VPBank đặt mục tiêu lãi hơn 16.600 tỷ đồng, dự kiến không chia cổ tức năm 2021

09/04/2021 - 17:29
(Bankviet.com) VPBank vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông năm 2021, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16,6%, lợi nhuận đạt 16.654 tỷ đồng trong năm 2021. Ngân hàng dự kiến giữ lại toàn bộ lợi nhuận để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) công bố tài liệu tài liệu đại hội đồng cổ đông năm 2021 với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 16.654 tỷ đồng, tăng gần 28% so với năm trước.

Cùng với đó, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng, tăng trưởng tổng tài sản 17,4% lên 491.886 tỷ đồng. Tổng huy động khách hàng ước đạt 327.280 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2020.

Đáng chú ý, VPBank dự kiến không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lai sau trích quỹ bắt buộc 8.851.708 triệu đồng nhằm giữ lại nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2021 của VPBank

Tại đại hội lần này, ngân hàng cho biết sẽ trình cổ đông phương án sử dụng toàn bộ cổ phiếu quỹ (từ các nguồn mua lại cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2018 và mua trên sàn giao dịch năm 2019) để tái phát hành cho các cán bộ nhân viên theo chương trình ESOP và cho các Nhà đầu tư mới vào các thời điểm thích hợp.

VPBank hiện có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ, 15 triệu cổ phiếu trong số đó được dự kiến bán ra với giá ưu đãi bằng mệnh giá 10.000 đồng/cp theo chương trình ESOP. Cổ phiếu được mua sẽ bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt bán và được nới dần qua các năm.

Ngoài ra, đại hội sẽ xem xét việc uỷ quyền cho HĐQT quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ thành lập hoặc mua lại công ty con, công ty liên kết; thông qua phương án bán vốn đầu tư tại các công ty con; chấp thuận việc phát hành trái phiếu và niêm yết trái phiếu này trên thị trường quốc tế,...

Về kết quả kinh doanh, doanh thu (TOI) hợp nhất cả năm 2020 của VPBank đạt hơn 39 nghìn tỷ, tăng trưởng 7,4%; trong đó riêng ngân hàng mẹ đạt gần 21.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18,6%.

Đáng chú ý, thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập từ hoạt động dịch vụ và kinh doanh ngoại hối, chứng khoán) tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu của ngân hàng mẹ khi tăng trưởng cả năm 2020 đạt 27%. Tỷ trọng thu nhập ngoài lãi/tổng thu nhập hoạt động theo đó tăng lên từ 19% của năm 2019 lên 21%.

Tính tới 31/12/2020, tổng tài sản VPBank đạt hơn 419.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,1% so với cuối năm 2019. Tổng dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt hơn 320.000 tỷ đồng, tăng trưởng 19%; trong đó ngân hàng riêng lẻ tăng 21,8%.

Tổng huy động khách hàng và phát hành giấy tờ có giá hợp nhất đạt hơn 296.000 tỷ đồng, tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ 2019. Tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tại ngân hàng riêng lẻ được cân đối ở 73,1%, thấp hơn so với giới hạn 85% NHNN quy định.

Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được kiểm soát ở mức 28,4%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hợp nhất đạt trên 11% theo tiêu chuẩn Basel II.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ngân hàng mẹ tiếp tục cải thiện và duy trì ở mức 15% trong cả năm 2020 so với mức 13% cuối 2019.

Nợ xấu trong năm 2020 vừa xuống mức dưới 3%, đạt 2,9% tại cuối năm 2020; trong đó tại ngân hàng riêng lẻ lần đầu tiên nợ xấu xuống dưới 2%.

Linh Đan (TH)

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán