Cụ thể, ROE trung bình toàn hệ thống tăng 3,1% lên 12,1% trong 9 tháng đầu năm. TOP 10 ngân hàng có ROE cao nhất 9 tháng bao gồm VIB, ACB HDBank, MSB, TPBank, MB, Techcombank, VPBank, OCB và Nam A Bank.
VIB đứng đầu bảng với ROE đạt 21,3%, giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ. Trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ngân hàng tăng 32,7% so với cùng kỳ, đạt 4.272 tỷ đồng.
Nhờ lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng 39,8% so với cùng kỳ, ACB tiếp tục đứng thứ 2 trong Top 10 ngân hàng có ROE cao nhất với 18,4% (cùng kỳ năm trước là 16,9%)
Theo báo cáo mới đây của Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE), ACB đã chủ động kìm hãm lợi nhuận quý III để cân bằng giữa việc duy trì ROE mạnh mẽ và tăng cường các chỉ số chất lượng tài sản như tỷ lệ nợ xấu hay tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Trong khi đó, Kienlongbank lại là ngân hàng có mức tăng ROE cao nhất so với cùng kỳ nhờ lợi nhuận 9 tháng tăng vọt, gấp hơn 6 lần cùng kỳ năm trước. Hai nguồn thu chính giúp Kienlongbank đạt được kết quả này đến từ hoạt động cho vay và hoạt động dịch vụ. Qua đó, kéo ROE ngân hàng từ 3% tại thời điểm 9 tháng 2020 lên 15,6% cùng kỳ 2021
Đáng chú ý, nhóm "ông lớn" ngân hàng mặc dù luôn dẫn đầu về lợi nhuận, song ROE lại ở mức thấp và xếp dưới các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, OCB hay Nam A Bank.
Nhóm có ROE thấp nhất gồm Eximbank (4,5%), Saigonbank (4,4%), NCB (3,8%) và SCB (3,5%).
Theo MBKE, ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong chu kỳ sinh lợi cao với ROE trên 18% so với trung bình các ngân hàng trong khu vực là 12% bất chấp ảnh hưởng từ đại dịch. Điều này là nhờ ROA cải thiện và được hỗ trợ bởi các quy định về vốn hợp lý.
ROE các ngân hàng 9 tháng đầu năm. (Nguồn: Phương Nga - Vietnambiz)
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam