Một cổ phiếu logistics vốn lặng sóng bỗng chốc thành tâm điểm thị trường
Một cổ phiếu ngành logistics bất ngờ tăng trần mạnh mẽ phiên đầu tháng 5 nhờ thông tin chia cổ phiếu thưởng tỷ lệ 158% và kế hoạch chào bán giá rẻ. Hiện thị giá đang tiệm cận đỉnh 2 năm, tăng hơn 50% sau 3 tháng.
Phiên giao dịch đầu tiên của tháng 5/2025 mở màn với sắc xanh phủ khắp thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, cổ phiếu PRC của Công ty CP Logistics Portserco gây chú ý khi bất ngờ tăng trần, "trắng bên bán", vọt lên 30.800 đồng/cp, mức giá cao nhất kể từ tháng 3/2023. Tính từ đầu tháng 2, thị giá PRC đã bứt phá hơn 50% chỉ sau ba tháng, tiệm cận vùng đỉnh lịch sử hơn 34.000 đồng/cp.

Động lực lớn đằng sau cú tăng ấn tượng này đến từ thông tin doanh nghiệp sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ cực "khủng". Cụ thể, ngày 15/5 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ 12:19, tương đương mức thưởng lên tới 158,3%. Với 1,2 triệu cổ phiếu đang lưu hành, PRC dự kiến phát hành thêm khoảng 1,9 triệu cổ phiếu, qua đó tăng vốn điều lệ từ 12 tỷ đồng lên hơn 31 tỷ đồng, đánh dấu lần đầu tiên doanh nghiệp tăng vốn sau 17 năm hoạt động.
Không dừng lại ở đó, Portserco còn chuẩn bị chào bán tối đa 3,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, giá chỉ 11.500 đồng/cp – thấp hơn tới 63% so với thị giá hiện tại. Mục tiêu của đợt chào bán là huy động 35,65 tỷ đồng để đầu tư mua đầu kéo và Mooc, giải ngân từ quý IV/2025 đến quý IV/2026. Nếu thành công, vốn điều lệ của PRC sẽ tăng gấp hơn 5 lần, đạt 62 tỷ đồng.
PRC được thành lập năm 2002, trụ sở tại Đà Nẵng, hoạt động chính trong lĩnh vực logistics, vận tải đa phương thức và dịch vụ hàng hải. Doanh thu hàng năm thường duy trì trên 100 tỷ đồng, ngoại trừ thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tuy vậy, lợi nhuận ròng thường khá khiêm tốn – chỉ vài tỷ đồng mỗi năm, ngoại trừ cú đột phá năm 2022 với khoản lãi 50 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng dự án.
Bước sang năm 2025, Portserco đặt mục tiêu doanh thu 150 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2024, cùng lợi nhuận trước thuế dao động từ 3,75 – 4,5 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận khiêm tốn khoảng 2,5–3%.
Quý I/2025 ghi nhận sự phục hồi nhẹ về hoạt động kinh doanh với oanh thu đạt gần 32 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ, lãi trước thuế hơn 825 triệu đồng (+77%), lãi ròng gần 656 triệu đồng (+41%). Như vậy, PRC đã hoàn thành khoảng 21% kế hoạch doanh thu và 18–22% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau quý đầu tiên.

Diễn biến giá cổ phiếu PRC cũng phản ánh sự kỳ vọng cao của nhà đầu tư vào kế hoạch tăng vốn và phục hồi kinh doanh. Từ đầu năm đến cuối tháng 4, cổ phiếu PRC tăng 43%, từ dưới 20.000 đồng/cp lên gần 28.000 đồng/cp. Dù vậy, thanh khoản vẫn ở mức thấp, bình quân chỉ hơn 3.500 đơn vị mỗi phiên phần nào do cơ cấu cổ đông cô đặc: 5 cá nhân lớn nắm gần 68% vốn, trong đó ông Trần Quang Tuấn – Giám đốc Tài chính là cổ đông lớn nhất với 20,88%.
Trong diễn biến mới nhất, ĐHĐCĐ thường niên 2025 của PRC tổ chức ngày 12/4 cũng đã thông qua việc thay đổi nhân sự cấp cao, bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT thay cho 3 người tiền nhiệm xin từ nhiệm, thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ về chiến lược và cơ cấu quản trị tại doanh nghiệp này.
Với hàng loạt thông tin tích cực từ chia thưởng “khủng”, chào bán giá rẻ, kế hoạch mở rộng quy mô và phục hồi lợi nhuận, PRC đang nổi lên như một trong những điểm sáng đầu tháng 5 trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, với thanh khoản còn hạn chế và cơ cấu sở hữu tập trung, nhà đầu tư vẫn cần cân nhắc kỹ khi tham gia vào nhịp tăng mạnh mẽ này.