/2022. Vì vậy, trái phiếu chính phủ hạch toán theo giá thị trường do các ngân hàng nắm giữ cũng sụt giảm về giá trị. Tỷ trọng trái phiếu chính phủ trên tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng giảm từ mức 7,2% cuối năm 2021 xuống mức 6,3% cuối quý III năm 2022.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối năm 2022, VN-Index và HNX-Index giảm lần lượt 32,7% và 56,7% so với đầu năm, khiến danh mục cổ phiếu nắm giữ của các ngân hàng và các công ty con được hợp nhất trên báo cáo tài chính của các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Bên cạnh đó, danh mục trái phiếu doanh nghiệp của một số ngân hàng đang tiềm ẩn rủi ro tín dụng khi thị trường đã xuất hiện một số trường hợp chậm trả lãi và gốc trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 2,2% tổng tài sản sinh lời của các ngân hàng, nhưng khi trái phiếu doanh nghiệp bị “nhảy” nhóm nợ cũng sẽ làm các khoản vay khác của doanh nghiệp đó tại các ngân hàng khác bị phân loại vào nhóm có chất lượng nợ thấp hơn, gia tăng tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống.
Hoàng Hà