PVN hé lộ chiến lược tái cấu trúc
PVN sẽ thoái toàn bộ vốn tại 7 doanh nghiệp trong năm 2025 theo Đề án cơ cấu lại Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1243/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn đến hết năm 2025", với mục tiêu xây dựng và phát triển PVN thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu quốc gia và khu vực, hiện đại, chuyên môn hóa cao.
PVN được kỳ vọng sẽ tiếp tục giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đồng thời thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng mới. Tập đoàn cũng sẽ chủ động mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế, phát triển bền vững và đóng góp vào bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo định hướng được phê duyệt, PVN sẽ thực hiện tái cơ cấu theo mô hình Tập đoàn kinh tế với Công ty mẹ - PVN và các công ty thành viên, bảo đảm hoạt động phù hợp với mục tiêu, chiến lược phát triển đã đề ra.

Đáng chú ý, tại đề án đã nêu rõ việc PVN sẽ thoái toàn bộ phần vốn góp tại 7 doanh nghiệp, bao gồm: Công ty CP PVI (PVI), Tổng công ty cổ phần Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (Petrosetco, HOSE: PET), Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí - CTCP (PVE), Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình Dầu khí - CTCP (PVMR), Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Dầu khí Việt Nam (PVTS - tiền thân là PVFI), Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (PAP), và Công ty CP Phát triển Đông Dương Xanh (GID).
Chính phủ yêu cầu PVN tập trung tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh, xử lý triệt để các vướng mắc, tồn tại nếu có, đồng thời đẩy mạnh công tác thoái vốn.
Mục tiêu đến hết năm 2025 là hầu hết các doanh nghiệp thành viên sẽ hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần với mô hình tổ chức tinh gọn, tài chính lành mạnh, hiệu quả, trình độ công nghệ và kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương các nước trong khu vực.
Các doanh nghiệp này cũng cần đáp ứng đầy đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp và có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, trình độ cao, phẩm chất đạo đức tốt.
Ngoài ra, PVN cũng sẽ củng cố và phát triển một số doanh nghiệp thành viên có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả và có năng lực cạnh tranh khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Việc thành lập mới công ty, chi nhánh, hoặc thực hiện sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp (M&A) cũng sẽ được xem xét nếu cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
Trong lộ trình triển khai, PVN đã có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà cung cấp gói thầu “Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp và định giá cổ phần tại 7 công ty phục vụ mục tiêu thoái vốn” theo chỉ đạo của Chính phủ.
Nhà thầu trúng thầu được PVN phê duyệt lựa chọn là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC với giá trúng thầu khoảng 3,5 tỷ đồng (đã bao gồm VAT). Loại hợp đồng là trọn gói với thời gian thực hiện 60 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực.
Trước đó, giá gói thầu được PVN phê duyệt tại Kế hoạch mua sắm gói thầu là 5,2 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện lấy từ chi phí quản lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng, theo quy trình lựa chọn đối với nguồn vốn khác.
Hãng kiểm toán AASC thành lập tháng 7/2007, hiện do ông Ngô Đức Đoàn làm Chủ tịch HĐTV, ông Nguyễn Thanh Tùng là Tổng Giám đốc, địa chỉ trụ sở chính tại Hà Nội. Ngoài ra công ty còn có chi nhánh tại TP HCM và Quảng Ninh.
Theo báo cáo minh bạch năm 2024 của AASC (năm tài chính kết thúc ngày 30/9/2024), tổng doanh thu của đơn vị này đạt 283,96 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính cho đơn vị có lợi ích công chúng là 42,6 tỷ đồng, chiếm khoảng 15%, còn lại là doanh thu từ các dịch vụ khác đạt 241,4 tỷ đồng, chiếm khoảng 85%. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của AASC đạt 5,3 tỷ đồng.
AASC cũng là đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm thực hiện các dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, đặc biệt phục vụ quá trình cổ phần hóa. Hãng kiểm toán này đã từng làm báo cáo kiểm toán cho nhiều doanh nghiệp lớn như SHS, TVN, HHS, VTP, TIS...
Bên cạnh đó, từ năm 2003 và liên tục từ 2014 đến nay, AASC đã tham gia cung cấp dịch vụ cho hàng loạt doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành lớn như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng… cũng như nhiều địa phương và tập đoàn, tổng công ty lớn trong cả nước.
Kế hoạch/danh mục sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ, các đơn vị thành viên của PVN giai đoạn đến hết năm 2025 được Chính phủ phê duyệt như sau:
a) Công ty mẹ - PVN và các đơn vị trực thuộc
- Công ty mẹ - PVN tiếp tục là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ phù hợp Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các đơn vị trực thuộc:
Giữ nguyên Trường Cao đẳng dầu khí (PVCollege)
Giữ nguyên Viện Dầu khí Việt Nam (VPI)
Xây dựng phương án chuyển giao/cơ cấu lại Trường Đại học Dầu khí (PVU)
Giải thể Chi nhánh PVN - Công ty Điều hành đường ống Tây Nam bảo đảm phù hợp với định hướng chuyển nhượng phần vốn góp tại BCC Lô B - Ô Môn.
b) Doanh nghiệp do PVN duy trì nắm giữ 100% vốn điều lệ Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).
c) Doanh nghiệp do PVN duy trì tỷ lệ nắm giữ trên 50% vốn điều lệ:
- Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro);
- Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGas);
- Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower);
- Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR);
- Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo);
- Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC);
- Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC);
- Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD);
- Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans);
- Tổng công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PetroCons).
d) Doanh nghiệp do PVN duy trì nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ:
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Liên doanh Rusvietpetro (hoạt động tại Liên bang Nga);
- Tổng công ty Hóa chất và Dịch vụ Dầu khí - CTCP (PVChem);
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Gazpromviet.
đ) Các doanh nghiệp PVN thoái toàn bộ phần vốn góp:
- Công ty CP PVI (PVI);
- Tổng công ty CP Dịch vụ tổng hợp dầu khí (Petrosetco);
- Tổng công ty Tư vấn thiết kế dầu khí - CTCP (PVE);
- Tổng công ty Bảo dưỡng - Sửa chữa công trình dầu khí - CTCP (PVMR);
- Công ty CP Thương mại và Dịch vụ dầu khí Việt Nam (PVTS, trước đây là Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính Công đoàn Dầu khí Việt Nam - PVFI);
- Công ty CP Dầu khí đầu tư khai thác Cảng Phước An (PAP);
- Công ty CP Phát triển Đông Dương Xanh (GID).
e) Các doanh nghiệp/đơn vị khác có vốn vốn góp của PVN:
- Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY): PVN tiếp tục thực hiện cơ cấu lại VNPOLY, vận hành nhà máy, hợp tác kinh doanh với đối tác và cơ cấu lại, thoái vốn khi có điều kiện, thời cơ thuận lợi (trước mắt, tập trung xử lý vấn đề khó khăn về sản xuất, tài chính tại đơn vị);
- Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL): trước mắt giữ nguyên tỷ lệ vốn PVN nắm giữ tại PVOIL. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nghiên cứu xây dựng phương án tăng vốn của PVN tại PVOIL theo hình thức phù hợp với quy định của pháp luật;
- Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank): PVN khẩn trương xây dựng Đề án riêng về cơ cấu lại phần vốn góp của PVN tại PVcomBank (trong đó bao gồm kế hoạch, lộ trình thoái vốn của PVN tại PVcomBank), bảo đảm tỷ lệ sở hữu của PVN tại PVcomBank xuống mức 15% vốn điều lệ trong giai đoạn đến hết năm 2025 theo đúng quy định pháp luật và các chỉ đạo liên quan của lãnh đạo Chính phủ, Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025;
- Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS): PVN tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy để xử lý các tồn tại; thực hiện theo phương án xử lý riêng tại Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương ban hành theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29 tháng 9 năm 2017 và chỉ đạo của cấp có thẩm quyền;
- Công ty TNHH Tân Cảng - Petro Cam Ranh (TCP Cam Ranh), Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực Miền Nam (NASOS): PVN nghiên cứu xây dựng phương án chuyển giao phân vốn góp của PVN tại TCP Cam Ranh, NASOS về Bộ Quốc phòng theo đúng quy định pháp luật;
- Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP): PVN xây dựng đề án riêng để xử lý phần vốn của PVN tại NSRP bảo đảm đúng quy định của pháp luật, cam kết của Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ;
- PVN nghiên cứu, xây dựng phương án xử lý phần vốn góp của PVN tại Dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn (BCC Lô B - Ô Môn) theo đúng các chỉ đạo của cấp có thẩm quyền và quy định của pháp luật.