Ngân hàng chạy đua lãi suất, đâu là động lực chính?

19/02/2025 - 17:45
(Bankviet.com) Trong hơn một tháng qua, xu hướng tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại vẫn chiếm ưu thế so với số ít ngân hàng giảm lãi suất. Động lực chính thúc đẩy sự điều chỉnh này đến từ nhu cầu tín dụng tăng cao, trong khi tốc độ huy động vốn lại chưa theo kịp, khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng có dấu hiệu căng thẳng.

Theo số liệu từ Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), trong giai đoạn từ ngày 6/1 đến 14/2, có 7/36 ngân hàng thực hiện tăng lãi suất, 3 ngân hàng giảm lãi suất và 2 ngân hàng điều chỉnh cả hai chiều tăng - giảm ở một số kỳ hạn.

Ngân hàng chạy đua lãi suất, đâu là động lực chính?
Tăng trưởng tín dụng thúc đẩy lãi suất huy đọng tăng

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 9 tháng tại quầy và online lên 5,2%/năm và 5,4%/năm, tăng mạnh 0,9% so với trước đó. Các kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng gửi online cũng tăng từ 0,4-1%/năm, đạt mức 5,6-6,6%/năm. Mức lãi suất cao nhất tại Eximbank hiện là 6,6%/năm với kỳ hạn 24-36 tháng online, cũng là một trong những mức cao nhất trong hệ thống đối với số tiền gửi dưới 200 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Bảo Việt (BVBank) tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng tại quầy lên 6,32%/năm, tăng 0,32%. Với các kỳ hạn từ 15 đến 24 tháng gửi online, BVBank cũng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trong hệ thống, dao động từ 6,25-6,45%/năm.

Ngoài Eximbank và BVBank, các ngân hàng khác như BaoVietBank, VietBank, KienlongBank, VietABank và BIDV cũng tăng lãi suất nhưng với mức điều chỉnh nhẹ hơn, từ 0,1-0,3%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tại quầy và online.

Ngược lại, chỉ có ba ngân hàng thực hiện giảm lãi suất ở một số kỳ hạn, với mức giảm nhẹ từ 0,1-0,3%/năm. Các ngân hàng này bao gồm Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacABank), Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

Hai ngân hàng khác là ABBankTechcombank có động thái điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo từng kỳ hạn, với mức tăng - giảm từ 0,1-0,2%/năm.

Với các khoản tiền gửi có giá trị lớn trên 200 tỷ đồng, bốn ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất cao nhất trong hệ thống. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) niêm yết lãi suất kỳ hạn 12-13 tháng ở mức 7-8%/năm đối với số tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Số Vikki (trước đây là DongABank) áp dụng lãi suất 7,5%/năm cho số tiền gửi trên 200 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) có mức lãi suất 7,7-8,1%/năm cho các khoản gửi từ 500 tỷ đồng trở lên. Đáng chú ý, Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) dẫn đầu với mức lãi suất huy động lên tới 9%/năm cho số tiền gửi trên 2.000 tỷ đồng.

Theo VNBA, một trong những yếu tố chính thúc đẩy lãi suất tiết kiệm tăng là sự phục hồi của nền kinh tế, cùng với đó là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh trong năm 2025. Điều này tạo động lực tăng trưởng tín dụng nhưng cũng đồng thời làm gia tăng áp lực huy động vốn đối với các ngân hàng thương mại.

Tại sự kiện Data Talk tháng 2 với chủ đề “Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô” diễn ra ngày 18/2, chuyên gia kinh tế Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc WiGroup, nhận định rằng áp lực tăng lãi suất huy động không đến từ việc chính sách tiền tệ của Việt Nam thắt chặt hay nới lỏng, mà chủ yếu do nguồn vốn của hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như trước.

Thống kê của Tổng cục Thống kê cho thấy đến cuối năm 2024, tổng huy động vốn tại các tổ chức tín dụng tăng 9,06% so với đầu năm, tương ứng với 1,2 triệu tỷ đồng, đưa tổng vốn huy động lên gần 14,7 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng lại tăng nhanh hơn, đạt mức 13,82%, tương ứng với 1,9 triệu tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tín dụng lên 15,4 triệu tỷ đồng.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng tín dụng tiếp tục vượt xa tốc độ huy động, tạo ra mức chênh lệch hơn 700.000 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp lượng vốn ngân hàng cho vay lớn hơn lượng vốn huy động. Điều này đặt ra thách thức lớn về thanh khoản, buộc các ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn từ các nguồn khác để đảm bảo khả năng cho vay, đồng thời duy trì mức lãi suất huy động hấp dẫn để thu hút dòng tiền.

Với áp lực từ cả tăng trưởng tín dụng và nhu cầu thanh khoản, mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể tiếp tục duy trì ở mức cao trong thời gian tới, đặc biệt khi thị trường bước vào giai đoạn đẩy mạnh giải ngân tín dụng trong quý II và quý III năm 2025.

Lãi suất ngân hàng 19/2/2025: Eximbank giảm lần thứ hai trong tháng

Lãi suất huy động tiếp tục giảm khi Eximbank hạ 0,1% tại nhiều kỳ hạn, phản ánh xu hướng chung trên thị trường. Trong khi ...

Hàng nghìn nhân sự ngành ngân hàng mất việc, công nghệ đang làm thay đổi cuộc chơi?

Hàng nghìn nhân viên ngân hàng mất việc trong năm 2024 khi làn sóng cắt giảm nhân sự lan rộng khắp ngành tài chính. Dù ...

Đi tìm nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng nóng ngay đầu năm 2025

Tại talkshow "Đo lường nội lực: Thích ứng trước sóng gió vĩ mô", chuyên gia Trần Ngọc Báu nhận định biến động tỷ giá USD/VND ...

Ân Thiên

Ân Thiên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán