Doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng
Theo Báo cáo của Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 2/2024 ước đạt 509,7 nghìn tỷ đồng, giảm 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị BigC |
Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 14,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 22,6%; may mặc tăng 20,8%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 18,4%; du lịch lữ hành tăng 60% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.031,5 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 14,7%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,0% (cùng kỳ năm 2023 tăng 10,9%).
Riêng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 798,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 77,4% tổng mức và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 4,5%). Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 18,1%; may mặc tăng 9,8%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 1,8%; vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 16,5%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương có mức tăng khá như: Quảng Ninh tăng 10%; Hải Phòng tăng 9,3%; Đà Nẵng và Đồng Nai cùng tăng 7,2%; Bình Dương tăng 6,2%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,9%.
Bộ Công Thương cho hay, tháng 2/2024 trùng với thời gian trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn nên thị trường hàng hóa sôi động hơn so với tháng thường.
Tuy nhiên, do tình hình kinh tế có nhiều khó khăn nên nhu cầu tiêu dùng không cao như mọi năm và tập trung chủ yếu vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết được các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị khá chu đáo và sớm, cùng với đó thời tiết thuận lợi đã hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp, nguồn cung hàng thực phẩm dồi dào, đa dạng nên đã giữ giá hàng hóa thực phẩm những ngày cận Tết tương đối ổn định.
Các hàng hóa phục vụ Tết khác như bánh, mứt, kẹo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước do chi phí đầu vào tăng, nguồn cung hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân. Thị trường nhìn chung bình ổn, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm.
Nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, công tác phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.
Thị trường các mặt hàng thực phẩm những ngày giáp Tết (từ 27-30 Tết) khá sôi động, sức mua đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống tăng mạnh hơn nhưng do nguồn cung dồi dào, mặt bằng giá các mặt hàng này chỉ tương đương so với Tết năm trước. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại nhất là các đơn vị tham gia chương trình bình ổn, giá hàng hóa tương đối ổn định.
Ngày mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, người dân chủ yếu đi chúc Tết, lễ chùa; từ ngày mùng 2 Tết, sau thời gian nghỉ, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. Giá các mặt hàng thực phẩm ổn định so với những ngày sát Tết và tăng nhẹ so với với ngày thường. Thị trường tương đối ổn định, không có hiện tượng mất cân đối cung cầu gây tăng giá bất thường.
Từ ngày Mùng 4 Tết, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường; giá hàng hoá tại các siêu thị không đổi so với trước Tết, giá các mặt hàng thực phẩm tại chợ cũng có xu hướng giảm trở lại về mức tương đương như ngày thường. Các loại hoa, quả vẫn giữ giá như trước Tết do nhu cầu đi lễ đầu năm.
Tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 với nhiệm vụ nặng nề là phấn đấu cao nhất để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong bối cảnh các năm đầu của kỳ kế hoạch gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid -19 và biến động địa chính trị toàn cầu.
Với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục đặt ra thách thức cho phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong năm 2024.
Các giải pháp và nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 được các Bộ, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, tích cực ngay từ những ngày đầu của năm 2024.
Bộ Công Thương đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ để thống nhất tổ chức triển khai trong toàn ngành. Theo đó, trên cơ sở các nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Công Thương đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ để tổ chức triển khai thực hiện. Với tinh thần trách nhiệm cao, ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đã khẩn trương, tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Trong lĩnh vực thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới, sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, kiên quyết thực hiện việc phát hành hoá đơn mỗi lần bán từ ngày 31/3 đối với mặt hàng xăng dầu, đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm số lượng doanh nhiệp đầu mối nhập khẩu; giảm tầng cấp trong chuỗi phân phối xăng dầu….
Tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh...); phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Tăng cường xúc tiến thương mại, kích cầu nội địa, khai thác các hiệp định thương mại tự do FTA, mở rộng thị trường thúc đẩy xuất khẩu. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng Việt Nam phát triển trên thị trường nội địa.
Nguyễn Hạnh