Taseco Land trước thềm lên HOSE: Hàng tồn kho cầm cố tại nhiều ngân hàng vay với lãi suất cao, cho "người nhà" vay lãi thấp
Taseco Land (TAL) sắp chuyển sàn HOSE, với con số lợi nhuận khá đẹp trong Quý I/2025. Tuy nhiên nợ vay của doanh nghiệp lên tới 5.170 tỷ đồng, hàng tồn kho 3.968 tỷ đồng phần lớn đã được thế chấp các nhà băng đang là "khoảng lặng" trong hoạt động của DN này.
Doanh thu bất động sản gấp 2,4 lần, nặng gánh tồn kho
Công ty CP Đầu tư Bất động sản Taseco (Taseco Land, UPCoM: TAL) đang tiến những bước cuối cùng chuyển niêm yết từ sàn UPCoM sang HoSE. Báo cáo tài chính quý I/2025 cho thấy TAL đạt một số kết quả tích cực đối với mảng bất động sản, nhưng cũng đối mặt với những thách thức lớn liên quan đến gánh nặng vay nợ, hàng tồn kho thế chấp và sự sụt giảm ở các mảng kinh doanh phụ trợ.
TAL hiện có vốn điều lệ 3.118 tỷ đồng, trong đó Taseco Group nắm giữ 2.260,7 tỷ đồng, chiếm 72,49% vốn, còn lại là các cổ đông khác.
Về hoạt động kinh doanh, trong 3 tháng đầu năm 2025, Taseco Land đạt tổng doanh thu thuần 375,86 tỷ đồng, tăng hơn 21,7% so với cùng kỳ năm trước (309,03 tỷ đồng). Động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản với doanh thu gần 324 tỷ đồng, gấp hơn 2,4 lần so với cùng kỳ.

Ngược với đà tăng của doanh thu bất động sản, doanh thu từ hợp đồng xây dựng và các hoạt động khác lại sụt giảm đáng kể. Cụ thể, mảng xây dựng chỉ đạt 18,56 tỷ đồng, giảm mạnh so với 91,93 tỷ đồng của năm trước. Doanh thu khác cũng giảm gần 60% xuống còn 33,3 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động tài chính trong năm nay giảm sâu, chỉ đạt gần 6 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với mức 14,14 tỷ đồng của năm trước. Nguyên nhân chính đến từ việc giảm thu lãi tiền gửi, cho vay. Cụ thể, doanh thu từ lãi tiền gửi và cho vay của Taseco Land giảm mạnh từ 13,47 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,97 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 55,6% so với năm trước.
Tổng tài sản của TAL đến hết quý I/2025 đạt hơn 9.564 tỷ đồng, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm gần 6.302 tỷ đồng, bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền là 526 tỷ đồng; đầu tư tài chính ngắn hạn là 153 tỷ đồng; hàng tồn kho lên tới gần 3.968 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn cũng lên tới hơn 1.509 tỷ đồng và tài sản ngắn hạn khác là 145 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của TAL hiện đạt hơn 3.263 tỷ đồng. Trong đó, tài sản cố định là 847 tỷ đồng, bất động sản đầu tư là 316 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản mục tài sản dở dang dài hạn lên tới 1.307 tỷ đồng, chủ yếu là chi phí xây dựng cơ bản. Ngoài ra, các khoản phải thu dài hạn là 658 tỷ đồng, đầu tư tài chính dài hạn chỉ còn hơn 13 tỷ đồng do đã giảm mạnh so với đầu năm.
Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 526 tỷ đồng, trong đó tiền mặt chỉ chiếm khoảng 1,4 tỷ đồng; phần còn lại là tiền gửi ngân hàng là 249 tỷ, tiền đang chuyển là 50 tỷ và khoản tương đương tiền là 226 tỷ. Các khoản tương đương tiền tại ngày 31/3/2025 bao gồm vàng với giá trị là 116 triệu đồng và các khoản tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại, có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng và hưởng lãi suất từ 4,0%/năm đến 4,75%/năm.
Đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 153 tỷ đồng, bao gồm các khoản tiền gửi bằng VND tại các ngân hàng thương mại, kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng, hưởng lãi suất từ 2,9% đến 5,6%/năm.
Một số khoản tiền gửi này đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ bảo lãnh thực hiện Dự án số 4 thuộc Khu đô thị mới trung tâm thành phố Thanh Hóa (Dự án số 4 Thanh Hóa), Dự án Khu nhà ở thuộc khu tái định cư Hải Yến tại phường Nguyễn Bình, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Dự án Hải Yến) và các khoản vay của Nhóm Công ty tại các ngân hàng thương mại. Số dư tiền gửi có kỳ hạn cũng bao gồm quỹ kinh phí bảo trì của Dự án ALC Hạ Long.
Hàng tồn kho của DN lên tới gần 3.968 tỷ đồng, chiếm tới 63% tài sản ngắn hạn và chiếm hơn 42% tổng tài sản. Trong đó, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang bất động sản chiếm 3.819 tỷ đồng. Cụ thể, Dự án số 4 Thanh Hóa là 1.486 tỷ đồng, Dự án Khu nhà ở cao tầng Long Biên - Việt Hưng là 911 tỷ đồng, Dự án Hải Yến là 590 tỷ đồng, Dự án Nam Thái - Thái Nguyên là 469 tỷ đồng, Dự án Đông Nam T6 Hữu Nghị là 320 tỷ đồng và Dự án phía Nam trung tâm hành chính thị xã Duy Tiên - Hà Nam là 42 tỷ đồng.
Thành phẩm tồn kho là 121 tỷ đồng, gồm Dự án ALC Hạ Long (97 tỷ), Dự án N01-T6 Khu Đoàn Ngoại giao (21 tỷ) và Dự án Riverview Lương Sơn (3,3 tỷ). Bên cạnh đó, chi phí dở dang xây lắp là 23,8 tỷ đồng và hàng tồn kho khác là 4,9 tỷ đồng.
Tài sản chưa kịp thu hồi đã cầm cố tại nhiều ngân hàng
Đáng chú ý, quyền tài sản phát sinh từ/liên quan đến hàng tồn kho đang được công ty sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của tại các ngân hàng thương mại.
Cụ thể, tính đến hết quý I/2025, tổng nợ phải trả của TAL là 5.170 tỷ đồng, chiếm hơn 54% tổng tài sản. Trong đó, nợ ngắn hạn là 2.070 tỷ đồng và nợ dài hạn là 3.100 tỷ đồng.
Tổng vay ngắn hạn tại ngân hàng là 451 tỷ đồng, gồm khoản vay 203 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Sở Giao Dịch 1 với lãi suất 6,5%/năm, tài sản đảm bảo là một số văn phòng tại Tòa nhà ICON4 thuộc sở hữu của Nhóm công ty và quyền sử dụng đất Lô ODT-CT-5F.05 tại Khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí KN Paradise thuộc quyền sở hữu của bên thứ ba mà Nhóm công ty đang thực hiện dịch vụ xây lắp.
Khoản vay 78 tỷ đồng tại VietinBank - Chi nhánh Thanh Xuân có lãi suất từ 7%-7,5%/năm được đảm bảo bằng một số khoản tiền gửi của Nhóm công ty tại ngân hàng này.
Ngoài ra, công ty còn vay 171 tỷ đồng tại VIB - Chi nhánh Sở Giao dịch với lãi suất 7,5%-8%/năm, được đảm bảo bằng một số khoản tiền gửi ngân hàng của Công ty, quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận số CX 924353 tại thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, Quảng Bình cùng với 10 triệu cổ phiếu niêm yết của Công ty thuộc sở hữu của Taseco Group.

Ở nhóm vay dài hạn, TAL có 2 khoản vay tại MB Bank - Chi nhánh Thăng Long là 820 tỷ đồng với lãi suất 8,5%/ năm, tài sản đảm bảo của khoản vay này là quyền tài sản gắn liền Dự án số 4 Thanh Hóa.
Cùng với đó, TAL cũng vay ngân hàng này thêm 478,9 triệu đồng với lãi suất 11,5%/ năm, đảm bảo bằng một số phương tiện vận tải của Nhóm công ty.
Hai khoản vay tại VietinBank - Chi nhánh Thanh Xuân tổng cộng 799 tỷ đồng với lãi suất 10%/năm, đảm bảo của khoản vay bằng Quyền tài sản phát sinh từ Dự án Hải Yến và Quyền tài sản gắn liền với dự án; toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Nam Thái; quyền tài sản và dòng sản phẩm hình thành trong tương lai thuộc dự án.
Công ty cũng vay 325 tỷ đồng tại VietinBank - Chi nhánh Hà Nội với lãi suất 7%/năm, tài sản đảm bảo là quyền tài sản phát sinh từ Dự án Hải Yến và quyền tài sản gắn liền với dự án; toàn bộ quyền tài sản phát sinh từ Dự án tổ hợp thương mại, dịch vụ, hỗn hợp Nam Thái; quyền tài sản và dòng sản phẩm hình thành trong tương lai thuộc dự án.
Bên cạnh đó, Công ty vay 200 tỷ đồng tại VIB - Chi nhánh Sở Giao dịch, lãi suất 8,4%/năm đảm bảo bằng cổ phiếu của Công ty thuộc quyền sở hữu của Taseco Group và một số tài sản khác của công ty.
Tại ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Hà Nội, vay 695 tỷ đồng với lãi suất 6%, tài sản đảm bảo là toàn bộ quyền khai thác, quản lý Dự án Khu nhà ở cao tầng Long Biên, Việt Hưng.
Tại ngân hàng BIDV - Sở Giao dịch I, TAL đã vay 5,4 tỷ đồng, lãi suất 7,4% - 8,5%/ năm. Tài sản đảm bảo cho khoản vay là một số bất động sản khác thuộc quyền sở hữu của Nhóm Công ty.
Và tại TPBank, công ty này cũng có khoản vay khoảng 500 triệu đồng lãi suất 7,6%/năm, tài sản đảm bảo cho khoản vay là một phương tiện vận tải thuộc quyền sở hữu của Nhóm công ty.
Ngoài ra, Taseco Land còn vay trái phiếu với tổng giá trị 279 tỷ đồng. Trong đó, vay 130 tỷ đồng từ Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Công thương với lãi suất kỳ đầu tiên 11%/năm; kỳ thứ 2 trở đi là lãi suất thả nổi điều chỉnh 3 tháng 1 lần bằng lãi suất cơ sở + biên độ 4%/năm (không thấp hơn 11%/năm). Lãi suất trong năm là 11%/năm. Tài sản đảm bảo cho khoản vay gồm: Quyền sử dụng đất của Nhóm công ty theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa số 386, lô đất số CY 108500 tại thôn Cửa Phú, xã Bảo Ninh, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cùng 30 triệu cổ phần của Công ty thuộc sở hữu của Taseco Group.
Khoản vay còn lại 150 tỷ đồng tại Công ty Chứng khoán SSI - Chi nhánh Hà Nội có lãi suất 12,3%/năm, tài sản đảm bảo gồm 4 triệu cổ phần của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco thuộc sở hữu của Taseco Group và 9 triệu cổ phần của Công ty ICON4 thuộc sở hữu của Bà Đoàn Thị Phương Thảo (vợ ông Phạm Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT Taseco Land).
Mặc dù phải đi vay với lãi suất khá cao, TAL lại khá hào phóng khi cho vay tín chấp các bên liên quan với lãi suất khá mềm.
Theo đó, báo cáo tài chính quý I/2025 chỉ ra, TAL đã ghi nhận các khoản phải thu về cho vay ngắn hạn từ các bên liên quan với tổng số tiền lên tới 78,6 tỷ đồng. Cụ thể, khoản cho Công ty Phát triển Hồ Tây - Công ty có cùng thành viên chủ chốt vay là 74,1 tỷ đồng. Đây là khoản cho vay tín chấp với lãi suất 5%/năm; gốc và lãi vay thanh toán tại thời điểm đáo hạn vào tháng 8/2025.
Công ty Vinconstec - Công ty nhận góp vốn đầu tư cũng đã nhận một khoản vay ngắn hạn từ TAL trị giá 4,5 tỷ đồng với lãi suất tín chấp là 4,5%/năm.
Ngoài ra, TAL còn ghi nhận khoản phải thu về cho vay dài hạn từ Taseco Group - Công ty mẹ với tổng giá trị 128 tỷ đồng. Đây là khoản vay tín chấp dài hạn với lãi suất 4,5%/năm, gốc và lãi sẽ được thanh toán tại thời điểm đáo hạn tháng 6/2026.
Trong khi cho các bên liên quan vay với lãi suất chỉ khoảng từ 4,5%-5%/năm, TAL lại đang phải chịu mức lãi suất cao hơn so với các khoản cho vay của mình. Trong quý I/2025, khoản vay ngắn hạn mà TAL đã vay bên liên quan là Công ty Phát triển Hồ Tây - Công ty có cùng thành viên chủ chốt là 23,25 tỷ đồng. Với khoản vay tín chấp này, TAL đang phải chịu mức lãi suất 5,2-8,5%/năm. Gốc và lãi vay thanh toán tại thời điểm đáo hạn vào tháng 8/2025.
Tính đến thời điểm 31/3/2025, TAL có 13 công ty con (ngày 31/12 /2024 có 12 công ty con).
1. Công ty CP Taseco Invest ("Công ty Taseco Invest"): 99,90%
2. Công ty CP Đầu tư và Xây dựng số 4 ("Công ty ICON4"): 72,50%
3. Công ty CP Bao bì Việt Nam ("Công ty Bao bì") : Tỷ lệ lợi ích: 48,05%; Tỷ lệ biểu quyết: 66,27%
4. Công ty CP Quản lý Bất động sản Quốc tế ("Công ty Quản lý BĐS"): 99,90%
5. Công ty CP Đầu tư Bất động sản Phú Mỹ ("Công ty Phú Mỹ"): 99,00%
6. Công ty CP Alacarte Hạ Long ("Công ty ALC Hạ Long"): 99,00%
7. Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Yên Bình ("Công ty Yên Bình"): 84,00%
8. Công ty CP Đầu tư Du lịch Sinh thái Quốc tế ("Công ty Du lịch Quốc tế"): 86,56%
9. Công ty CP Xây dựng IKCONS ("Công ty IKCONS"): Tỷ lệ lợi ích: 36,98%; Tỷ lệ biểu quyết: 51,00%
10. Công ty TNHH Quản lý Tòa nhà ALC Hạ Long ("Công ty Quản lý ALC"): Tỷ lệ lợi ích: 99,00%; Tỷ lệ biểu quyết: 100,00%
11. Công ty CP Đầu tư Bất động sản nghỉ dưỡng Taseco Đà Nẵng ("Công ty Taseco Đà Nẵng") (trước đây là Công ty TNHH Khu nghỉ mát P&I): 60,00%.
12. Công ty Cổ phần Taseco Hải Phòng ("Công ty Taseco Hải Phòng"): 50,50%
13. Công ty CP Khu công nghiệp Taseco Hải Phòng ("Công ty Khu công nghiệp Hải Phòng"): 70,00%
Những công ty có tỷ lệ lợi ích và tỷ lệ quyền biểu quyết của TAL khác nhau do Công ty kiểm soát gián tiếp thông qua công ty con khác.