Nợ xấu có tác động tiêu cực không chỉ đối với các NHTM mà còn đối với nền
kinh tế. Trong những năm gần đây, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên đến nay nhiều khoản nợ xấu vẫn chưa được xử lý dứt điểm, cần phải tiếp tục xử lý. Bài viết này sẽ tập trung phân tích tác động của nợ xấu đến hoạt động ngân hàng dưới giác độ cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế.
1. Vài nét về nợ xấu
Nợ xấu của ngân hàng là các khoản nợ thuộc các nhóm 3 đến nhóm 5 theo phân loại của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu là tỷ lệ giữa tổng nợ xấu so với tổng dư nợ từ nhóm 1 đến nhóm 5.
Theo thống kê trên Vietstock.vn,tỷ lệ xấu của một số NHTM Việt Nam vẫn trong khoảng 0,98% đến gần 3%.
Về tác động tiêu cực của nợ xấu được xem xét dưới nhiều góc độ.
Đối với nền kinh tế: Ngân hàng là trung gian tài chính - huy động vốn từ các chủ thể có vốn tạm thời nhàn rỗi và cung cấp vốn cho các chủ thể cần vốn; thông qua đó sự an toàn trong hoạt động của ngân hàng tác động tích cực đến phát triển nền kinh tế. Nợ xấu ngân hàng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế trên phương diện hạn chế khả năng khách hàng tiếp cận vốn vay của ngân hàng vì lý do lãi suất và điều kiện vay vốn. Ở mức độ cao hơn, nếu nợ xấu của một ngân hàng phát triển theo chiều hướng xấu, không được giải quyết, ngân hàng có thể đổ vỡ dẫn đến hiệu ứng dây chuyền đối với hệ thống.
Đối với hệ thống các ngân hàng thương mại: nợ xấu là dấu hiệu của chất lượng
cho vay kém, hiệu quả hoạt động tín dụng thấp, đe dọa khả năng thanh khoản, hạn chế phát triển hoạt động tín dụng, làm giảm uy tín của ngân hàng, là nguyên nhân rủi ro lãi suất; làm giảm thu nhập của ngân hàng; nếu nguồn bù đắp rủi ro không đủ, nợ xấu sẽ ăn vào vốn tự có của ngân hàng… cuối cùng nợ xấu là nhân tố giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
2. Tác động nợ xấu đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập
- Cạnh tranh của ngân hàng trong bối cảnh hội nhập.
Hội nhập kinh tế, hiểu theo một cách cụ thể, là việc gắn kết mang tính thể chế giữa các nền kinh tế lại với nhau. Theo đề xuất của Béla Balassa từ thập niên 1960 (Wikipedia) và được chấp nhận chủ yếu trong giới học thuật và lập chính sách. Nguyễn Xuân Thắng (2007) cho rằng, hội nhập kinh tế là quá trình chủ động thực hiện đồng thời hai việc: một mặt, gắn nền kinh tế và
thị trường từng nước với thị trường khu vực và thế giới thông qua các nỗ lực thực hiện mở cửa và thúc đẩy tự do hóa nền kinh tế quốc dân; và mặt khác, gia nhập và góp phần xây dựng các thể chế kinh tế khu vực và toàn cầu.
Trong hội nhập kinh tế quốc tế, quan trọng và nhạy cảm nhất vẫn là hội nhập về tài chính - ngân hàng. Hội nhập quốc tế về tài chính - ngân hàng, là xu thế phát triển kinh tế - tài chính, không những của từng khu vực, mà còn của thế giới.
Hội nhập quốc tế về tài chính - ngân hàng là thỏa ước kinh tế - tài chính, theo đó một số định chế kinh doanh ngân hàng của quốc gia này, được quyền kinh doanh ở quốc gia khác mà không bị hạn chế. Quá trình hội nhập sẽ làm cho cạnh tranh giữa các định chế kinh doanh ngân hàng của quốc gia đó diễn ra mạnh mẽ hơn trên nhiều phương diện, cụ thể hơn cạnh tranh không những diễn ra giữa các ngân hàng nội địa, mà còn diễn ra giữa các ngân hàng nội địa với các định chế tài chính nước ngoài. Đặc điểm trong cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập là các định chế tài chính nước ngoài có nền kinh tế thị trường phát triển có lợi thế hơn các định chế trong nước về tài chính, công nghệ. Vì vậy, các ngân hàng thương mại trong nước cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.
- Nợ xấu là tiêu chí phản ánh năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Có nhiều khái niệm về năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại. Nghiên cứu một số tài liệu khác nhau, chúng tôi thấy rằng quan điểm của Nguyễn Thị Quy (2005) phản ánh đầy đủ nội hàm cạnh tranh của ngân hàng thương mại. Theo đó, cạnh tranh của một ngân hàng là khả năng ngân hàng đó tạo ra, duy trì và phát triển những lợi thế nhằm mở rộng thị phần; bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh, có khả năng chống đỡ những biến động bất lợi của môi trường kinh doanh, bảo đảm mức lợi nhuận cao hơn mức trung bình của ngành và liên tục tăng trưởng.
Về tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Nguyễn Thị Quy cho rằng, lợi thế của từng ngân hàng được đánh giá thông qua các tiêu chí: tiềm lực tài chính, năng lực công nghệ, năng lực nhân sự, năng lực quản lý và cơ cấu tổ chức, sản phẩm và hệ thống kênh phân phối, mức độ cạnh tranh và khả năng hợp tác giữa các ngân hàng. Theo Lương Xuân Minh, Nguyễn Thị Thu Trang (2016), năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại có thể đánh giá thông qua hai chỉ tiêu, đó là năng lực tài chính và năng lực công nghệ. Trong nghiên cứu về năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Việt Nam trong điều kiện hội nhập, Nguyễn Thanh Phong (2010) phân tích năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại Việt Nam thông qua các tiêu chí: năng lực tài chính gồm quy mô vốn chủ sở hữu, hệ số an toàn vốn, chất lượng tài sản có, năng lực công nghệ, nguồn nhân lực.
Dù quan điểm và cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng tôi cho rằng: năng lực tài chính là một trong tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại. Trong đó, một nhân tố quan trọng của năng lực tài chính là chất lượng tài sản có. Theo Thông tư 52/2018/TT-NHNN quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước của NHNN, tiêu chí chất lượng tài sản của ngân hàng được đánh giá theo các nhóm chỉ tiêu về định lượng và định tính. Theo đó nhóm chỉ tiêu định lượng gồm tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý, nợ cơ cấu tiềm ấn trở nên nợ xấu trên tổng nợ cộng thêm các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được, tỷ lệ nợ nhóm 2 so với tổng nợ, tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng của các khách hàng có dư nợ cấp tín dụng lớn so với dư nợ cấp tín dụng đối với tổ chức kinh tế, cá nhân,…
Với cách tiếp cận như trên, năng lực tài chính của ngân hàng có thể được hiểu là các yếu tố tạo thành năng lực đó gồm: Năng lực vốn tự có, gồm quy mô vốn tự có và hệ số an toàn vốn; năng lực huy động vốn; chất lượng tài sản có; năng lực sinh lời của vốn.
- Tác động của nợ xấu đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Như đề cập trên đây, nợ xấu ngân hàng có tác động tiêu cực đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng.
Tác động của nợ xấu đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại là khá lớn làm giảm khả năng sinh lời của vốn và tài sản, giảm tỷ lệ an toàn vốn, kìm chế quy mô tín dụng, hạn chế mở rộng kênh phân phối, suy giảm năng lực nhân sự,… Nội dung này tập trung phân tích cơ chế tác động của nợ xấu đến năng lực tài chính của ngân hàng thông qua 3 nhân tố đầu tiên.
- Về khả năng sinh lời (ROE, ROA).
Nguyên nhân tác động tiêu cực đến khả năng sinh lời của ngân hàng chính là sự thất thoát về thu nhập. Hiện nay, thu nhập phần lớn là từ hoạt động tín dụng của ngân hàng. Một khi ngân hàng có nợ xấu, ngân hàng không có khả năng thu được lãi đầy đủ. Bên cạnh đó, do nợ xấu ngân hàng phải thực hiện tái tài trợ dư nợ bằng các khoản vốn huy động mới. Trong trường hợp lãi suất thị trường tăng, ngân hàng chịu rủi ro lãi suất, làm giảm thu nhập của ngân hàng. Ngoài ra, dự phòng được trích được hạch toán vào chi phí, nếu không được hoàn nhập, thu nhập của ngân hàng sẽ giảm; các khoản cho vay không thu hồi được đủ, sau khi bù đắp bằng quỹ dự phòng và khoản tiền thu được từ phát mại tài sản, sẽ “ăn vào vốn”. Khoản này, nếu có, cũng là nhân tố làm giảm vốn chủ sở hữu của ngân hàng.
Sự giảm sút thu nhập của ngân hàng đồng nghĩa với giảm lợi nhuận. Theo đó, tỷ lệ khả năng sinh lời của vốn ROA và tỷ lệ khả năng sinh lời của tổng tài sản đều giảm. Nếu ROA, ROE của ngân hàng nào cao thì ngân hàng đó được khách hàng cũng như nhà đầu tư đánh giá cao hơn. Từ đó, vị thế cạnh tranh của ngân hàng đó cũng sẽ tốt hơn trong việc thu hút các nguồn lực tài chính. Vì vậy, khả năng sinh lời cao là chỉ tiêu phản ảnh sức mạnh tài chính, tạo nên NLCT của NHTM.
- Về vốn tự có và hệ số an toàn vốn (CAR).
Vốn tự có gồm giá trị thực của vốn điều lệ của tổ chức tín dụng hoặc vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các quỹ dự trữ, một số tài sản nợ khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo quy định tại Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, ngày 28/12/2017, thì Giá trị thực vốn điều lệ của ngân hàng được xác định bằng vốn điều lệ, vốn được cấp và thặng dư vốn cổ phần, cộng (trừ) lợi nhuận lũy kế chưa phân phối (lỗ lũy kế chưa xử lý) được phản ánh trên sổ sách kế toán. Rõ ràng rằng, vốn tự có của ngân hàng để tính hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR có thành tố của lợi nhuận kinh doanh. Một khi chất lượng tín dụng của ngân hàng kém, có nợ xấu, lợi nhuận của ngân hàng sẽ giảm như phân tích trên đây. Theo cách tính hệ số an toàn vốn thì CAR tỷ lệ thuận với vốn tự có và tỷ lệ nghịch với tài sản có rủi ro. Chúng ta dễ dàng nhìn thấy tác động tiêu cực của nợ xấu đối với hệ số an toàn vốn - là một trong những nhân tố phản ảnh năng lực cạnh tranh của ngân hàng thương mại.
- Về quy mô về tài sản của ngân hàng.
Ở đây, tác giả chỉ đề cập đến quy mô hoạt động của ngân hàng thông qua hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại. Theo quy định hiện hành, ngân hàng chỉ được cho vay một khách hàng với dư nợ không vượt quá 15% vốn tự có và dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 25% vốn tự có. Trong đó vốn tự có của ngân hàng gồm nhiều khoản hình thành từ lợi nhuận kinh doanh của ngân hàng.
Nguồn vốn này của nhiều ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn tự có của ngân hàng. Rõ ràng rằng, với nguồn vốn tự có lớn, ngân hàng có khả năng đáp ứng được nhu cầu vay vốn lớn của các khách hành, nhờ vậy, phát triển được nhiều khách hàng, mở rộng tín dụng tốt hơn so với các ngân hàng có vốn tự có nhỏ. Hiệu ứng của quá trình mở rộng tín dụng là tăng thu nhập của ngân hàng. Không những vậy, cùng với tăng trưởng quy mô tín dụng, nguồn vốn ngân hàng phải được huy động để đáp ứng cho sự tăng trưởng đó, dẫn đến quy mô về tài sản của ngân hàng tăng.
3. Một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu nợ xấu, nâng cao năng lực cạnh tranh về lĩnh vực tài chính của ngân hàng
Thứ nhất, về ngắn hạn:
Xử lý nợ xấu là một trong những biện pháp nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng. Nợ xấu phát sinh do nhiều nguyên nhân. Để xử lý nợ xấu dứt điểm và có hiệu quả trên cơ sở gắn liền trách nhiệm của cá nhân liên quan đến cho vay, ngân hàng cho vay cần tiến hành kiểm tra, đánh giá các khoản vay để xác định rõ nguyên nhân. Công ty quản lý nợ (VAMC) cần mua những món nợ xấu do nguyên nhân khách quan, qua đó tạo điều kiện xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu này trên cơ sở có sự ủng hộ của Chính phủ và các Ban, ngành liên quan.
Đối với những món nợ xấu cho vay tiêu dùng cá nhân, cho vay kinh doanh
bất động sản có tài sản thế chấp, các ngân hàng cần có biện pháp xử lý kiên quyết bằng nguồn lực nội tại; bao gồm chế tài đối với các cá nhân có liên quan.
Thứ hai, về dài hạn:
Các ngân hàng cần có chiến lược quản trị rủi ro phù hợp; xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả, tăng cường công tác giám sát đối với quản trị rủi ro. Gắn kết trách nhiệm vật chất đối với các cá nhân có quyền phê duyệt các quyết định có rủi ro.
Về quản lý Nhà nước, NHNN cần kiên quyết áp dụng chế tài đối với các ngân hàng yếu kém do rủi ro trong kinh doanh tín dụng, xem xét hạn chế hoạt động cho vay của ngân hàng yếu kém đối với những lĩnh vực có nhiều rủi ro; hoàn thiện quy định về trích và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, tránh tình trạng lợi dụng việc sử dụng quỹ dự phòng để xử lý rủi ro đối với các món nợ có liên quan đến trách nhiệm chủ quan của các cá nhân trong ngân hàng. Theo đó:
+ Hội đồng xử lý rủi ro cần phải có sự độc lập cao. Thành viên Hội đồng là chủ tịch Hội đồng không thể là người có liên quan đến món vay phải xử lý; các thành viên khác của Hội đồng cũng phải tuân thủ nguyên tắc này;
+ Đối với các khoản nợ thuộc nhóm 5, sau khi chuyển nợ sang nhóm 5, các ngân hàng cần tiến hành xử lý tài sản bảo đảm ngay mà không chờ đến việc sau khi số tiền dự phòng được sử dụng, nhưng không đủ bù đắp mới xử lý phát mại tài sản;
+ Đối với các món nợ xấu do các cá nhân có liên quan gây ra, cần quy trách nhiệm bồi thường, số tiền bồi thường sẽ là một trong những nguồn bù đắp thất thoát;
+ Việc đánh giá, phân loại ngân hàng cần tính đến chỉ tiêu trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Nợ xấu thấp nhờ xử lý bằng quỹ dự phòng không thể là tiêu chí để xếp thứ hạng cao trong quá trình đánh giá, phân loại ngân hàng.
Tài liệu tham khảo:
- Luật các TCTD 2010 và Luật bổ sung sửa đổi 2017.
- Ngân hàng nhà nước, Thông tư số 02/2013/TT-NHNN, ngày 21/01/2013, Quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 41/2016/TT-NHNN, ngày 30/12/2016 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Ngân hàng Nhà nước, Thông tư số 19/2017/TT-NHNN, ngày 28/12/2017, quy định về cách tính giá trị thực của vốn điều lệ.
- Ngân hàng Nhà nước, Quyết định số 05/VBHN-NHNN, ngày 17/01/2018 về việc ban hành hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng.
- Ngân hàng Nhà nước, Thông tư 52/2018/TT, hiệu lực từ 01/04/2019, quy định về xếp hạng tổ chức tín dụng.
- Nguyễn Thị Quy (2005)-Năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại trong xu thế hội nhập-NXB Lý luận chính trị.
- Tapchitaichinh.vn
- Wikipedia
- Vietstock.vn
ThS. Vũ Thị Thu Hương
Theo TCNH số 6/2020 - Tạp chí Ngân hàng